Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Vùng cao "khát" sách

Thứ Hai 11/07/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- Thời gian qua, Chính phủ cùng các đơn vị liên quan đã có sự quan tâm, đầu tư để phát triển văn hóa đọc ở những vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Đây cũng là nhiệm vụ được ngành văn hóa đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên do đặc thù vùng miền, nhiều nơi vẫn đang rơi vào tình trạng “thiếu trước hụt sau”. Cũng vì “khát sách”, việc phát triển văn hóa đọc cho người dân ở những vùng này gặp không ít khó khăn.

 Không có sách mi, các em nh Trưng Ph thông Dân tc bán trú Tiu hc và THCS Kim Ni thưng xuyên phi đc li sách cũ

 Nhiều năm học, biết mỗi SGK

Cô Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết ở vùng cao, SGK còn thiếu chứ chưa nói đến những thể loại khác: “Từ năm học 2020-2021, chúng tôi phải giảng dạy theo chương trình mới. Cô trò nhiều lúc loay hoay mới có đủ sách để học. SGK còn không đủ nên chúng tôi chưa dám mơ tới có sách tham khảo hay truyện cho các em đọc. Ở đây, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên gần như rất khó để vận động phụ huynh xây dựng tủ sách chung. Nhà trường phải đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp nhưng không phải lúc nào cũng có”.

“Thiếu trước hụt sau” nên nhà trường bắt buộc phải ưu tiên cho SGK, còn sách tham khảo, truyện... để đưa vào thư viện thì không còn kinh phí. Cô Nguyễn Thị Tố Nga cho biết thêm, hiện nhiều gia đình còn chưa thể thanh toán tiền SGK nhà trường đã ứng ra cho các em. “Các con rất thích đọc sách nhưng thư viện nhà trường đã nhiều năm không được bổ sung đầu sách mới, thậm chí còn không có nổi một cuốn truyện tranh… Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động thư viện nhưng sách không có thì không thể triển khai. Các con thường hỏi chúng tôi khi nào có sách mới nhưng tất cả cũng chỉ là câu trả lời “phải chờ”. Cả cô và trò đều mong từng ngày nhưng sao khó khăn quá!”, cô Nga bùi ngùi.

Em Lò Thị Quỳnh, học sinh Trường PTDT nội trú THPT huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cho biết, những loại sách trẻ em miền núi thích đọc là truyện tranh, truyện cổ tích, truyện về anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc và sách tiếng dân tộc... Thế nhưng, ngoài SGK, hầu như các em không có cơ hội để tiếp cận với sách thể loại khác. “Thỉnh thoảng có đợt được phát sách mới nhưng chúng em cũng rất khó tìm được cuốn sách phù hợp với bản thân. Không chỉ em mà các bạn học sinh khác đều muốn có thêm sách đọc để không phải chịu cảnh nhiều năm đi học, chỉ biết đến mỗi SGK”, Quỳnh chia sẻ.

 Sách cn đưc tăng cưng luân chuyn đến vùng sâu, vùng xa, vùng đng bào DTTS (nh: Thư vin Thái Nguyên)

Không thể chỉ trông chờ cấp phát

Hiện nay, sách đến được với vùng cao, khu vực có đồng bào DTTS sinh sống phần lớn đều ở diện cấp phát. Tuy nhiên, do số lượng sách mỗi đợt cũng không nhiều nên khi đến được với bà con thì chẳng còn là bao. Chưa kể, nhu cầu đọc của người dân hiện rất đa dạng, sách cấp phát thì “cho gì đọc nấy”, chưa thật sự phong phú nên đôi khi rơi vào nghịch cảnh sách cần thì không có, sách có thì… không ai cần.

Anh Đỗ Tiến Thành, người có hành trình 8 năm bền bỉ thúc đẩy phong trào khuyến đọc, gieo mầm hy vọng cho tương lai thông qua xây dựng tủ sách ở những vùng khó khăn cho biết, trong phát triển văn hóa đọc, học sinh, bà con vùng cao, DTTS chính là đối tượng “thiệt đơn, thiệt kép”. “Đi vận động khuyến đọc, chúng tôi mới thấy cái khổ của bà con. Mỗi ngày đều tính đến chuyện ăn có đủ no không, oằn mình để mưu sinh thì làm sao dám bỏ tiền ra mua sách. Được tặng một cuốn sách, họ nâng niu và coi như tài sản quý trong nhà. Học sinh nhận sách mới thì nở nụ cười tươi rói vì sung sướng, hạnh phúc. Có đến đây mới thấy người dân “khát sách” như thế nào. Ngoài no cái bụng, chúng ta cần giúp bà con “no” tri thức. Họ không tìm đến được với sách vì điều kiện khó khăn thì chúng ta phải đưa sách đến với bà con”, anh Thành bày tỏ.

Cũng theo anh Đỗ Tiến Thành, vẫn có những chuyến xe phục vụ lưu động đến vùng còn khó khăn nhưng không nhiều, có thể ví như “mưa không đủ thấm đất”. Sách không thường xuyên được luân chuyển đến tận nơi để bà con vùng cao, DTTS đọc. Hệ thống thư viện nhiều nơi cũng chưa “vươn tới” từng thôn, bản mà chỉ mới đến được những vùng trung tâm. Sách online không thiếu nhưng khả năng sử dụng thiết bị thông minh với các hộ dân vùng núi còn hạn chế. Cơ hội tiếp cận sách của người dân, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, DTTS vì thế còn nhiều hạn chế khiến sự chênh lệch, khoảng cách về văn hóa đọc và dân trí gia tăng. Đây là bài toán phải giải quyết sớm để tránh hệ lụy lâu dài.

Thực tế, văn hóa đọc phát triển giúp đồng bào DTTS, miền núi có được môi trường học tập, giải trí lành mạnh. Thông qua việc đọc, người dân được mở mang hiểu biết, trau dồi kỹ năng, vận dụng được những kiến thức khoa học vào cuộc sống; giúp họ bớt nghèo, bớt khổ. Để phát triển văn hóa đọc thì phải cần đến sách. Thế nhưng, sách không đến được với bà con, hay bà con phải nhọc nhằn tìm sách đang tạo ra những thiệt thòi nhất định cho người DTTS, vùng cao trong tiếp cận tri thức. 

 ĐÌNH TOÁN - HỒNG MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top