Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Báo động cách ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật (Bài cuối): Giải pháp nào cho bài toán bảo tồn và phát triển?

Thứ Hai 18/04/2022 | 10:52 GMT+7

VHO-  TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh dưới), cũng là người đã gắn bó lâu năm với công tác quản lý văn hóa của Hà Nội đã chia sẻ với Văn Hóa quan điểm về giải pháp trong ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật trên Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ông cho rằng, bài toán bảo tồn và phát triển luôn luôn là bài toán khó, đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng. Khó không chỉ riêng với Hà Nội, nhưng lại đặc biệt khó với Hà Nội, nơi mỗi tấc đất đều in đậm những dấu tích ngàn xưa.

Càng khó càng phải cân nhắc thật kỹ

P.V: Nhiều năm gắn bó với Hà Nội và văn hóa Hà Nội, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua, gần nhất là câu chuyện gắn với bức phù điêu trên tòa Pháp cổ ở 61 Trần Phú?

- TS Nguyễn Viết Chức: Tôi xin chia sẻ cái khó với những người làm quản lý văn hóa nói chung, quản lý di sản Hà Nội nói riêng. Bởi Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, mỗi tấc đất đều in đậm những dấu tích của ngàn xưa. Dấu tích ấy vừa có giá trị về tinh thần, vừa có giá trị vật chất và đặc biệt là giá trị văn hóa, đều đáng trân trọng và đều cần phải suy tính. Bài toán bảo tồn và phát triển luôn là bài toán lúc nào cũng khó. Khó không riêng với Hà Nội mà các địa phương, các quốc gia trên thế giới cũng đều gặp phải. Thế nhưng, bài toán đó đặc biệt khó với Hà Nội, vùng đất của những giá trị di sản.

Muốn giải bài toán khó này, với bất kỳ công việc gì định triển khai, không chỉ là câu chuyện ở 61 Trần Phú mà ở mọi nơi, nhất là trong khu vực nội đô, chúng ta đều phải tính toán thật kỹ. Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ đối với khu vực 1, 2, khu vực bên cạnh những di tích, di sản có giá trị phải tuân thủ những nguyên tắc nào rồi. Thế nhưng có nhiều nơi chưa được xếp hạng, như 61 Trần Phú, không có trong danh mục bảo tồn. Tuy nhiên, đó cũng là công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm, tại sao không lấy ý kiến của Hội Kiến trúc sư, tham vấn ý kiến cộng đồng một cách kỹ lưỡng? Trong khu vực nội đô bây giờ, xây dựng nhà cao tầng phải rất cân nhắc, không chỉ vì mục đích kinh tế thôi. Công trình nhà Pháp cũ ở 61 Trần Phú đổi chỗ cho nhà cao tầng, rõ ràng về kinh tế là có lợi, nhưng xét về tổng thể thì chưa chắc. Trước hết là sẽ ùn tắc giao thông, chưa bàn đến sự ảnh hưởng với các yếu tố văn hóa. Vì sao du khách trong nước và quốc tế lại yêu mến Hà Nội đến vậy?

Điều đầu tiên là bởi Thủ đô của ta khác với các thành phố khác về yếu tố văn hóa, cảnh quan, nét kiến trúc đặc biệt, hài hòa pha trộn giữa cái mới và cái cũ, giữa hiện đại và cổ kính, tất cả tạo nên một cảm nhận rất đặc biệt. Vì thế, tôi muốn nhắc lại rằng, làm bất cứ công trình gì đều phải tính toán, đừng để phá mất chung, cái đặc biệt, nét đẹp riêng có của Hà Nội.

 Vậy, giải pháp đối với bài toán bảo tồn và phát triển đang đặt ra một cách gay gắt ở Hà Nội là gì, thưa ông?

- Phải tham vấn ý kiến cộng đồng, đặc biệt là tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi quyết định. Đừng để sự đã rồi, dỡ ra rồi lại phải dừng lại, thậm chí xây dựng rồi lại phải đập đi. Công trình ở Trần Phú nằm tại vị trí đắc địa trên địa bàn quận Ba Đình, cũng như một số công trình khác tại Hà Nội, rất khó cho các nhà quản lý khi phải tính toán, ứng xử thế nào cho phù hợp.

Bài toán khó này muốn cặn kẽ phải tìm lời giải nằm trong quy hoạch, trong luật định và trong dư luận. Một cách ứng xử phù hợp và đúng đắn cần phải giải quyết được tổng thể những điều đó. Đừng làm gì vội vàng mà hãy công khai, minh bạch thông tin để người dân, các chuyên gia góp ý rộng rãi. Khi đạt được ý kiến đồng thuận thì triển khai, nếu thiếu đồng thuận do nhận thức chưa đúng thì cơ quan chức năng phải giải thích cho đến khi đạt được đồng thuận. Sự đồng thuận khi triển khai bất kỳ một sự xê dịch nào trong nội đô vô cùng cần thiết.

Tôi không phải người làm nghiên cứu hay nhà quản lý có tư duy ôm khư khư quá khứ, cũng không phải người hoài cổ. Nhưng về tổng thể, phải tính cái gì là cổ kính cần giữ, nếu giữ lại hoặc bỏ đi thì lợi ích, ảnh hưởng về vật chất và tinh thần ra sao. Càng khó thì càng cân nhắc thật kỹ, hơn nữa trong thời đại công nghệ 4.0 thì thông tin càng cần phải công khai, nhà quản lý càng cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng. Với Hà Nội, các nhà quản lý, phê duyệt dự án đầu tư, những người bỏ tiền đầu tư cần rút kinh nghiệm sâu sắc giải pháp này.

Trên thực tế, nhiều công trình do không tham vấn kỹ trước đã dẫn đến thiết kế không phù hợp, phải dừng lại, hoặc dỡ ra làm lại, thiệt hại nhiều vô kể. Càng trong nội đô, việc tham vấn cộng đồng càng cần triển khai ngay từ khi có chủ trương.

 Khu đất 61 Trần Phú tọa lạc vị trí đắc địa Ảnh: XUÂN TIẾN

Cần thiết nhất là thái độ lắng nghe

Giải pháp này có phải là kinh nghiệm ông từng đúc rút trong thời gian làm quản lý văn hóa Hà Nội, đối diện giữa sự giằng co trong bảo tồn và phát triển không?

- Bối cảnh trước đây ít hơn những va chạm gay gắt như bây giờ, tốc độ phát triển khi đó cũng chậm hơn. Hiện nay, Hà Nội đang trong tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhu cầu xây dựng và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta cần nhìn nhận khách quan điều đó.

Thế nhưng ở giai đoạn nào thì cũng có nhiều việc cần phải cân, đo, đong, đếm. Tôi nhớ giai đoạn trước đây, các nhà quản lý văn hóa Hà Nội đã phải tính toán rất nhiều trước quyết định có phá ga Hàng Cỏ hay không? Cuối cùng quyết định là chưa. Hoặc với ý tưởng thực hiện 5 cổng chào, làm Khải hoàn môn. Chúng tôi đã đi thực tế, học kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có Khải hoàn môn như Pháp, Nga. Thế nhưng đi về vẫn thấy không phù hợp làm tại Hà Nội ở thời điểm đó, và cuối cùng quyết định dừng lại. Đó là quyết định lúc bấy giờ, được đưa ra sau khi tham vấn cộng đồng.

Hà Nội ở nơi nào trong nội đô cũng đều có dấu ấn ngàn năm. Không có nghĩa cứ ôm quá khứ là chúng ta đúng, nhất là trong quy luật phát triển. Cần thiết nhất là lắng nghe ý kiến cộng đồng, chuyên gia, cái gì chưa thích hợp thì có thể chưa làm ngay. Ngay bây giờ tôi cũng không thể nói quyết định của thời chúng tôi về việc không làm 5 cửa ô hoặc chưa làm Khải hoàn môn đã là đúng đắn nhất. Có thể sau này, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, khi tìm được vị trí phù hợp, kiến trúc phù hợp, đáp ứng nhu cầu thời đại thì việc triển khai những ý tưởng này cũng rất tốt.

 Như ông đã nói, Hà Nội mỗi một tấc đất đều in đậm dấu ấn ngàn xưa. Cảm xúc của người Hà Nội đối với quá khứ cũng thường rất nhạy cảm. Chẳng hạn như dư luận với sự tồn tại của bức phù điêu ở 61 Trần Phú, nhiều ý kiến cho rằng đó là một phần ký ức của Hà Nội và mong muốn giữ lại. Ông suy nghĩ như thế nào?

- Việc ở 61 Trần Phú tôi chưa nói đúng - sai, bởi những giá trị kiến trúc cần phải có sự đánh giá, tính toán từ các chuyên gia kiến trúc, các nhà quản lý đương thời. Ở góc độ khác, quá khứ lịch sử với người dân Hà Nội luôn có những giá trị rất thiêng liêng. Người Hà Nội, nhất là người lớn tuổi luôn muốn giữ lại những cái cũ. Nhưng ở đây, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng trách nhiệm tính toán để bảo tồn và phát triển vẫn thuộc về những nhà lãnh đạo và quản lý, các chuyên gia xây dựng, kiến trúc và văn hóa. Đó là bài toán không thể nói chơi. Tôi chỉ muốn cảnh báo chuyện hợp lý hay không? Đúng hay sai? Hiệu quả hay không hiệu quả?

Mặt khác, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có ý tưởng đầu tư cho Hà Nội, rất hoan nghênh, nhưng họ cũng cần đặc biệt chú trọng đến giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống của Hà Nội. Đã có nhiều kinh nghiệm nhỡn tiền để chúng ta làm gì cũng phải thận trọng. Hà Nội có quá nhiều giá trị cổ kính, đẹp đẽ, rõ ràng không phải cái gì cổ cũng nên giữ lại, rất khó cho sự phát triển. Nhưng bỏ đi thì lại càng phải tính toán kỹ hơn. Tôi nghĩ rằng, bất cứ những suy nghĩ, sáng tạo nào vì Thủ đô nào cũng rất cần trân trọng. Chỉ có điều, ở mọi góc độ thì sự ứng xử đều cần hợp lý, vừa tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo tồn được những giá trị đặc sắc của Thủ đô. Nếu vá víu thêm vào mà không đẹp, làm xấu Thủ đô thì đừng làm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Tôi không phải người làm nghiên cứu hay nhà quản lý có tư duy ôm khư khư quá khứ, cũng không phải người hoài cổ. Nhưng về tổng thể, phải tính cái gì là cổ kính cần giữ, nếu giữ lại hoặc bỏ đi thì lợi ích, ảnh hưởng về vật chất và tinh thần ra sao.

Càng khó thì càng cân nhắc thật kỹ, hơn nữa trong thời đại công nghệ 4.0 thì thông tin càng cần phải công khai, nhà quản lý càng cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng.

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top