Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tăng lương tối thiểu cho người lao động là cấp bách

Thứ Sáu 22/04/2022 | 10:52 GMT+7

VHO- Ngay sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động lên 6% từ ngày 1.7.2022, 8 hiệp hội ngành hàng đã có đơn kiến nghị tới Thủ tướng đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1.1.2023.

Tăng lương tối thiểu sớm cho NLĐ làm lợi cho các bên Ảnh: P.MINH

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đại biểu QH cho rằng cần tăng lương từ ngày 1.7 bởi đây là vấn đề cấp bách, cần thiết khi đời sống của NLĐ đang khó khăn.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1.1.2023 thay vì 1.7.2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Trước đó, tại phiên họp thứ 2 hồi giữa tháng 4 của Hội đồng Tiền lương quốc gia với 17 thành viên, kết quả 17/17 thành viên đồng ý mức tăng lương tối thiểu vùng là 6%; 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1.7.2022 đến 31.12.2023 và 2/17 thành viên đồng ý tăng từ 1.1.2023. Căn cứ kết quả bỏ phiếu, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% áp dụng kể từ ngày 1.7.2022 đến 31.12.2023 sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình để Chính phủ xem xét quyết định. Với mức tăng này, người lao động ở Vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng đồng; Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; Vùng IV, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng.

Trước kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho người lao động, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đồng thời là Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng NLĐ đã cống hiến cho doanh nghiệp rất nhiều, nhất là trong thời gian dịch bệnh căng thẳng vẫn sẵn sàng xa nhà để làm việc “3 tại chỗ” ngay tại công ty, đồng ý tăng giờ làm thêm. Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu trở lại, nhưng cuộc sống của NLĐ vẫn đang khó khăn, đối mặt với giá cả leo thang, một bộ phận khó khăn gay gắt. “Thông tin các Hiệp hội kiến nghị chưa tăng lương từ ngày 1.7.2022 làm cho một bộ phận NLĐ buồn, tâm tư. Họ cho rằng tăng lương không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho NLĐ, mà quan trọng hơn là tạo động lực để họ làm việc với năng suất cao hơn, kết quả tốt hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc kiến nghị của các Hiệp hội không phải là vấn đề mới, nhiều năm trước cũng vậy. “Nhưng tôi tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt vì NLĐ, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Hiểu bày tỏ.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc kiến nghị là quyền của các hiệp hội, còn giải quyết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng thời gian qua có rất nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Khi trở về cuộc sống linh hoạt, thích ứng, cần phải kéo họ trở lại thị trường lao động để đảm bảo ổn định sản xuất trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Do đó, việc tăng lương cho NLĐ từ 1.7.2022 là hết sức cấp bách, cần thiết bởi sự ảnh hưởng và chịu đựng của NLĐ trong suốt hơn 2 năm qua là quá lớn.

Theo thông lệ, hơn 10 năm qua, việc điều chỉnh lương tối thiểu luôn thực hiện vào ngày 1.1 hằng năm và chu kỳ mỗi năm một lần. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, lương tối thiểu đã hai năm tạm hoãn, mức lương tối thiểu lần gần đây nhất là vào ngày 1.1.2020, và áp dụng suốt hơn 2 năm qua. Nếu kéo dài qua ngày 1.7.2022 thì mức lương này là tới khoảng 3 năm và sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho NLĐ. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng phải nhìn nhận thực tế mức lương của người làm công ăn lương đang rất thấp so với tỉ lệ lạm phát trong năm qua. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân mỗi tháng năm 2020 chỉ 6,645 triệu đồng, giảm gần 100.000 đồng so với năm 2019. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng khoảng 6,6 triệu đồng, giảm 45.000 đồng so với năm 2020. Và mức lương này chưa đáp ứng đủ sức tăng của giá cả, chỉ có một số ít NLĐ có tích trữ; còn lại đa phần là chi tiêu hết, khi gặp biến cố thì không có tiền để sử dụng; đó là chưa kể một bộ phận gặp hoàn cảnh rất khó khăn, khiến họ buộc phải rời bỏ doanh nghiệp, lĩnh BHXH một lần để có khoản chi trước mắt.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phân tích, việc tăng lương vào thời điểm 1.7.2022 là vừa có lợi cho NLĐ và có lợi cho doanh nghiệp về lâu dài. “Dự báo tình hình trượt giá của năm 2023 sẽ cao hơn 2022, trong khi tiền lương lại giữ ổn định 6% đến hết năm 2023 tức là doanh nghiệp có lợi nhiều hơn”, ông Bùi Sĩ Lợi chia sẻ. Không phủ nhận việc tăng lương làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ và sẵn sàng tăng lương cho NLĐ từ ngày 1.7.2022 vì cho rằng tiền lương của NLĐ chiếm tỷ lệ chi phí không lớn so với đầu tư máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, NLĐ cũng phải đảm bảo trình độ, kỹ năng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chuyên gia về lao động, tiền lương khẳng định, tăng lương tối thiểu chủ yếu làm tăng chi phí đóng BHXH, BHYT, không tác động đến mức doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc chuyển đổi sản xuất, bởi giai đoạn 2012 – 2017 lương tối thiểu tăng bình quân 10%-15% cũng không xảy ra vấn đề này. Thay vì tạm hoãn tăng lương tối thiểu, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách khác như giảm, chậm nộp thuế, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vay vốn… 

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top