Cần chính sách cho phép các cơ quan báo chí "xé rào" để chuyển đổi số

VHO - Với quan điểm bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó, hiện nay nhiều cơ quan báo chí đang rất quyết tâm trong chuyển đổi số. Bởi khi bạn đọc lên mạng, sống trên mạng, thì báo chí cũng phải lên mạng.

Cần chính sách cho phép các cơ quan báo chí

Diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn"

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, sáng 14.4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam - Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn", với sự đồng hành của Tập đoàn Netcore. Diễn đàn với sự đóng góp ý kiến của lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo của nhiều cơ quan báo chí, các nhà báo kỳ cựu, các chuyên gia truyền thông số…

Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm

Tại diễn đàn, các đại biểu trong ngành báo chí cũng chia sẻ, xu thế chuyển đổi số, tác động của mạng xã hội đến báo chí đã được dự đoán từ những năm trước, nhưng thực tế câu chuyện đang diễn ra nhanh hơn, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong giai đoạn gần đây, đặc biệt là những nước ở Đông Nam Á, người dùng dần dần coi mạng xã hội dần trở thành nguồn tin tức mới, với khả năng tiếp cận, lan tỏa cũng như không cần phải thao tác quá nhiều cũng nhận được thông tin mới.

Trong bối cảnh đó, báo chí ở thế bị động, đợi độc giả tìm kiếm, truy cập vào trang tin tức, thiếu các kênh đưa tin tức trực tiếp đến người dùng. Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, đồng thời cũng là một chuyên gia truyền thông số khẳng định, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số với rất nhiều thay đổi về công nghệ làm báo, với rất nhiều thay đổi hành vi của độc giả, không còn cách nào khác ngoài tích cực đi theo con đường số hóa và chuyển đổi số.

Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Tuy nhiên hiện hiện nay nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. “Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy. Lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung cũng khẳng định, bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó, bạn đọc lên mạng báo chí cũng phải lên mạng. Vì thế mà báo Tuổi Trẻ có sự bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số để đi từ một tờ nhật báo hàng đầu trở thành một tờ báo vươn lên thứ 2 trong số các tờ báo được đọc nhiều nhất trên mạng vào năm 2021 gây ấn tượng cho các đại biểu tham gia diễn đàn.

Do đó, đóng góp ý kiến về giải pháp chuyển đổi số, ông Lê Xuân Trung gợi ý từ kinh nghiệm của báo Tuổi Trẻ là trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần phải vượt qua 3 thách thức lớn: Công nghệ, chi phí đầu tư; con người. Trong đó, nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả, nhưng thách thức quan trọng nhất là con người, bộ máy: “Khi Tuổi Trẻ muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được”, ông Lê Xuân Trung nói.

Vì thế, ông Lê Xuân Trung đã đưa ra 3 phương án để có thể cân nhắc nhằm giải quyết về thách thức con người: tuyển người để có lực lượng tại chỗ làm công nghệ, hai là thuê công ty bên ngoài, ba là lực lượng tại chỗ phối hợp với thuê bên ngoài.

Muốn "xé rào" để chuyển đổi số phải có chính sách và lộ trình

Theo đó, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tính cấp bách trong chuyển đổi số và cần được thông báo rõ ràng tới mọi người. Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả, mất nguồn thu và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

Ông Phùng Tấn Cường, Phó Giám đốc Quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam, Tập đoàn Netcore cũng chỉ ra những thách thức mà ngành báo chí đang phải đối mặt ở Việt Nam và vai trò của công nghệ Martketing (Martech) với chuyển đổi số trong ngành báo chí cũng như lộ trình ứng dụng, triển khai Martech cho ngành báo chí. Chuyển đổi số là bài toán lớn, nếu làm lan man sẽ không đi tới đâu, nên có lộ trình, từng bước xây dựng nội dung, kênh tương tác nội dung ra sao mới có thể triển khai.

Đại diện Vietnamplus - một cơ quan báo chí rất quyết tâm chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách cho phép các cơ quan báo chí "xé rào" để chuyển đổi số.  Bởi Vietnamplus hiện nay muốn đầu tư cho chuyển đổi số đều phải đi đường tắt do những ràng buộc của cơ chế chính sách. "Các tòa soạn phải chuyển đổi số, nhưng hiện nay vẫn giữ nguyên quy định cơ quan báo chí chỉ được tuyển phóng viên, biên tập viên, không có chỉ tiêu tuyển dụng những người làm công nghệ, chuyên viên phân tích, xử lý dữ liệu…", ông Nhật góp ý.

Đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ quan báo chí hiện nay, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nhận định: Đa số cơ quan báo chí vẫn nghĩ đơn giản có trang web, báo điện tử là lên không gian số. Điều này một phần là do nhận thức, nhưng cũng có lý do thiếu nguồn lực. Trong khi đó, quan trọng nhất, là phải thay đổi từ mô hình, tổ chức cho tới cách làm báo, chuẩn bị tâm thế cho cách làm báo kiểu khác, thì nhiều cơ quan báo chí chưa sẵn sàng...

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số. Trước đây Nhà nước hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành… thì Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho rằng chuyển đổi số trong báo chí hiện nay đang chậm hơn so với khối doanh nghiệp, nhưng đi chậm cũng có thể rút kinh nghiệm. Chuyển đổi số trong báo chí có vẻ đang gặp nhiều khó khăn ban đầu. Lãnh đạo các đơn vị có người biết công nghệ một chút, có người không, nhưng quan trọng hơn là không biết bắt đầu từ đâu, định hướng như thế nào, không ai dẫn dắt. Ngoài ra, khó khăn nữa là về kinh phí, Nhà nước đầu tư bao năm nhưng đầu tư dần dần, trong khi chuyển đổi số phải làm ngay. “Bộ TT&TT đã có chiến lược chuyển đổi số riêng cho cơ quan báo chí. Tới đây, sau khi đề án chuyển đổi số được Chính phủ phê duyệt dự kiến vào tháng 5, sẽ triển khai nhiều hoạt động. Nhưng trong năm nay, Bộ TT&TT dự kiến sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước. Riêng khối báo chí, đào tạo từ 3000 – 5000 người.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết chủ trương của Chính phủ là xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Vì vậy Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng nền tảng lớn dùng chung, đặc biệt là cho 6 cơ quan báo chí lớn.

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc