Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Học phí đại học tăng gấp 2 - 3 lần: Còn chỗ cho sinh viên nghèo?

Thứ Tư 29/06/2022 | 09:09 GMT+7

VHO- Trong hai năm 2021-2022, mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho người dân, nhưng đây cũng lại là khoảng thời gian hàng loạt trường đại học áp mức học phí mới tăng vọt so với trước.

 Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa HN

Cách đây gần chục năm, 23 trường đại học đầu tiên trong số 240 cơ sở đại học trên cả nước được thực hiện thí điểm tự chủ tài chính. Đây là cơ sở thực tiễn để Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định rõ hơn về tự chủ ở bậc đại học.

Tăng từ 12 triệu đồng lên hơn một trăm triệu đồng

Sau khi Luật có hiệu lực năm 2019, các trường bắt đầu tự chủ mạnh hơn. Năm 2021, Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định khung học phí mới cho các cấp học, hàng loạt cơ sở đại học bắt đầu tăng học phí và tăng mạnh vào thời điểm này, ngay sau khi đại dịch Covid-19 vừa cơ bản được kiểm soát. Mức tăng cũng được chia thành nhiều phân khúc tương ứng với các nhóm trường: Trường chưa thực hiện tự chủ; trường đang thực hiện tự chủ tài chính đảm bảo chi thường xuyên; trường thực hiện tự chủ đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư; trường ngoài công lập. Giữa các lĩnh vực đào tạo cũng có những chênh lệch lớn về định mức học phí mới.

Theo ghi nhận ở nhóm trường chưa thực hiện tự chủ, mức học phí mới áp dụng cho năm học 2022-2023 cũng tăng từ 15 - 70%. Trong đó, tăng nhiều nhất ở khối ngành Y, Dược; tăng thấp nhất là 15% ở những khối ngành vốn ít sức hút như Khoa học cơ bản. Các khối khác tăng tầm 20 - 30%, ở nhóm này, mức học phí mới thấp nhất cũng khoảng 12 triệu đồng/năm. Nhóm trường đã thực hiện tự chủ tài chính trong chi thường xuyên, mức học phí mới có thể cao hơn 2 lần so với mức trần của trường chưa tự chủ. Nếu tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư, thì mức học phí mới có thể bằng 2,5 - 3 lần so với mức trần…

Theo Nghị định 81, các trường tư thục và dân lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác, đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Nhưng tỷ lệ tăng học phí mỗi năm không được vượt quá 15%. Tuy nhiên, với mức học phí vốn đã “khủng”, thì cho dù chỉ tăng nhẹ 10 - 15%, học phí nhiều trường tư cũng rơi vào tầm 70 - 100 triệu đồng/năm (4 học kỳ). Các trường quốc tế, học phí trung bình từ 300 - 500 triệu đồng/năm (ĐH RMIT VN khoảng trên 300 triệu đồng, ĐH Fulbright VN trên 467 triệu đồng…).

Nhiều trường tăng gấp đôi, gấp ba mức cũ

Trường ĐH Luật Hà Nội công bố mức học phí mới áp dụng với sinh viên chính quy tuyển sinh trong năm nay là 572 ngàn đồng/tín chỉ hệ đại trà và trên 1,6 triệu đồng/ tín chỉ với hệ chất lượng cao (mức thu cũ hệ đại trà là 280 ngàn đồng/tín chỉ và chất lượng cao 990 ngàn đồng/tín chỉ). Sinh viên đã học các năm trước của trường này được điều chỉnh thấp hơn so với sinh viên năm thứ nhất, nhưng cao hơn mức cũ.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra mức học phí mới theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên Lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà là 440 ngàn đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021.

Ở khối Y, Dược, Trường Đại học học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức thu dự kiến cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần 3 lần.

Khoa Y Dược của ĐHQG TP.HCM (100% ngành đào tạo chất lượng cao), học phí Y khoa từ 66 - 72,6 triệu đồng/năm; Dược 60 - 66,5 triệu; Răng Hàm Mặt 96,8 - 106 triệu. Tương tự, ĐH Y Hà Nội cũng công bố mức học phí mới, cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 3,7 triệu đồng/tháng. Ở hệ đại trà, các ngành Răng Hàm Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng có mức thu 2,45 triệu đồng/tháng; các ngành còn lại thu 1,85 triệu đồng/tháng.

Tất cả các trường thành viên của ĐHQG HN và ĐHQG TP.HCM đều công bố hoặc dự kiến tăng học phí từ năm học tới. Theo đề án tuyển sinh năm 2022 của ĐHQG HN, học phí dự kiến với sinh viên chính quy các chương trình đào tạo chuẩn là từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm và từ 30 - 60 triệu đồng/năm với các chương trình đào tạo đặc thù, đào tạo chất lượng cao (mức học phí cũ chương trình chuẩn chỉ trong khoảng 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm). Trong đó có trường mức học phí mới gấp trên 2 lần mức cũ (ĐH Công nghệ cao hơn mức cũ 2,26 lần). 

 Sinh viên nghèo có ít cơ hội?

Theo thông tin từ nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn, nơi hỗ trợ tân sinh viên tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để học đại học thì hằng năm có hàng ngàn thí sinh thi đỗ nhưng gặp khó khăn về tài chính. Chương trình tín dụng sinh viên triển khai khoảng gần 15 năm qua nhưng hiệu quả thấp, nhiều sinh viên nghèo không tiếp cận được do thủ tục rườm rà. Cùng với công bố mức học phí mới, nhiều trường đại học cũng cho biết sẽ cân nhắc chế độ học bổng, chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên diện chính sách, sinh viên nghèo. Nhưng đối tượng được hưởng các lợi ích này còn rất hạn hẹp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Hiện trường đã đàm phán với một số đối tác thiết kế chương trình cho sinh viên vay vốn không lãi suất trong 4 năm học. Cùng với đó, trường kết nối với một số doanh nghiệp, các quỹ học bổng quốc tế để hỗ trợ học bổng cho sinh viên”.

Theo GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, ngoài việc có chính sách học bổng cho những sinh viên khó khăn, chia ra nhiều kỳ học để dễ đóng thì cũng cần đẩy mạnh chính sách tín dụng, người học được vay học phí không lãi suất hoặc lãi suất thấp, sau khi ra trường sẽ hoàn trả lại dần. Đây hiện vẫn là giải pháp khả quan nhất trong bối cảnh học phí tăng cao như hiện nay.

KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top