Thêm nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

VHO - Chiều 25.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học “Hai trăm năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa, lịch sử, giáo dục... GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Thêm nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Anh 1

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp đã khẳng định và làm sáng tỏ hơn tầm vóc của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Hội thảo “Hai trăm năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu” thuộc khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tỉnh Bến Tre “Sưu tầm và số hóa các công trình nghiên cứu về nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu”, do GS.TS Nguyễn Chí Bền là chủ nhiệm đề tài. Diễn đàn khoa học nhằm mục đích làm rõ hơn giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu của Nguyễn Đình Chiểu và công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu, cũng như các vấn đề trong quá trình hội nhập và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các nghiên cứu, bài viết cũng như đưa ra những góc nhìn mới về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu xoay quanh gia phả, thân thế; về tư tưởng văn chương, sáng tác nghệ thuật; vấn đề phát huy giá trị danh nhân văn hóa trong nước và trên thế giới.

Thông tin về tình hình dịch và giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài, GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, trong sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tác phẩm, nhưng độc giả nước ngoài biết đến Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu qua tác phẩm Lục Vân Tiên. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là tác phẩm văn học Việt Nam đứng trong top đầu các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, đứng thứ ba chỉ sau Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (21 thứ tiếng, hơn 73 bản dịch) và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khoảng 16 thứ tiếng, 20 bản dịch). 

Thêm nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Anh 2

GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ tại Hội thảo

Theo thống kê, tới nay đã có 9 bản dịch Lục Vân Tiên sang 3 thứ tiếng, trong đó có 7 bản dịch sang tiếng Pháp. Năm 1985 Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Nhật; năm 2016 có bản dịch tiếng Anh của Éric Rosencrantz. Ngoài việc biết đến Lục Vân Tiên qua các bản dịch, công chúng nước ngoài còn được biết tới Nguyễn Đình Chiểu qua các sáng tác nghệ thuật giới thiệu tác phẩm của ông. Năm 1895-1897, Eugene Gibelt, một người Pháp đã nhờ tác giả Lê Đức Trạch vẽ minh họa truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, với 1.200 bức tranh minh họa. Năm 1899, Eugene Gibelt đã tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn của Pháp. Năm 2016, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã cho xuất bản tác phẩm này bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp… Tác phẩm Lục Vân Tiên còn được chuyển thể thành những loại hình nghệ thuật khác như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống giới thiệu ở nước ngoài. Gần đây nhất, năm 2021, NXB của ĐH Tổng hợp Viễn Đông, Liên bang Nga đã xuất bản cuốn sách Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất của GS.TS Nguyễn Chí Bền bằng 2 thứ tiếng Nga, Việt. 

Tương tự, tình hình nghiên cứu và giảng dạy Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài cũng rất phổ biến. Năm 1972, trong công trình Văn học Việt Nam thời trung đại xuất bản tại Liên Xô, GS.TSKH N.Nikulin, một nhà Việt Nam học xuất sắc người Nga đã có các bài viết chuyên sâu, sắc sảo giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu. Ông đã có những nghiên cứu xuất sắc, những bình giảng sâu sắc và am tường về tác phẩm Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp. Các nghiên cứu của ông không chỉ dừng lại là các nghiên cứu về văn học thuần túy, mà đã đề cập đến cả bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam thời kỳ đó, đặc biệt nhấn mạnh những nét đẹp đáng kính trọng trong nhân cách, đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu với tư cách một chí sĩ yêu nước và tài năng của ông như một nhà thơ, nhà văn.

Ngoài ra, còn có các nghiên cứu của các nhà Việt Nam học khác như: M. Tkacov, Tachiana Philimonova, Annatoli Sokolov… Nhìn chung, việc giới thiệu, nghiên cứu và giảng dạy về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã giúp giới thiệu sâu rộng hơn với bạn bè quốc tế về tâm hồn, phẩm cách, triết lý sống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lòng yêu nước sâu sắc, ý chí quật cường chống ngoại xâm, nhưng đồng thời cũng rất yêu chuộng hòa bình, tự do, trọng đạo lý, tài năng văn chương nghệ thuật…

Thêm nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Anh 3

Ông Nguyễn Quang Trị cho rằng cần nhanh chóng số hóa các tài nguyên thơ văn trong dân gian của cụ Chiểu

Theo ông Nguyễn Quang Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre, công việc cần thiết hiện nay là đưa vào số hóa những nội dung của người đời ca ngợi cụ Nguyễn Đình Chiểu (hoặc ca ngợi thơ văn của cụ). Những nội dung này rất phong phú và lưu truyền tản mát trong dân hoặc trong các bài viết rất cần hệ thống lại một cách bài bản. Bên cạnh đó, cần quan tâm mảng sáng tác trong dân gian do ngẫu hứng từ tác phẩm thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. “Hiện nay rất nhiều tư liệu còn nằm trong dân, chúng ta phải tiếp tục sưu tầm và số hóa cho được để lưu truyền không những cho Việt Nam mà còn cho thế giới nghiên cứu. Cùng với đó, nên quan tâm đến những việc, tuy ta thấy bình thường, nhưng là cả một câu chuyện “hi hữu”, ví dụ: ảnh chân dung của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra, cần sưu tầm thêm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Cha, Mẹ và vợ cụ Nguyễn Đình Chiểu, trong đó vai trò của bà vợ Lê Thị Điền rất quan trọng, có ảnh hưởng rất quyết định đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ Chiểu”, ông Nguyễn Quang Trị bày tỏ.

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là nhà thơ, nhà văn hóa của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Cụ sống 26 năm cuối đời ở Bến Tre. Con người và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Những tác phẩm của cụ đã trở thành kinh điển, có giá trị văn hóa dân tộc.

Ngày 23.11.2021 tại Paris (Pháp), UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Năm 2022, UNESCO tổ chức vinh danh Nguyễn Đình Chiểu. Hiện các cơ quan chuyên môn đang khẩn trương thực hiện 3 hoạt động chính liên quan đến sự kiện này là: Trưng bày thực con người, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre và trưng bày ảo tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp); Hội thảo khoa học quốc tế về con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu và Lễ kỷ niệm lần thứ 200 Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào ngày 1.7.2022.

Thêm nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Anh 4

Một số tài liệu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Nguồn ảnh: Phạm Văn Luân

Theo TS Phạm Văn Luân, Trường Cao đẳng Bến Tre, trong các hoạt động hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, tính đến nay, tháng 3.2022 Bến Tre hiện có một thư mục với hơn 523 tư liệu, hiện vật về Nguyễn Đình Chiểu đang được huy động chuẩn bị phục vụ trưng bày, triển lãm thực và ảo. Trong số đó, gồm 93 tư liệu, hiện vật cũ và sưu tầm mới hơn 430 tư liệu, hiện vật.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc