Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Báo động cách ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật (Bài 1): Đừng để những gì còn lại là... bài học đắt giá (!)

Thứ Tư 13/04/2022 | 10:47 GMT+7

LTS: Câu chuyện bức phù điêu tại tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh Quảng trường Ba Đình gây xôn xao dư luận những ngày qua một lần nữa tiếp tục cảnh báo về cách ứng xử đầy nhức nhối với những di sản kiến trúc - nghệ thuật mang giá trị lịch sử vô giá.

Giữa guồng quay đô thị hóa, tọa lạc ở những vị trí “kim cương”… đã trở thành lý do khiến không ít công trình vốn tồn tại như chứng nhân lịch sử, bỗng chốc bị phá hủy, biến dạng, hoặc trở thành “gánh nặng” phải đưa lên bàn cân đong, đếm.

Những bức phù điêu quý nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), sau nhiều năm vẫn bị nhốt kín

 Câu hỏi được đặt ra, những công trình kiến trúc, nghệ thuật vô giá ấy nếu tiếp tục bị phá dỡ, hoặc đổi chỗ cho những tòa cao ốc, công trình hiện đại…, thì chúng ta sẽ còn lại những gì?

Người yêu di sản lại một lần nữa ngỡ ngàng, tiếc nuối khi dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ đang bị phá dỡ để xây tòa cao ốc.

Không thể bị lãng quên và phá hủy

Trên bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thông tin cho biết, tại địa điểm này, dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày sinh nhật Bác Hồ, 19.5.1967. Năm tháng lịch sử hào hùng “Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ” được nhắc nhớ đầy cảm xúc qua những hình ảnh đắt giá trên bức phù điêu. Bởi thế, sự tồn tại của bức phù điêu cũng như rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật, công trình kiến trúc khác mang ý nghĩa như những chứng nhân lịch sử, rất cần được trân trọng, giữ gìn.

Vậy mà, khi tòa nhà đang bị phá dỡ thì cả Sở VHTT Hà Nội và UBND quận Ba Đình đều cho biết không được hỏi ý kiến về việc bảo vệ bức phù điêu. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đề nghị Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu, báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội và UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Phía Sở VHTT Hà Nội cũng yêu cầu quận Ba Đình, Chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng, báo cáo Sở để có phương án giải quyết theo quy định. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, trong quá trình chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc phần nổi công trình, Sở này đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở VHTT chủ trì, tổ chức xem xét, đánh giá giá trị phù điêu để đề xuất phương án bảo tồn nếu cần thiết. Ngoài ra, có thể phối hợp với chủ đầu tư để đặt tại vị trí phù hợp trong phạm vi khuôn viên của dự án.

Trạm phát sóng Bạch Mai đã từng bị phá dỡ trở thành bài học đắt giá trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội

Số phận bức phù điêu lịch sử sẽ ra sao còn là diễn biến thu hút sự chú ý không chỉ với người yêu di sản mà còn với đông đảo người dân Hà Nội. Chẳng phải đến bây giờ, sự thiếu trân trọng một cách đúng mức đối những công trình kiến trúc - nghệ thuật mang giá trị văn hóa, lịch sử mới được cảnh báo. Trải qua mưa nắng và biến thiên thời gian, công trình tòa nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú, dáng vẻ hài hòa với cảnh quan xung quanh đã trở thành một phần không thể tách rời của không gian đô thị Hà Nội. KTS Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ để xây mới một tòa cao ốc là một điều đáng tiếc và có phần vội vàng. Còn theo KTS Trần Huy Ánh, tòa nhà thật khó giữ ở vị trí “đất kim cương”, nhưng bức phù điêu với vai trò chứng nhân của lịch sử Hà Nội trong một giai đoạn hào hùng, ít nhất cần cắt mảng tường có bức phù điêu để dựng lại ở góc phố này.

Người yêu di sản, yêu Hà Nội cũng lên tiếng tha thiết đề nghị giữ lại bức phù điêu. Không thể tin rằng một di sản kiến trúc nghệ thuật có thể bị lãng quên và phá hủy, nhiều người lo lắng bức phù điêu trên tòa nhà Pháp cổ năm xưa liệu có rơi vào tình trạng bị phá dỡ như ngôi biệt thự tại ngõ 128C phố Đại La thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai hồi năm 2020. Các chuyên gia văn hóa, lịch sử và giới kiến trúc đều cho rằng, bức phù điêu cần phải được giữ lại, để sau này còn kể cho hậu thế về những khoảnh khắc hào hùng trong lịch sử.

Đừng để điều còn lại chỉ là… nỗi nhớ

Sẽ còn lại gì ở 61 Trần Phú nếu thế hệ hôm nay không giữ lại bức phù điêu? Câu chuyện bảo tồn, phát huy và ứng xử với di sản một lần nữa trở nên nhức nhối, khi di sản được đặt lên bàn cân để đong, đếm với những giá trị, lợi ích kinh tế khác.

Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều công trình hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố phát triển năng động. Nhưng bên cạnh những tổ hợp cao ốc lộng lẫy, choáng ngợp, Hà Nội vẫn còn đó những công trình kiến trúc Pháp cổ có niên đại hàng trăm năm. Vóc dáng kiến trúc đặc trưng luôn mang đến hối tiếc khi Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều hơn những quyết định đánh đổi sự tồn tại của các công trình kiến trúc cổ cho những siêu công trình, những dự án ngàn tỉ. Việc phá dỡ trạm phát sóng Bạch Mai hồi cuối năm 2020 cũng từng để lại vết thương trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. TS.KTS Trương Ngọc Lân (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng) gọi đó là một bài học đắt giá. Với ông, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề khó khăn trong bối cảnh đô thị hóa ở mọi quốc gia.

Bức phù điêu nhắc nhở người dân không quên bộ đội, dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19.5.1967

Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị biến mất khi phải nhường không gian cho những dự án phát triển mới, không chỉ của các chủ đầu tư tư nhân mà còn cả của nhà nước. “Một trong những yếu tố làm nên giá trị cảnh quan đặc trưng của những đô thị Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố khác là những công trình kiến trúc truyền thống và kiến trúc thời thuộc địa. Tuy nhiên phần lớn những công trình đó lại chưa được xếp hạng là di tích ở bất kỳ cấp độ nào. Chúng như những hiện vật quý giá bày trong một bảo tàng không có cửa và cũng không có người bảo vệ…”, KTS Trương Ngọc Lân nhận định. Theo ông, trạm phát sóng Bạch Mai là một công trình như vậy. Dù có sự lên tiếng bảo vệ của giới chuyên môn, báo chí, cộng đồng yêu di sản nhưng đến cuối cùng, căn biệt thự Trạm phát sóng Bạch Mai cũng đã bị phá bỏ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Chỉ sau một đêm, công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc đẹp của Pháp, có tuổi đời 108 năm đã không còn nữa.

Trước nữa, câu chuyện ứng xử với bức phù điêu quý thời mỹ thuật Đông Dương, nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) cũng khiến công chúng yêu mỹ thuật, di sản vô cùng… sốt ruột. Đây là những bức phù điêu được các giáo sư và sinh viên khóa 1, 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có tác giả Vũ Cao Đàm sáng tác nhằm trang trí cung Đông Dương tại Đấu xảo thuộc địa quốc tế năm 1931, Paris, Pháp. Trong những di sản của nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam, đây là những bức phù điêu đặc biệt giá trị bởi rất hiếm có những tác phẩm sáng tác trong giai đoạn hình thành và phát triển của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, số lượng các nhà điêu khắc được đào tạo trong giai đoạn này lại càng hiếm.

Giá trị là vậy, thế nhưng từ cách đây nhiều năm, các nhà quản lý và giới chuyên môn đã từng kiến nghị cấp có thẩm quyền để “giải cứu” những bức phù điêu giá trị này. Nhưng cho đến nay, mọi việc vẫn chưa hề tiến triển, những bức phù điêu mang dấu ấn nghệ thuật một thời vẫn bị… “nhốt kín”. Nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật mang trên mình trọng trách chứng nhân lịch sử của một thời kỳ đã qua, nhưng ngày nay, khó có thể nhận ra hình xưa bóng cũ của những công trình ấy khi đi dọc các con phố Hà Nội. Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước mới đây đã biên soạn và phát hành cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Những viên ngọc quý tại Hà Nội”. Ấn phẩm có giá trị đặc biệt về mặt tư liệu đối với những người quan tâm tới kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội, những người thiết tha với công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, văn hóa đang có nguy cơ biến mất dần giữa cuộc sống đô thị hối hả hôm nay. 

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top