“Ốc đảo” trù phú giữa sông Gianh

VHO- Sống ở vùng cồn bãi vây quanh là bốn bề sông nước, nhưng người dân làng Cồn Ngựa (thôn Thuận Hòa, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã biến khó khăn thành lợi thế. Không chỉ làm nông nghiệp, họ còn vươn khơi bám biển, nỗ lực lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống trù phú trên mảnh đất quê hương.

“Ốc đảo” trù phú giữa sông Gianh - Anh 1

 Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ của người dân thôn Thuận Hòa

Làng Cồn Ngựa trông như bức bình phong chắn phía Đông Nam của xã Liên Trường. Theo gia phả dòng họ Phạm, làng hình thành cách ngày nay hơn 200 năm do ông Phạm Bời, hậu duệ đời thứ 10 đến khai canh lập ấp.

Ông Hoàng Anh Vũ, Trưởng thôn Thuận Hòa tự hào kể: “Làng mang tên Cồn Ngựa là bởi có hai lý do. Trước đây, ngay đầu làng có tảng đá lớn giống hình con ngựa, đồng thời xưa cũng là nơi chăn thả ngựa của các quan nên người dân quen gọi là Cồn Ngựa”. Theo ông Vũ, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, làng Cồn Ngựa là nơi dừng chân của những đoàn quân vượt sông Gianh vào chiến trường miền Nam và là trạm trung chuyển, chăm sóc và nuôi dưỡng thương binh trở ra từ chiến trường. Nhiều nhà dân ở làng Cồn Ngựa trở thành nhà kho, bếp ăn, trạm xá, nơi nuôi dưỡng bộ đội, thương binh…

“Ốc đảo” trù phú giữa sông Gianh - Anh 2

Đời sống của người dân làng Cồn Ngựa ngày càng đổi thay

Nằm giữa dòng sông Gianh, làng Cồn Ngựa phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ về, làng thường xuyên bị cô lập giữa dòng nước dữ. Nếu như trước đây qua làng Cồn Ngựa phải đi đò ngang, thì nay ước mơ được chạy xe trên chiếc cầu bê tông kiên cố đã trở thành hiện thực. Mặc dù ở giữa bốn bề sông nước, nằm cách bờ biển hơn 20 km, thế nhưng hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn duy trì và phát triển đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Anh Trần Tuấn Anh, cán bộ phụ trách thuỷ sản xã Liên Trường cho biết: “Người dân chúng tôi vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp. Trên biển họ là những ngư dân giỏi nhưng đến mùa gặt thì những “cánh tay cuộn sóng biển khơi” ấy lại trở về làm người nông dân chân lấm tay bùn". Toàn thôn hiện có 40 ha lúa và 18 ha màu sản xuất 2 vụ nhờ hệ thống đường ống dẫn nước ngọt vượt sông Gianh để phục vụ tưới tiêu.

Theo chân Trưởng thôn Hoàng Anh Vũ, chúng tôi dạo một vòng quanh thôn Thuận Hòa. Dấu ấn khởi sắc dễ dàng nhận thấy ở nơi đây là những con đường bê tông rợp bóng cây xanh và những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Anh Vũ cho biết, toàn thôn Thuận Hòa có khoảng 50% số hộ làm nhà cao tầng với số tiền từ 2 tỉ đến 3,5 tỉ đồng. Trên địa bàn thôn có 95% đồng bào Công giáo sinh sống, bà con đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt lương - giáo và tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng các công trình phúc lợi của quê hương như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, kè chống sạt lở bờ sông… với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. 

PHẠM PHÚ

Ý kiến bạn đọc