Để không còn chứng kiến những chuyện đau lòng

VHO- Tôi tin chắc tất cả chúng ta đều rất đau lòng với vụ việc nam sinh 16 tuổi nhảy lầu tự vẫn tại chung cư Văn Phú Victoria (quận Hà Đông, Hà Nội). Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra và cho chúng ta thấy những báo động đối với hiện tượng tự tử trong giới trẻ, đặc biệt là thiếu niên tuổi mới lớn.

Tôi cũng có một cậu con trai trong tuổi vị thành niên và việc nuôi dạy cháu cũng là một trải nghiệm phức tạp.

Để không còn chứng kiến những chuyện đau lòng - Anh 1

Ảnh minh họa

 Những tranh cãi của hai vợ chồng chủ yếu xung quanh việc nuôi dạy con. Bản thân con tôi cũng rơi vào những lúc khá phức tạp, thậm chí là buồn chán, suy nghĩ tiêu cực. Bố mẹ phải rất vất vả trong việc tìm ra cách để động viên con, làm sao cho con giải tỏa được những áp lực, vui vẻ hơn. Kinh nghiệm của ông bà, bản thân bố mẹ, tham khảo từ bạn bè có con cùng lứa tuổi, tin tức trên các trang mạng xã hội... đều là những thông tin cần phải có để tìm ra giải pháp đưa con mình trở về với trạng thái bình thường, vui vẻ. Nhiều khi, tôi nghĩ, sinh được ra con đã rất vất vả nhưng nuôi được một đứa trẻ thành người còn vất vả hơn nhiều lần.

Quá trình lớn lên của trẻ là cả một chặng đường với rất nhiều buồn - vui, những lựa chọn đúng sai và những thăng trầm trong tình cảm. Tôi cũng có thể hiểu những khó khăn chung của các bậc cha mẹ. Một mặt chúng ta kỳ vọng con cái là một bản sao tốt hơn chính mình, thường lấy những tấm gương của con cái bạn bè để khuyến khích động viên con mình cố gắng, luôn cho rằng lựa chọn của mình là tốt nhất cho con và vì con chưa đủ tuổi suy nghĩ chín chắn nên chưa quyết định được cách đi riêng của mình, vì thế, chúng ta lựa chọn cho con và tin rằng lựa chọn đó phù hợp với con mình. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình làm thế là vì yêu con, một thứ tình yêu vô bờ bến như lời bài hát Nhật ký của mẹ: “Này con yêu ơi con biết không. Mẹ yêu con, yêu con nhất đời!”. Mặt khác, chúng ta vẫn biết rằng, con mình cũng cần có sự lựa chọn riêng và chúng ta không thể suốt đời đi bên con được. Con cần cứng cáp, không dựa dẫm vào bố mẹ để có thể phát triển độc lập trong cuộc đời. Nhưng chúng ta vẫn chưa dám buông tay con ra vì luôn sợ con mình chưa đủ bản lĩnh. Trong mắt bố mẹ, con cái dù ở tuổi nào vẫn luôn là trẻ con là vì như vậy!

Thực ra, lo lắng của cha mẹ là rất cần thiết và có thể thông cảm được. Đó có thể là thứ cảm xúc xuyên thế hệ mà đến khi làm cha mẹ, chúng ta mới thực sự cảm nhận được điều đó. Khi chúng ta còn trẻ, tôi và chắc nhiều người cũng như vậy, có thể có những bức xúc với sự giám sát quá mức của cha mẹ. Những bức xúc này sẽ càng trở nên trầm trọng hơn cùng với áp lực khác của cuộc sống. Nhiều đứa trẻ ngoan, nhưng cũng có những đứa trẻ trở nên nổi loạn và có suy nghĩ tiêu cực hơn. Đa phần chúng ta vượt qua để bước tiếp vào những chặng đường mới của cuộc đời với sự trưởng thành nhất định từ những va vấp đầu đời. Chúng ta cũng cần chấp nhận những sai lầm con trẻ mắc phải như một phần tất yếu của cuộc sống, một thứ trải nghiệm mà ai cũng phải bước qua. Cách tiếp cận tích cực của bố mẹ đối với những sai sót của con và hướng dẫn con vượt qua sẽ giúp con thoải mái hơn trong cuộc sống. Quan điểm là: Khó khăn cũng có thể là cơ hội để rèn luyện con người. Ai vượt qua khó khăn đều sẽ trưởng thành hơn.

Như thế, con của chúng ta cũng vậy, và trước kia chúng ta cũng thế. Bản thân chúng ta khi lớn lên, không hiếm khi rơi vào tình trạng chán nản. Áp lực từ học hành, từ đòi hỏi của cha mẹ, thiếu mục đích trong cuộc sống, đặc điểm tâm sinh lý của tuổi mới lớn càng khiến cho tình hình thêm phức tạp với trẻ em, giờ lại thêm học trực tuyến do giãn cách xã hội đã tạo ra vô vàn những thách thức mới cho trẻ. Theo một nghiên cứu ở Israel, nhiều chứng bệnh tâm lý ở trẻ em như trầm cảm, rối loạn lo âu, biếng ăn do tâm lý, tự tử… đều tăng từ 300 - 400%. Điều đó khiến cho chúng ta nghĩ nhiều hơn về những giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề tự tử nói riêng, tình trạng trầm cảm nói chung cho trẻ em.

Nhà xã hội học người Pháp, Emile Durkheim, trong công trình nổi tiếng của mình nghiên cứu về tự tử, đã rút ra kết luận về mối tương quan giữa sự cố kết xã hội với tỷ lệ tự tử, theo đó, mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, xã hội càng gần gũi, bền chặt bao nhiêu thì tỷ lệ tự tử càng giảm đi bấy nhiêu, và ngược lại. Công trình được công bố cách đây hơn 100 năm (1879) nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Làm sao để giá trị sống, gắn kết tình thân, gia đình thực sự tạo ra tế bào khỏe mạnh cho xã hội. Giờ đây, có lẽ chúng ta cần nghĩ nhiều hơn đến việc xây dựng hạnh phúc cho trẻ em từ gia đình, nhà trường và xã hội. Quyền của trẻ em là được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và kiến thức, và đặc biệt là được quyền chủ động lựa chọn tương lai của mình trong sự hiểu biết đầy đủ. Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc là tương lai tươi sáng của dân tộc.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Chăm sóc cho trẻ em chính là chuẩn bị cho tương lai của đất nước. Ai đó đã nói rằng: “Không có bức tranh nào rõ rệt về linh hồn của một xã hội hơn là cách xã hội ấy đối xử với trẻ em”. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, chúng ta càng cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em để chúng ta không còn phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng từ các vụ tự tử của con trẻ. Khi được sống trong yêu thương, hạnh phúc, trẻ em sẽ chạm được đến ước mơ của cuộc đời mình. Đó cũng là mong ước của mỗi gia đình và toàn xã hội. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc