“Bảo tàng” sách và văn hóa đọc đầu tiên tại Việt Nam: Nơi lưu giữ và lan tỏa đam mê sách

VHO- Hàng trăm ấn bản cổ, hiếm, bản đặc biệt từ thế kỷ XVI - XVIII của Việt Nam và các nước đang được trưng bày trong không gian “bảo tàng” của Thái Hà Books Tower (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đến đây, người xem được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về lịch sử chữ viết (Hán, Nôm, Quốc ngữ), ngôn ngữ trên thế giới, cũng như lịch sử ngành in và xuất bản.

“Bảo tàng” sách và văn hóa đọc đầu tiên tại Việt Nam: Nơi lưu giữ và lan tỏa đam mê sách - Anh 1

 Nhiu n phm quý hiếm đưc trưng bày ti bo tàng

Giới thiệu hàng trăm ấn bản cổ, có chất liệu đặc biệt

Trong những năm qua, công tác trưng bày của các bảo tàng Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định, qua đó góp phần nâng cao nhận thức văn hóa - lịch sử, giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần phát triển du lịch… Với mong muốn lưu giữ những giá trị của ngành xuất bản, in ấn và chữ viết, Thái Hà Books đã thành lập “bảo tàng” đầu tiên của ngành sách trong nước. Nhân lễ phát động dự án Khuyến đọc Việt Nam, “bảo tàng” đã chính thức mở cửa đón bạn đọc yêu sách đến tham quan.

Bà Vũ Thủy, Giám đốc Hợp tác quốc tế Thái Hà Books cho biết, tại không gian của “bảo tàng” có hàng trăm ấn bản cổ, độc, hiếm được trưng bày khắp 3 tầng của trụ sở Thái Hà Books Tower. Trong đó, tầng trưng bày thứ nhất toàn bộ hiện vật là các bản kinh Phật bằng tiếng Khmer viết trên lá buông. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm xuất hiện từ thế kỷ XIX. Nghệ thuật chạm khắc trên lá buông của người Khmer rất đặc biệt, lá được chọn ngay từ khi còn là búp trên cây và được ghép vào khung để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3 - 5 tháng, sau đó cắt lá xuống, phơi khô và sử dụng. Muốn viết kinh trên lá buông phải sử dụng mũi bút bằng sắt. Sau khi viết xong, dùng vải thấm than trộn với dầu thông và nhúng qua dầu hỏa để quét lên chữ khắc. Độ dai của lá kết hợp với sự khéo léo, tỉ mỉ, công phu của người viết đã tạo nên nét độc đáo có một không hai của kinh lá buông.

Tại tầng trưng bày thứ hai, toàn bộ hiện vật là hơn 156 đầu sách cổ từ các ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý… với đa dạng thể loại như tiểu thuyết, kinh thánh, truyện thơ, lịch sử… Người xem có thể tận mắt chứng kiến và hiểu về lịch sử chữ viết (Hán, Nôm, Quốc ngữ), ngôn ngữ trên thế giới, cũng như lịch sử ngành in và xuất bản. Có thể kể đến Những lá thư của M.Clavdio (Delle Lettere Di M.Clavdio) của tác giả Tolomei xuất bản năm 1563; Tuyển tập các lá thư từ Giáo hoàng Bentivoglio (Lettere Del Cardinal Bentivoglio) của Angelo Zon xuất bản năm 1670; Giai thoại về nước Anh (Anecdotes Angloises, depuis L’establissement De la Monarchie) của J.F De La Croix xuất bản năm 1769; Lịch sử suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã tập 1 (The History of The Decline And Fall of The Roman Empire Vol1) của Edward Gibbon xuất bản năm 1776…

Bên cạnh đó, không gian này còn lưu giữ những phiên bản sách đặc biệt bằng đủ chất liệu như gỗ, sơn mài, thêu, lụa, trúc chỉ… do chính Thái Hà Books triển khai in ấn từ nhiều năm nay. “Hầu hết các bản sách đặc biệt đều làm thủ công từ các chất liệu truyền thống như giấy dó, sơn mài, thêu, trúc chỉ… được gia công bởi những nghệ nhân từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam. Đặc biệt, bạn đọc sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức thư pháp bằng tiếng Việt, thể hiện sự tài hoa của người nghệ sĩ, truyền thống nhưng lại chứa đựng thông điệp rất hiện đại”, bà Vũ Thủy chia sẻ.

Tại tầng trưng bày thứ ba, Thái Hà Books giới thiệu với khách tham quan về lịch sử chữ viết, lịch sử ngành in, lịch sử ra đời của sách một cách trực quan và sinh động. Hơn 20 khung hình với những nội dung thông tin cụ thể và chính xác đã giúp người xem hình dung ra toàn bộ lịch sử của một sản phẩm rất tinh tế và văn hoá, đi cùng với sự phát triển của con người.

“Bảo tàng” sách và văn hóa đọc đầu tiên tại Việt Nam: Nơi lưu giữ và lan tỏa đam mê sách - Anh 2

Rất đông ngưi yêu sách đã đến vi bo tàng

Nơi thắp lên ngọn lửa cho sách và văn hóa đọc

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) nhấn mạnh, “bảo tàng” sách của Thái Hà Books là một mô hình rất đáng quý và có giá trị, cần được nhân rộng hơn nữa, bởi “bảo tàng” sẽ thắp lên ngọn lửa cho sách, nhìn thấy giá trị của sách và tình yêu sách đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Trên thế giới có rất nhiều bảo tàng sách tư nhân được thành lập xuất phát từ những bộ sưu tập sách cá nhân, là nơi để những người yêu sách có cơ hội giao lưu, chia sẻ. Ngay từ khi thành lập Thái Hà Books cách đây 15 năm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Thái Hà Books đã ấp ủ xây dựng một không gian trưng bày, lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến sách và văn hóa đọc, giới thiệu về lịch sử, văn hóa ngành xuất bản và văn hóa đọc từ xưa đến nay. Trong thời gian học tập và công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông đã sưu tập được những đầu sách quý và giờ đây, khi số lượng sách ngày càng nhiều, ông muốn giới thiệu để có mọi người được tiếp cận với khối tri thức của nhân loại. Đó là lý do ông thành lập “bảo tàng” sách và văn hóa đọc.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, cách làm này của Thái Hà Books là xu hướng tốt đối với những nhà sưu tập sách của Việt Nam, đồng thời, sẽ dần lan tỏa tình yêu sách, thói quen đọc sách cho cộng đồng. Trong tương lai, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến câu chuyện cần có một viện nghiên cứu sách.

Có thể nói, với hàng trăm ấn bản sách đang được trưng bày, “bảo tàng” sách và văn hóa đọc sẽ trở thành điểm đến hữu ích cho độc giả cũng như các nhà nghiên cứu. Giám đốc Hợp tác quốc tế Thái Hà Books cho biết, “bảo tàng” mở cửa miễn phí cho mọi đối tượng. Sau khi xây dựng xong trụ sở thứ hai của Thái Hà Books ở TP.HCM vào cuối năm 2022, “bảo tàng” sẽ được mở rộng hơn. Với mục đích tôn vinh, quảng bá, giới thiệu về sách và văn hóa đọc, đồng thời cũng là nơi giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về sách và văn hóa đọc, Thái Hà Books rất mong nhận được ý kiến đóng góp xây dựng cũng như những hiện vật liên quan tới sách để “bảo tàng” ngày càng chuyên nghiệp và phong phú hơn, qua đó lan tỏa sâu rộng hơn nữa tình yêu sách đến người dân cả nước. 

 BẢO LINH

Ý kiến bạn đọc