Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lo ngại từ rác thải ven biển ở Quảng Ngãi

Chủ Nhật 03/07/2022 | 16:57 GMT+7

VHO- Hiện nay, một số khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng rác thải tràn ngập đã tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân. Thực tế này đang là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm môi trường biển.

Bãi biển thơ mộng nơi mưu sinh của người dân ngập trong rác thải

Sống chung với rác…
Dọc bãi biển thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là nơi cảnh quan rất đẹp, thơ mộng, tuy nhiên từ nhiều năm nay khu vực bãi biển này lại tràn ngập rác thải gồm bao nilon, chai lọ, ly nhựa, thùng xốp… chất thành đống, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. 
Ông Nguyễn Nhân, xóm Vức 1, thôn Sơn Trà cho biết, hằng năm rác từ thượng nguồn đổ về biển và sóng biển lại đánh dạt rác lên bờ lâu ngày tích tụ lại thành đống ngập cả lối đi của bà con. Bên cạnh đó, một hộ dân ở khu vực này có lò mổ heo xả nước thải ra làm cho môi trường ở đây càng ô nhiễm nặng trở nên ngột ngạt, khó chịu. 
“Rác đổ về hết năm kia qua năm nọ đóng lớp lớp lên bao ni lông là nhiều. Ở đây nhiều muỗi, ruồi dễ gây dịch bệnh lắm! Mỗi lần ra thúng ngồi làm chài lưới ở bến này tôi chịu không nổi mùi hôi thối…”, ông Nhân lắc đầu ngán ngẩm.

Để hạn chế rác người dân xử lý bằng cách gom lại đốt 

Trên nhiều tuyến đường, bờ biển của khu dân cư, tình trạng rác thải các loại đang chất thành đống, mỗi khi gió thổi rác bay tứ tung trên bờ, xuống biển. Bà Phạm Thị Hân thôn Sơn Trà cho hay, mỗi ngày bà tranh thủ rảnh là quét dọn đường gom rác lại đốt chứ không biết làm sao, nếu không là rác ngập không có đường đi, môi trường sống, sức khỏe của người dân ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là trẻ con hay chơi ở bãi biển này nhưng lại quá ô nhiễm.
Tương tự như các xã ven biển trên địa bàn tỉnh, dọc bờ biển xóm Vĩnh Bình, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) dài khoảng 800m, có 50 hộ gia đình sống dọc bờ biển và hơn 250 hộ dân bị đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, công việc mưu sinh bởi đủ các loại chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Bờ biển trở thành bãi chứa rác lộ thiên với mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan môi trường, hệ sinh thái biển. Nguyên nhân chính là do sóng lớn và triều cường mạnh đã cuốn theo các lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca (Cửa Sa Kỳ) rồi đẩy vào Bãi Sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ các nhánh sông, luồng lạch tại các xã: Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Bình Châu (huyện Bình Sơn) mang theo một lượng rác lớn rồi tấp vào, biến khu vực trên thành bãi rác.
Bà Hồ Thị Thu Hương, người dân xóm Vĩnh Bình, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ ngao ngán nói: “Rác chất thành tầng lớp theo sóng trôi dạt vào hôi và khó chịu lắm! Nếu nhà nước không có biện pháp là nhân dân ở đây hưởng hết. Đến nỗi, dân ở đây chẳng phân biệt được mùi nào là mùi nào. Người già không nói chứ trẻ con hít hoài tội quá. Mỗi lần ra quân dọn xong rồi đâu cũng vào đấy…”.
Bất lực nhìn biển ngập rác
Xã Bình Đông, huyện Bình Sơn và xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi là hai địa phương nằm ở khu vực hạ lưu chính vì vậy phải gánh chịu lượng lớn rác thải khắp nơi với đủ loại. Ông Nguyễn Văn Cư – Trưởng thôn Sơn Trà cho biết: “Thôn Sơn Trà có khoảng 1000 hộ dân, để hạn chế rác thải, người dân chúng tôi đem rác đi đốt nhưng cũng không thể giảm được số lượng. Có nhiều đoàn viên thanh niên tình nguyện về đây dọn rác, người dân cũng chung tay làm sạch môi trường, nhưng vài ngày thì đâu lại vào đó, cứ dọn xong thì rác lại tấp vào. Chúng tôi chỉ mong nhà nước sớm có cách giải quyết như xây đê dọc khu vực này để ngăn tình trạng rác tấp vô khu dân cư”.

Trẻ em ven biển sống chung với rác thải

Tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ biển xã Bình Đông đặc biệt ở một phần thôn Tân Hy 1 và Sơn Trà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ông Phan Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ cầu Trà Bồng đến cuối bãi biển thôn Sơn Trà có chiều dài khoảng 1,5 km. Địa phương nằm hạ lưu sông Trà Bồng chính vì vậy, số lượng rác thải sinh hoạt trên thượng nguồn sông Trà Bồng đổ xuống cũng như rác trên biển tập kết ở đây.
“Địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, nhiều lần ra quân thu gom, nhưng thực tế lượng rác khá nhiều về lâu dài địa phương kiến nghị cơ quan chức năng để có giải pháp căn cơ giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Đông cho hay.
Bên cạnh rác thải tự nhiên, hàng ngày người dân sinh sống ở khu vực ven biển thường có thói quen đem rác ném thẳng ra biển. Việc bãi biển bị ô nhiễm giờ đã trở nên quá quen đối với người dân nơi đây, họ cũng đành bất lực đứng nhìn. 

Người dân chỉ đành bất lực nhìn rác trôi nổi trên biển dạt vào bờ

Ông Nguyễn Xí – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ trăn trở: “Rác thải gây ô nhiễm môi trường, trước hết là trách nhiệm của UBND xã. Tuy vậy, đối với kinh phí của một xã không thể nào xử lý và thu gom dứt điểm được. Bởi lẽ hằng năm, rác từ các nơi từ thượng nguồn đổ xuống tấp hết vào đây. Về lâu dài, chúng tôi cũng đề nghị xây dựng kè….”.
Hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề ô nhiễm
Theo PGS. TS. Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm nghiên cứu - giảng dạy Môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng, phần lớn rác thải ven biển là rác thải nhựa, tuy nhiên chúng ta nhìn thấy được chỉ là 1 phần nhỏ so với những gì chúng ta không thấy được, kể cả số lượng lẫn mối nguy hại trong đại dương. Theo tính toán của các chuyên gia thì hiện tại, riêng rác thải nhựa đại dương đã khiến cho ngành du lịch, thuỷ sản và vận tải biển trong khu vực Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phải tiêu tốn đến 10.8 tỷ USD mỗi năm. Không dừng lại ở con số thiệt hại về kinh tế, rác thải nhựa có thời gian phân huỷ rất lâu trong môi trường, nên vi nhựa tồn tại khắp nơi và đi vào lưới thức ăn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng hiện tại cũng như tương lai. 
Với 130 km chiều dài bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Thế nhưng, lợi thế ấy đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi rác thải. Những thứ rác thải, nhất là các loại túi nilon, chai nhựa… đang khiến một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản.

Rác thải nhựa ảnh hưởng làm giảm nguồn lợi thủy sản

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương phải tăng cường ra quân, xử lý thu gom rác trên biển, nhất là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường; làm sao cho người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính mình, gia đình, quê hương, đất nước mình. 
Ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân bắt đầu từ những việc bình thường nhất trong sinh hoạt hằng ngày như: Sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước; không vì mục đích kinh tế mà đánh đổi môi trường; thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, giảm dần việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế thải chất thải rắn, nước thải, chất thải ô nhiễm ra môi trường đất, nước, không khí. Tỉnh tiếp tục phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào dọn vệ sinh, môi trường, nhất là các khu vực công cộng, khu du lịch, môi trường biển, bãi biển, trồng thêm nhiều cây xanh, bồn hoa, cây cảnh; có chính sách khen thưởng hợp lý đối với những người làm tốt công tác bảo vệ môi trường; đồng thời mỗi người dân đều là người giám sát, lên án, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường...

NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top