Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cẩn trọng, chuẩn xác trong việc trùng tu Điện Thái Hòa

Thứ Tư 20/04/2022 | 10:45 GMT+7

VHO- Di tích Điện Thái Hòa (Đại nội Huế) đang được tiến hành hạ giải để thực hiện trùng tu, bảo tồn tổng thể. Công tác hạ giải và bảo quản các chi tiết, cấu kiện của di tích này được thực hiện cẩn trọng nhằm đảm bảo tính chuẩn xác trong quá trình thực hiện trùng tu. Dự án này đang được cộng đồng dư luận quan tâm, bởi đây là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất của ở khu vực Hoàng cung Huế.

 Hiện trường công tác hạ giải di tích Điện Thái Hòa, Đại nội Huế

Cẩn trọng trong hạ giải di tích

Theo ghi nhận tại hiện trường công trình di tích Điện Thái Hòa ngày 19.4 của chúng tôi, đơn vị chuyên môn đã hoàn thành việc hạ giải hệ mái ngói; tháo dỡ các ô pháp lam trên các bờ nóc; hạ giải các ô hộc bờ nóc bờ quyết, các con giống trang trí, đầu hồi; tháo dỡ các thanh liên ba, những vách ván trang trí, hệ cửa, các kết cấu gỗ... Hiện nay, đơn vị thi công đang tiếp tục chuẩn bị hạ giải từng phần hệ khung sườn gỗ của công trình di tích này, đây là phần rất quan trọng của di tích. Hệ khung sườn của Điện Thái Hòa có 80 cột trụ bằng gỗ, 16 trụ bằng bê tông chống đỡ cho hệ mái lưa trước và sau.

Những cấu kiện đã hạ giải được cất giữ và bảo quản cẩn trọng ở khu vực nhà bao che cách công trình Điện Thái Hòa không xa. Theo quan sát của phóng viên tại khu vực nhà bao che bảo quản, nhiều cấu kiện gỗ, vách ván trang trí đã bị mục ruỗng, hư hại nghiêm trọng. Các con giống trang trí ở bờ nóc cũng có dấu hiệu bị hư hỏng cốt, và bong tróc các lớp sành sứ trang trí bên ngoài. Riêng các thanh liên ba với nghệ thuật chạm khắc, khảm cẩn thơ văn theo “Nhất thi nhất họa” còn tồn tại gần như nguyên vẹn, được bọc bảo quản kỹ lưỡng để bảo tồn nguyên trạng.

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất trong Hoàng cung Huế và cũng là di tích mà nhiều du khách trong nước và quốc tế mong muốn được tham quan, tìm hiểu khi đến Huế. Tại đây, có bảo vật quốc gia là ngai vàng của vua triều Nguyễn. Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, bảo vật ngai vàng của vua triều Nguyễn đã được di dời đến cất giữ và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trong quá trình thực hiện trùng tu di tích Điện Thái Hòa, không can thiệp vào Bửu tán và bục đặt ngai vàng; mà thực hiện việc bọc lại bằng hệ khung thép, lợp tôn bảo quản nguyên vị trí. Trong đó, phần bục đặt ngai vàng có 3 tầng, 2 tầng trên cùng có kích thước nhỏ được bao bọc và đưa vào nhà bảo quản hiện vật để cất giữ, tầng dưới thì được bảo quản ngay tại chỗ.

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế, đơn vị tư vấn thiết kế và thi công dự án cho biết: Nền gạch của di tích Điện Thái Hòa là “dấu ấn” của công trình, có giá trị lịch sử. Loại gạch lát nền này được đưa từ Pháp về Việt Nam, vào năm 1894 thời vua Thành Thái đã lát nền gạch hoa này. Để giữ được nguyên vẹn nền gạch này trong quá trình thực hiện trùng tu, chúng tôi đã thực hiện các công đoạn rất tỉ mỉ: cọ rửa sạch nền, quét một lớp sơn chống thấm để bảo vệ nền, rồi trải một lớp ni-lông, và tiếp theo là rải một lớp cao su để giảm chấn khi thi công có vật nặng rơi xuống nền. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục làm thêm một lớp khung xương gỗ và trên cùng là một lớp thép dày 5mm được hàn đính lại tạo thành một khối liên kết, đảm bảo an toàn cho nền gạch di tích trong thời gian thi công.

“Đây là lần đầu tiên, chúng tôi triển khai biện pháp này để đảm bảo an toàn hệ nền di tích trong quá trình trùng tu. Và Điện Thái Hòa là di tích đầu tiên trong toàn quốc thực hiện theo giải pháp này”, ông Hành khẳng định.

 Các cấu kiện gỗ như vách ván, hệ cửa được hạ giải và bảo quản ở nhà bao che, cách di tích Điện Thái Hòa không xa

Đánh giá kỹ lưỡng từng cấu kiện

Theo kế hoạch, công tác hạ giải di tích Điện Thái Hòa sẽ được thực hiện trong vòng 4 tháng. Sau khi hoàn thành công tác hạ giải, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế- đơn vị chủ đầu tư sẽ mời Hội đồng đánh giá di tích (gồm: đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, giám sát, thiết kế, Ban quan lý dự án, Sở Xây dựng, Sở VHTT, Hội đồng khoa học của dự án…) để khảo sát, đánh giá trực tiếp nhằm xác định cấu kiện nào cần giữ, cấu kiện nào phải thay thế để đảm bảo an toàn cho kết cấu của toàn bộ công trình.

Ông Hồ Hữu Hành cho biết, sau khi đánh giá các cấu kiện gỗ để thi công trùng tu, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các chuyên gia để đánh giá, xem xét công tác bảo tồn các liên ba, đố bản, hệ vách ván có phần trang trí văn thơ chữ Hán (đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương- P.V). Qua đó, để xác định cái nào cần bảo tồn giữ gìn nguyên vẹn, hay cần thay thế sơn son thếp vàng…

Công trình bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa thuộc công trình Nhóm B, có tổng mức kinh phí gần 129 tỉ đồng, được thực hiện trong vòng 4 năm. Tuy nhiên chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế và thi công (liên danh Công ty CP Tu bổ Di tích Huế và Công ty CP Xây dựng và Tu bổ di tích Hà Nội) cho biết sẽ nỗ lực để đẩy nhanh các công tác thi công, hoàn thành dự án trong vòng 3 năm, sớm phục vụ du khách tham quan.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh: Điện Thái Hòa là một công trình quy mô, có vị trí và tính đặc thù cao nên chúng tôi luôn chú trọng, chuẩn mực trong từng công đoạn. Tất cả các bộ phận tại hiện trường công trình đều được bố trí theo quy định, có giám sát của chủ đầu tư, giám sát kỹ thuật, bộ phận điều hành chỉ huy công trường của đơn vị thi công… và các bộ phận luôn phối hợp, có lịch trình, tiến độ làm việc và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Khi tiến hành hạ giải công trình này, mỗi kết cấu được xuất lộ chúng tôi đều đo vẽ, ghi lại cập nhật bằng quay phim và scan 3D.

Lần đầu tiên trong công tác trùng tu di tích Huế, chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai thực hiện công nghệ scan 3D với công trình di tích Điện Thái Hòa. Quá trình scan 3D được thực hiện trước, trong và cả sau khi trùng tu. Qua đó nhằm có các hình ảnh, tư liệu để đối sánh cho công tác trùng tu, và khắc phục các sai lệch (như: cấu kiện không đồng bộ, được trùng tu nhiều lần trước đó mà không đúng với tiêu chuẩn của bảo tồn…). Đồng thời, việc scan 3D toàn bộ công trình sau khi hoàn thành trùng tu cũng nhằm số hóa, lưu trữ để các thế hệ con cháu sau này có cơ sở tham khảo, tu bổ khi di tích bị hư hại do thiên tai hay các yếu tố khách quan. 

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top