Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bốn phút sinh tử trong "quan tài" hầm tàu cá

Thứ Tư 08/06/2022 | 08:00 GMT+7

VHO- Ầm! Tiếng va chạm mạnh và đồng thời con tàu QNg 91426 TS lật úp rất nhanh. Ngư dân Đinh Thạch Trinh và 3 ngư dân khác nằm ở buồng ca bin giáp với hầm máy nên bí đường ra. Cả 3 ngư dân đều bỏ mạng, riêng ông Trinh may mắn thoát chết và kể lại 4 phút dài như 4 năm trong không gian giống như chiếc quan tài gỗ vào rạng sáng ngày 6.6 vừa qua tại vùng biển tỉnh Quảng Nam.

Tay cào gỗ

Ông Trinh đưa tay quờ quạng và theo phản xạ tự nhiên, cào mạnh vào thành gỗ. Có một vạch nứt nhỏ và ông chen mạnh ngón tay vào. Nhưng đó không phải là khe để thoát ra ngoài, chỉ là khe hở giữa hai tấm sát lót sàn. Sàn phía trên gọi là tầng 1 ca bin, là nơi thuyền trưởng Trần Văn Công nằm ngủ. Tại ca bin này, khi tàu chìm thì có thể chui ra cửa ở hai bên hông, hoặc thoát ra ở đuôi ca bin, thậm chí có thể đập kính.

Ông Trinh cào mạnh tay lần nữa, lần này là lấy cả hai tay để vạch. Nhưng tay thì làm sao vạch được những phiến gỗ có bề dày lên tới 3 phân. Lúc sắp chết, rất nhiều người thường hoang tưởng về những câu chuyện thần kỳ trong những bộ phim siêu tưởng, đó là sức mạnh có thể chọc thủng gỗ ván, xé toang được thành tàu, hoặc biến một cái lên không gian khác. Nhưng đó chỉ là ảo, còn khung cảnh thực là đang bị nhốt trong khoang tàu gỗ, chiếc tàu úp ngược xuống dưới nước và chổng bụng lên trời. Ông cũng không đoán định được chiếc tàu đang chìm xuống đáy biển hay vẫn nổi lấp lửng thêm vài phút, nhờ lượng xốp đáng kể được lót trong 3 hầm cá.

Nhưng rồi cái quờ tay mạnh mẽ của ông lại vướng phải ba bàn tay khác. Đó là 3 ngư dân lớn tuổi là người cùng thôn: ông Võ Đình Nam (sinh năm 1963), Nguyễn Văn Thành (1968), ông Trần Gương (1961). Cả ba ngư dân này nằm ngủ với ông ở khoang ca bin dưới cùng, nơi mà tấm ván ép được phả hơi nóng của động cơ, khiến giấc ngủ nhanh chóng chìm sâu.

Ông Trinh không rõ mình đã nắm được bàn tay ai. Nắm nhưng sau đó phải thả gấp, vì sợ nhất là lúc sắp chết vì thiếu dưỡng khí, theo phản xạ thì người ta sẽ quặp chặt lấy nhau để cùng chết. Cái chết đau đớn, ngực muốn vỡ toang vì thiếu dưỡng khí.

Ông Trinh ước chừng mình đã quờ tay được 1 phút mà vẫn không tìm được lối ra. Ông định hình lại ca bin để không bị lọt sâu hơn nữa và mắc kẹt dưới hầm máy bịt bùng, bùng nhùng dây nhợ. Nhưng ý nghĩ này vẫn không thể trọn vẹn vì càng lâu thì càng nhiều bàn tay phủ lên người ông, bấu vào vai, chân, lưng, ngực, mặt, đầu. Dường như ba ngư dân kia đã tuyệt vọng và họ càng cào cấu dữ hơn, khiến việc tìm lối ra thêm khó khăn và hầm ca bin trở thành chiếc quan tài gỗ.

Ông Trinh đầy nét thảng thốt trên khuôn mặt và kể về giây phút thoát chết

Tìm… trời

Ông Trinh năm nay 64 tuổi, giữa lúc trời đất tối tăm và sặc trong nước biển thì ký ức tuổi thơ đã cứu ông. Năm 14 tuổi ông đã trở thành cậu bé hằng ngày bơi ngoài biển với chiếc phao, lặn lội dưới gành đá để bắt ốc, hái rong mơ mang về cho gia đình. Trở thành rái cá ngay từ lúc nhỏ, nên ông có khả năng nín thở khá lâu. Ông Trinh không nhớ được mình nín thở bao lâu dưới cỗ quan tài chìm dưới nước, nhưng ước chừng phải 4 phút trôi qua.

Mỗi lần ông chòi qua đạp lại thì lại gặp một mớ bàn tay người; những bàn tay người dưới làn nước đen ngòm vào giờ phút đó giống như tấm lưới chăng ngang, giằng co, kéo nhau. Nghĩ tới việc tìm đường thoát, ông lại lo lắng về việc khi ngoi lên thì có tới mặt biển, hay con tàu vẫn nằm lún dưới bụng chiếc tàu vận tải và khi đầu nhô lên thì sẽ gặp ngay chiếc chân vịt khổng lồ đang quạt nước sùng sục như máy chém, băm nát mọi thứ bên cạnh.

Sau khoảng 3 phút trong cỗ quan tài gỗ chìm dưới biển, những bàn tay khua khoắng đã yếu dần và lối đi có vẻ dễ tìm hơn thời gian trước đó. Âm thanh lúc này là tiếng lùng bùng trong tai và tiếng ong ong trong đầu giống như người ta đang bước tới cánh cửa đi vào địa ngục. Ông bắt đầu định hình lại lần cuối hầm tàu, mò dọc sàn gỗ để ước chừng đâu là chiều ngang, đâu là dọc. Cuối cùng, cả người ông trườn qua một khe hẹp và ông trồi lên mặt nước.

Ông ngửa mặt hít một hơi dài và nghĩ “mình còn sống!”. Do uống no nước mặn nên theo phản xạ khi vừa hít hơi thì nôn mửa tơi bời. Lúc định thần thì ông nhớ ra, bàn tay vẫn nắm chặt cánh tay của người hàng xóm là ông Võ Đình Nam. Khi lôi theo được ông Nam qua kẽ hở để trồi lên mặt nước thì ông Nam đã chết, người

 Khi tàu lật úp thì rất khó thoát ra ngoài. Năm 2014, Hàn Quốc cũng xảy ra vụ lật úp tàu Sewol và mặc dù nằm gần bờ, năng lực cứu hộ rất tốt, nhưng 295 người vẫn chết vì mắc kẹt bên trong và 9 người mất tích.

 mềm oặt, nổi lấp lửng giống như người đang ngủ.

Trong lúc con thuyền chưa chìm hẳn, ông bơi quanh tìm sợi dây để buộc ngang thắt lưng người bạn của mình, sau đó kiếm được một chiếc bình đựng nước khoáng trôi gần đó và ôm chặt, phó mặc cho sóng biển dập dìu giữa đám gỗ ván. Cách vị trí ông bơi không xa là 4 người, gồm thuyền trưởng và ba ngư dân nằm ngủ ở ngoài be tàu, nên khi tàu vừa lật là họ văng xuống nước, không bị mắc kẹt.

 Màn hình máy định dạng phát sóng AIS hiện dòng cảnh báo “Tàu chính - tàu MMSI số 574003062”

Lo chiếc nút bình

Những ngư dân khi bị đắm tàu thì thường lo lắng nhất là nước ngọt, thức ăn. Còn ông Trinh thì lại nhấp nhổm nghĩ về lỗ nhỏ xíu nằm trên nắp bình nước suối. Chiếc lỗ này như đầu đũa và dù mệt mỏi thì ông cũng hạn chế, không cho ngập dưới nước. Nhưng rồi nước vẫn cứ vô bình khiến chiếc bình giảm bớt độ nổi. “Lỗ nhỏ xíu mà nước cũng vô tới tấp, làm mình phát lo; lỡ nó chìm thì mình bơi đuối và thả tay”, ông Trinh nhớ lại.

Gần nơi ông trôi có một chiếc phi nhựa màu xanh và trở thành nơi đu bám của ba ngư dân. Chiếc phi quá trơn và to, không có nơi bám, nên cả ba người cố đu ngón tay vào một điểm là miệng phi, các gờ mỏng manh phía trên mặt phi, thỉnh thoảng họ lại bị văng ra khỏi phao cứu sinh.

Khi mọi thứ đã được định thần, ông Trinh nhớ lại khoảng khắc chiếc tàu vỏ gỗ bị con tàu vận tải nào đó đâm chìm, sau đó lặng lẽ đi thẳng. Nơi tàu chìm cách bờ biển xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khoảng 7 hải lý. Chiếc tàu làm nghề đánh cá cơm rời bến Sa Kỳ ở tỉnh Quảng Ngãi từ lúc 13 giờ chiều ngày 5.6 và tới vùng biển Quảng Nam vào lúc 18 giờ cùng ngày.

Đánh cá cơm là một nghề thường bám sát bờ, sau đó bật ra các đảo cách bờ trên 10 hải lý rồi lại quay vào. Các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ là vựa cá cơm. Vì tàu đánh cá cơm đi sát bờ nên đêm nào cũng gặp hàng chục tàu vận tải loại nhỏ chạy sát bờ. Tàu đánh cá cơm có hai phương thức đánh bắt, một loại tàu bật tung đèn pha suốt đêm để thu hút cá, nên tàu vận tải sẽ tránh được. Nhưng có tàu tắt tất cả đèn, chỉ để 2 - 3 đốm sáng nhỏ là đèn tín hiệu trên nóc tàu, sau đó bật máy dò quét cá. Nếu tàu nào lắp thiết bị định dạng, phát sóng AIS thì tàu vận tải sẽ nhận dạng được ở khoảng cách từ rất xa và phần lớn là né tránh kịp thời. Nhưng có một số tàu không lắp thiết bị phát sóng, nên rất dễ bị tàu vận tải đâm lật úp. 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top