Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử ở nước ngoài

Thứ Hai 04/07/2022 | 11:12 GMT+7

VHO- Hiện tượng một số công dân Việt Nam, trong đó có du khách, người lao động, thực tập sinh, du học sinh, nhất là có cả những nghệ sĩ tên tuổi khi ra nước ngoài bị cáo buộc xâm hại tình dục, ăn cắp đồ ở siêu thị… hoặc bị lên án bởi những hành động vô ý thức như tiểu bậy, vứt rác bừa bãi, ăn uống xô bồ… đã phần nào khiến hình ảnh người Việt trở nên xấu xí, phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế.

 Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nhận được nhiều tình cảm yêu quý của khán giả nước ngoài

Trước câu chuyện lùm xùm của hai nghệ sĩ Việt Nam nghi bị cáo buộc tấn công tình dục cô gái người Anh 17 tuổi ở Tây Ban Nha, hiện vẫn chờ kết quả điều tra và thông tin chính thức từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên nếu đúng như cáo buộc thì quả là đáng buồn và thất vọng. Và đáng buồn và thất vọng hơn khi đây không phải lần đầu một số công dân Việt, trong đó có cả những người làm nghệ thuật vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Đã là người của công chúng thì phải giữ gìn hình ảnh

Đằng sau câu chuyện này là làm sao mỗi nghệ sĩ khi ra nước ngoài dù việc công hay việc tư đều phải giữ gìn hình ảnh bản thân, có những lời nói đẹp, hành động đẹp để góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước.

Trên thực tế, đã là người của công chúng thì dù trong nước hay ngoài nước thì đều phải giữ hình ảnh của mình. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài, ý thức thôi thì cũng chưa đủ mà đòi hỏi phải am hiểu văn hóa và tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Trao đổi vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Tôi đã từng sinh sống và học tập ở các nước châu Âu nên tôi biết mỗi quốc gia đều có một phong tục tập quán, văn hóa và hệ thống pháp luật riêng. Cho nên khi đến một quốc gia nào mà không tìm hiểu trước rất có thể gặp sự cố, nhẹ thì về văn hóa ứng xử, còn nặng hơn là vướng vào pháp luật”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhớ lại một kỷ niệm với nhà thơ Xuân Quỳnh tại Nga. Nhà thơ Xuân Quỳnh cùng một số nhà văn Việt Nam sang học viết văn ở trường Đại học Văn học Moskva. Một lần ra phố, nhà thơ Xuân Quỳnh thấy một em bé người Nga rất xinh xắn dễ thương đang nằm trong xe nôi, mẹ của bé đang mua bánh mì, nhà thơ đã dừng lại âu yếm, bẹo má và còn định thơm bé. Ngay khi đó, người mẹ quay ngoắt lại giật phắt tay nhà thơ ra khỏi con mình và la thét, gọi công an. May sao có một người Việt đi qua phiên dịch giúp và giải thích cử chỉ của nhà thơ với người mẹ. Người mẹ Nga đã hiểu và bao dung, thông cảm với cử chỉ của chị Quỳnh đối với em bé. Bà Thái chia sẻ: “Tôi đã nói với chị Quỳnh là ở nước Nga họ quy định rất rõ những hành vi đụng chạm tự nhiên vào trẻ em mà mình không quen biết là không được nước bạn chấp nhận, thậm chí rất có thể bị kiện”. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng khi ra nước ngoài, người Việt phải rất chú ý đến việc nhập gia tùy tục, hết sức tránh những lỗi như khạc nhổ bừa bãi, đái bậy, vứt rác ra đường, ăn to nói lớn khi ăn buffet... Cho dù đi du lịch, lao động, học tập, công tác hay biểu diễn ở bất cứ nước nào thì những quy định pháp luật mang tính phổ quát thì phải tuân thủ. Có những hành vi ở trong nước xem là bình thường như những cử chỉ thân mật nhưng ở nước ngoài không khéo bị quy vào tội “quấy rối tình dục”, thậm chí “hiếp dâm”.

Theo bà Thái, những sự cố như một MC ăn cắp chiếc áo da ở siêu thị nước ngoài hay một diễn viên hài phạm tội ấu dâm ở Mỹ…, tuy chỉ là “những con sâu” nhưng cũng đã cảnh báo về văn hóa ứng xử của một bộ phận người của công chúng, ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

 Khán giả Nhật Bản hào hứng chương trình của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Hãy là một Đại sứ văn hóa khi ra nước ngoài!

Cho đến thời điểm này chưa thể kết luật vi phạm của hai nghệ sĩ Việt Nam ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên xét góc độ ở trong nước, là viên chức nhưng chưa có văn bản của cơ quan chủ quản cho phép ra nước ngoài, cho dù bất cứ lý do gì, là điều đáng trách.

Chia sẻ với Văn Hóa về quy trình đưa nghệ sĩ ra nước ngoài biểu diễn cũng như ra nước ngoài với mục đích cá nhân, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, NSƯT Hoàng Xuân Bình cho biết, cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát muốn ra nước ngoài với mục đích nào thì cũng phải theo quy trình, phải có quyết định đồng ý của đơn vị và cơ quan chủ quản theo đúng Luật Viên chức và công chức. Những trường hợp đi thăm thân, du lịch hay làm công việc riêng, Nhà hát đều tạo điều kiện nhưng phải tuân thủ pháp luật, trước hết là pháp luật Việt Nam. Khó có thể đếm được số lượt ra nước ngoài biểu diễn phục vụ chính trị của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong hàng chục năm qua nhưng chưa bao giờ có những vụ scandal xảy ra đối với cán bộ, nghệ sĩ của đơn vị này, ngay cả những chuyến ra nước ngoài mang tính chất cá nhân.

NSƯT Hoàng Xuân Bình cũng cho biết, trước mỗi chuyến lưu diễn ở nước ngoài, Ban Giám đốc Nhà hát thường có những cuộc họp để thông tin toàn bộ những nội dung và giao nhiệm vụ cho cán bộ, nghệ sĩ tham gia. Trong đó, bắt buộc sẽ có việc phổ biến phổ quát để các cán bộ, nghệ sĩ, đặc biệt là những người trẻ có thể nắm bắt đầy đủ mục đích, nhiệm vụ của mình trong chuyến đi, nắm bắt được những thông tin về văn hóa, phong tục, tập quán và cả luật pháp của nước sở tại. “Mỗi cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chúng tôi đều ý thức rất rõ việc mình ra nước ngoài không chỉ là việc cá nhân mà là vai trò của một nghệ sĩ nhà hát quốc gia, mang sứ mệnh của Đại sứ văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi luôn nhắc nhau phải giữ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử và lời ăn tiếng nói. Muốn vậy trước khi đến đều phải tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và pháp luật ở đó”, Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam khẳng định. 

 

Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật…

Có ý thức quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích, an ninh, chủ quyền quốc gia, tuân thủ pháp luật nước sở tại khi tham gia các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài...

(Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật)

 

 Mỗi cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chúng tôi đều ý thức rất rõ việc mình ra nước ngoài không chỉ là việc cá nhân mà là vai trò của một nghệ sĩ nhà hát quốc gia, mang sứ mệnh của Đại sứ văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi luôn nhắc nhau phải giữ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử và lời ăn tiếng nói. Muốn vậy trước khi đến đều phải tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và pháp luật ở đó.

(NSƯT HOÀNG XUÂN BÌNH, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top