Tiến tới chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

VHO- Hiện nay số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc Covid-19 đang giảm liên tiếp trong những ngày qua, trong đó có TP Hà Nội. Trước tỷ lệ nhiễm và tử vong giảm, các chuyên gia cho rằng, làn sóng chủng Omicron đã qua đỉnh dịch và Chính phủ đã có yêu cầu nghiên cứu để chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Tiến tới chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B - Anh 1

 Theo l trình phòng, chng dch Covid-19 s không còn cnh dán thông báo như thế này

 Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 21.3 cả nước ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới, giảm 9.440 ca so với ngày trước đó, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (giảm 3.930), Hà Nội (giảm 1.149), Đắk Lắk (giảm 1.003). Đây là ngày thứ 6 liên tiếp giảm số ca tại Việt Nam, có ngày giảm 12.000 - 15.000 ca. Riêng Hà Nội, số ca mắc cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt, giảm theo từng ngày.

Không đồng nhất người nhiễm virus và mắc bệnh Covid-19 là F0

PGS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội nhận định, tại Hà Nội số ca nằm viện đã giảm, có thể đỉnh dịch đã đi qua, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 100 bệnh nhân Covid-19, trong đó 40 bệnh nhân nặng. Vì số bệnh nhân giảm nên bệnh viện đã đóng cửa một đơn nguyên hồi sức, số nhân viên y tế tham gia hỗ trợ điều trị tại bệnh viện này hiện giảm xuống một nửa chỉ còn 120 người.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, đến nay số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đã giảm 2/3 so với đỉnh dịch, số bệnh nhân đang theo dõi tại bệnh viện còn 100 bệnh nhân. Ngoài một số bệnh nhân phải nhập viện, điều trị, số người còn lại đa số là ít triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng đều bị gọi là bệnh nhân Covid-19 (thường gọi là F0). Theo chính sách phòng, chống dịch trước đây là phát hiện, truy vết, khoanh vùng nên người được phát hiện nhiễm virus trước gọi là F0, người tiếp xúc gần với F0 là F1 và người tiếp xúc với F1 là F2 để phân loại và cách ly theo đúng quy định. Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ thì các bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ, F1 không cần cách ly tập trung mà chỉ cách ly tại nhà thì cách gọi F0, F1 không còn phù hợp. GS Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Cần bỏ ngay quan niệm cứ xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính là đã bị mắc bệnh Covid-19. Đây là một quan niệm sai vì kết quả xét nghiệm dương tính chỉ cho thấy người đó nhiễm virus SARS-CoV-2, còn Covid-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Không phải ai nhiễm virus cũng biến chuyển thành bệnh Covid-19. Quan niệm sai thì sẽ có những quyết định, và giải quyết sai”, GS Trí nhấn mạnh.

Cũng theo GS Trí, cách gọi một tên chung là F0 rất ôm đồm, rất khó phân biệt cho tất cả những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính nhưng có dấu hiệu nhẹ. Cần chia các đối tượng này thành 3 nhóm: Nhóm những người bị nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, tức là người lành mang virus; Nhóm những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện triệu chứng nhẹ (như bệnh cảm cúm thông thường: đau đầu, ho nhẹ, mệt mỏi…thoáng qua); và nhóm những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện bệnh Covid-19 nặng hoặc rất nặng, cần phải nhập viện. “Việc phân loại những người nhiễm virus và mắc bệnh như vậy sẽ không gây ra sự hoang mang quá mức, đặc biệt là có cách tổ chức phòng, chống và cách giải quyết hậu quả Covid-19 một cách hữu hiệu nhất, không bị quá tải, không bị lúng túng”, GS Trí nói.

Cần có lộ trình để chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B

Mới đây, Chính phủ đã có Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19 và khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, trong đó có nội dung nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Chương trình được thực hiện trong 2 năm 2022-2023 và căn cứ tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Các chuyên gia cho rằng cùng với chủng Omicron có triệu chứng nhẹ, tiêm vắc xin đủ mũi phủ ở diện rộng, và năng lực cơ sở y tế đáp ứng hỗ trợ, chăm sóc, điều trị bệnh nhân, tỷ lệ tử vong giảm thì việc đưa bệnh Covid-19 ra khỏi nhóm A là phù hợp với xu hướng của thế giới. Điều này không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người, nhưng nó không còn “tối nguy hiểm” nữa, giống như sốt xuất huyết, sởi, có thể bùng phát lên từng khu vực, từng vùng, từng mùa nhưng nó cũng đã thành bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu). Tuy nhiên, khi Covid-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì từ việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, công bố số liệu cho tới việc cách ly, điều trị... đều có sự thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn, sẽ không còn hạn chế sự tập trung đông người; không còn việc bắt buộc cách ly người bệnh; không còn yêu cầu bắt buộc điều trị như đối với bệnh nhân nhóm A; không còn việc miễn phí điều trị, cách ly…, do đó Bộ Y tế cần có lộ trình và thành lập nhóm nghiên cứu để không bùng phát dịch trở lại cũng như tính đến khả năng chi trả dịch vụ y tế của người nghèo, cần có chính sách phù hợp… Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải được công bố dịch trên toàn quốc. Với Covid-19, khi chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không. Tuy nhiên, khi đó các chính sách phải được xây dựng sao cho phù hợp vì loại bệnh này có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc