Kiểm kê “cứu” di sản tư liệu có nguy cơ bị hủy hoại

VHO- Bộ VHTTDL đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư Quy định về kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu để ghi danh vào Danh mục quốc gia về Di sản tư liệu.

Kiểm kê “cứu” di sản tư liệu có nguy cơ bị hủy hoại - Anh 1

 Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là di sản tư liệu thế giới

 Lâu nay, những quy định trong Luật Di sản văn hóa cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật về loại hình di sản tư liệu vẫn đang là một khoảng trống cần khỏa lấp. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, di sản, việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu để ghi vào danh mục quốc gia trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản tư liệu Việt Nam

Sau 20 năm Luật Di sản Văn hóa được ban hành và 10 năm sửa đổi, bổ sung, một trong những hạn chế được nêu lên là sự thiếu vắng những quy định pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chí về nhận diện, quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa vào các danh mục di sản tư liệu ở trong nước (cấp quốc gia, cấp tỉnh…) còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó là sự thiếu vắng quy định cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Đó là một thực tế, cho dù đến nay chúng ta đã có 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế bày tỏ: “Huế luôn ý thức sâu sắc rằng hệ thống di sản tư liệu là tài sản vô giá của tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau; có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá hình ảnh địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch và góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội”. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, TS Phan Thanh Hải kiến nghị, cần bổ sung thông tin về di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi để có thể nhận diện các giá trị và lập danh mục di sản tốt hơn. Ông Hải cũng nhấn mạnh việc Bộ VHTTDL cần triển khai kế hoạch nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Thông tư quy định việc kiểm kê di sản tư liệu và lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu để đưa vào danh mục Di sản tư liệu quốc gia…

“Cần nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản tư liệu Việt Nam, đồng thời xây dựng trang thông tin điện tử, cập nhật các thông tin liên quan, chia sẻ kinh nghiệm với một số quốc gia trong khu vực có tương đồng văn hóa và kinh nghiệm xử lý các tài liệu mộc bản như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…”, theo TS Phan Thanh Hải. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu phù hợp không chỉ giúp giữ gìn giá trị di sản độc đáo này mà còn đưa di sản đó đến với cộng đồng trong cuộc sống đương đại, góp phần nâng cao hình ảnh đối với bạn bè quốc tế. Đồng thời, di sản tư liệu sau khi được vinh danh cũng trở thành nguồn lực to lớn để khai thác, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nguồn di sản tư liệu dù phong phú đến mức nào mà không được quản lý tốt thì sẽ sớm dẫn đến hư hại, mất mát. “Không ít bia đá đang phơi mình dưới phong sương, nhiều kho mộc bản còn chưa được bảo quản tốt, nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến hư hại, đó là còn chưa kể đến sự thất thoát thư tịch cổ Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhân các kho tư liệu hiện nay còn chưa ý thức hết được trách nhiệm của mình đối với các khối tư liệu mà mình sở hữu…”, PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường nhấn mạnh.

Kiểm kê “cứu” di sản tư liệu có nguy cơ bị hủy hoại - Anh 2

 

 Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam

Ưu tiên kiểm kê di sản tư liệu bị hủy hoại, nguy cơ biến mất

Theo dự thảo Thông tư đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến, Di sản tư liệu là tài sản trí tuệ đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia, khu vực hoặc thế giới; được lưu lại có chủ đích trên một vật mang tin có thể bảo quản và di chuyển, chia sẻ được; có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và các lĩnh vực khác; được cơ quan, tổ chức hay cá nhân lưu giữ, bảo vệ và phát huy giá trị.

Danh mục quốc gia về Di sản tư liệu là danh sách các di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu của quốc gia về lịch sử, văn hóa, khoa học, kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác của xã hội, được Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê chuẩn. Đối tượng kiểm kê là di sản tư liệu đang tồn tại, gồm các loại hình: Tài liệu văn bản; Tài liệu phi văn bản; Tài liệu số; Bản sao hợp pháp (đối với tài liệu gốc có giá trị đã biến mất vĩnh viễn). Đặc biệt, theo dự thảo Thông tư: Ưu tiên kiểm kê di sản tư liệu đang bị hủy hoại và có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Việc kiểm kê cần thu thập thông tin về tên gọi, loại hình, địa điểm, tình trạng pháp lý, tình trạng vật lý (xác định tình trạng bảo quản và khả năng tiếp cận di sản tư liệu, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản tư liệu), mô tả di sản tư liệu, đánh giá giá trị, đề xuất kế hoạch và biện pháp bảo vệ di sản tư liệu; lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản tư liệu gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.

Theo đó, cần xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và ý nghĩa của di sản tư liệu đối với đời sống cộng đồng địa phương hiện nay và đối với quốc gia, khu vực và thế giới, trong đó cần phân tích rõ theo các tiêu chí về tính đại diện, tính xác thực, tính toàn vẹn, phương thức bảo quản và tiếp cận của di sản… Thông tư cũng dự thảo nội dung về phương pháp kiểm kê, bằng cách gửi phiếu điều tra đến văn phòng các Bộ, ban ngành, cơ quan quản lý và lưu trữ, các tổ chức liên quan yêu cầu báo cáo tình hình tư liệu, tài liệu quý hiếm hiện đang quản lý trong các Trung tâm lưu trữ, thư viện, bảo tàng và gia đình dòng họ trên địa bàn; khảo sát điền dã, ghi chép, phỏng vấn, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, khuyến khích số hóa để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản tư liệu; phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về di sản tư liệu.

Dự thảo cũng nêu rõ các bước trong quy trình tổ chức kiểm kê. Các Bộ và cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch kiểm kê tổng thể di sản tư liệu trên phạm vi quản lý trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, định kỳ 2 năm một lần thực hiện việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục kiểm kê. Trong quá trình kiểm kê, khi phát hiện di sản tư liệu cần bảo vệ khẩn cấp và có nguy cơ biến mất hoàn toàn, các cơ quan đầu mối tham mưu báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh để kịp thời có biện pháp bảo vệ.

Về lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu để ghi danh vào danh mục quốc gia, dự thảo Thông tư quy định các nội dung: Tiêu chí lựa chọn di sản tư liệu để lập hồ sơ khoa học; trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản tư liệu đề nghị ghi danh vào Danh mục quốc gia về Di sản tư liệu; thẩm định Hồ sơ khoa học di sản tư liệu. Theo đó, di sản tư liệu được lập hồ sơ khoa học để ghi danh vào Danh mục quốc gia về Di sản tư liệu phải đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thông tin chứa đựng giá trị tiêu biểu, thể hiện bản sắc và có ý nghĩa đối với cộng đồng, địa phương, quốc gia, khu vực, thế giới; Thể hiện tính xác thực; Tính toàn vẹn; Phương thức và mức độ tiếp cận; Được cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân sở hữu di sản, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

  Không ít bia đá đang phơi mình dưới phong sương, nhiều kho mộc bản còn chưa được bảo quản tốt, nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến hư hại, đó là còn chưa kể đến sự thất thoát thư tịch cổ Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhân các kho tư liệu hiện nay còn chưa ý thức hết được trách nhiệm của mình đối với các khối tư liệu mà mình sở hữu…

(PGS.TS NGUYỄN TUẤN CƯỜNG, Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

 Thực tiễn hiện nay cho thấy có nhiều nguyên nhân đã khiến con người lãng quên hoặc chưa quan tâm đúng mức đến một loại hình di sản văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là di sản tư liệu. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Cần triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện một số dự án, đề án mang tính tổng thể, chiến lược, khoa học liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, đặc biệt đối với các di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh. Trong đó, việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm kéo dài tuổi thọ của tài liệu lưu trữ có nguy cơ hư hỏng là việc cần được quan tâm…

(TS VŨ THỊ MINH HƯƠNG, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương)

PHƯƠNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc