Nỗ lực bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống H’rê, Bana

VHO- Bằng quyết tâm, các ngành cấp, chính quyền và người dân đang dốc toàn lực bảo tồn, phục dựng lại trang phục truyền thống cho người H’rê, Bana tại huyện vùng cao An Lão (Bình Định). Tất cả đều mong muốn, trang phục truyền thống của đồng bào nơi đây sẽ “sống lại” và phổ biến hơn trong cuộc sống, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.

Theo nghiên cứu, thổ cẩm cũng như trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, Bana chính là sự kết tinh văn hoá trong môi trường tự nhiên, xã hội riêng biệt. Nó mang nét đẹp của sự hồn nhiên, thanh khiết như đất, như nước, như núi rừng. Thổ cẩm, trang phục truyền thống đã thành một phần tất yếu của đời sống cư dân và là một phần trong đời sống văn hoá của đồng bào H’rê, Bana.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống H’rê, Bana - ảnh 1

Nghề may thổ cẩm của người Bana tại xã vùng cao An Toàn

Người H’rê cho rằng, trang phục chủ đạo của họ là hai màu đen và trắng, đại diện cho đất và nước, còn màu đỏ đại diện cho thần linh, cả ba màu ấy hòa quyện, bổ trợ nhau trên từng chi tiết cho các sản phẩm thổ cẩm thêm rực rỡ. Các gam màu đỏ, đen, trắng trên trang phục của người H’rê được kết hợp với bố cục có chọn lọc, các đường sọc đỏ không rực rỡ, màu đen được sử dụng làm nền vẫn không lấn át các màu khác, màu xám, màu xanh không quá đậm khiến cho các màu sắc hoa văn tạo nên sự dịu dàng, đằm thắm vững chải không rực rỡ chói mắt. Trong khi đó, người Bana chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang phục kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản.

Theo thống kê, toàn huyện An Lão có 40 thôn của 8 xã và 1 thị trấn có đồng bào H’rê, Bana sinh sốn. Vì thế đời sống văn hóa tinh thần của người H’rê, Bana trên địa bàn huyện rất phong phú và đa dạng, trong đó có trang phục truyền thống của 2 đồng bào này như trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con... Đặc biệt, trang phục lễ hội là trang phục truyền thống thể hiện rõ sắc thái văn hóa của đồng bào H’rê, Bana. Chỉ tiếc rằng những bộ trang phục truyền thống của cả nam và nữ đều không được cất giữ trong các gia đình H’rê, Bana, bởi vì thời gian và chiến tranh ác liệt đã làm mai một đi tất cả.

Mặt khác ngày nay, quá trình trao đổi, buôn bán giữa người miền xuôi với vùng cao bà con H’rê, Bana ở huyện An Lão dễ dàng hơn, phương tiện giao thông đi lại thuận lợi nên các loại hàng hóa quần áo, vải vóc của người Kinh xuất hiện. Từ đó thay thế trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào H’rê, Bana, họ chỉ mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết. Bà Đinh Thi Thu, người Bana ở thôn 1 xã An Toàn chia sẻ: Tụi nhỏ giờ không còn thích trang phục truyền thống nữa, bởi thế nhiều thế hệ trẻ không biết đến dệt, may mặc truyền thống của dân tộc mình nữa. Mấy năm trở lại đây, du lịch cộng đồng tại An Toàn bắt đầu phát triển, chỉ mong đây là “liều thuốc” bổ dưỡng tốt để kích thích trang phục truyền thống của người Bana được bảo tồn và phát triển bền vững sau này.

Hiện nay, gần như trang phục truyền thống của đồng bào H’rê, Bana trên địa bàn huyện An Lão đa số được mua từ các địa phương khác và đang được sử dụng trong các ngày hội VHTT, các ngày lễ, tết tại địa phương và trong đời sống hàng ngày. Trong đó trang phục của đồng bào Bana xã An Nghĩa, An Toàn mua từ huyện Vĩnh Thạnh; trang phục truyền thống đồng bào H’rê xã An Vinh, An Dũng, An Trung, An Quang, thị trấn An Lão… mua từ các huyện của tỉnh Quảng Ngãi.

Sau hội thảo lấy ý kiến bộ trang phục truyền thống của đồng bào H’rê, Bana trên địa bàn huyện vừa được tổ chức, UBND huyện An Lão thống nhất chọn mẫu trang phục truyền thống đồng bào H’rê huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi về màu sắc, hoa văn, chất liệu làm bộ trang phục truyền thống đồng bào H’rê huyện An Lão. Cụ thể, bộ trang phục truyền thống nam H’rê áo, khố nam H’rê, nhưng không có ren tua phía dưới, cũng không có hoa văn đường kẽ ngang phía trước và sau; thống nhất tấm choàng nam H’rê. Còn bộ trang phục truyền thống nữ H’rê thống nhất bộ váy, áo nữ H’rê theo mẫu nhưng không có các hoa văn hình thoi ở giữa váy và áo, không có ren tua phía dưới váy; bổ sung thêm thiết kế mẫu ly tu 2 tầng.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống H’rê, Bana - ảnh 2

Phụ nữ đồng bào thiểu số huyện An Lão rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống

Riêng trang phục truyền thống đồng bào Bana, UBND huyện An Lão cũng thống nhất chọn mẫu trang phục truyền thống đồng bào Bana xã An Toàn, An Nghĩa đang sử dụng về màu sắc, hoa văn, chất liệu làm bộ trang phục truyền thống đồng bào Bana huyện An Lão; bổ sung thêm khố nam Bana, mũ nam và dây cột đầu nữ.

Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An lão cho hay: Huyện kiến nghị Trung ương và Bộ VHTTDL có cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền nghề dệt và may trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích lớp trẻ bảo tồn.

Theo ông Phú, huyện An Lão cũng mong muốn UBND tỉnh, Sở VHTT Bình Định quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, có hỗ trợ kinh phí phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một...

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc