Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thiết chế văn hóa nhìn từ rạp hát (Bài 1): Hà Nội, cần lắm một nhà hát tầm cỡ quốc gia

Thứ Hai 18/07/2022 | 10:01 GMT+7

VHO-  LTS: Để “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và “chấn hưng và phát triển văn hóa” như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 thì không thể không nói đến thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống nhà hát - nơi để biểu diễn, sáng tạo và cảm thụ, hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. Tuy nhiên, thực trạng nhà hát tại Hà Nội, TP.HCM và 61 tỉnh, thành còn lại hiện nay như thế nào? Đây cũng là vấn đề Văn Hóa sẽ đề cập từ số báo này, đồng thời gợi mở một số giải pháp từ các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa và giới văn nghệ sĩ.

 Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam tập luyện tại hội trường cũ nát

Khó có thể nghĩ được rằng, Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, quy tụ những nhà hát, đơn vị nghệ thuật hàng đầu của quốc gia nhưng khi muốn tổ chức một chương trình nghệ thuật tầm cỡ, phục vụ cho đông đảo công chúng lại là điều vô cùng khó khăn. Bởi lẽ điểm qua một loạt những nhà hát, rạp biểu diễn hiện nay mà Hà Nội đang sở hữu, rất khó có thể đáp ứng được.

 Nỗi khổ của những đoàn nghệ thuật

Trong 12 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL thì có tới 3 nhà hát chưa có rạp biểu diễn: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Trụ sở của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam còn nằm trong ngõ nhỏ, ngoằn nghèo, chật hẹp, chẳng hề liên quan đến môi trường thưởng thức nghệ thuật.

Tới Nhà hát Cải lương Việt Nam vào một ngày giữa tháng 7, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ làm việc và tập luyện cho cán bộ và nghệ sĩ của một nhà hát nghệ thuật truyền thống quốc gia lại nghèo nàn, xuống cấp đến vậy. Cả một tập thể gần 90 con người gồm Ban giám đốc, hành chính, diễn viên nhạc công lại có thể làm việc trong một trụ sở ẩm thấp, xập xệ. Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Đào Thủy Lan ngậm ngùi: “Toàn bộ các khu nhà trong đơn vị đều bị xuống cấp trầm trọng bởi nền và cốt nhà xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước đã cũ nát, có sửa chữa thì cũng chỉ chắp vá. Khu hội trường là nơi họp hành và tập luyện của cán bộ, nghệ sĩ thì mỗi lần trời mưa thì dột nát, ẩm ướt. Mỗi khi lên họp hay tập luyện, chúng tôi đều rất run vì sàn nhà có thể sập bất cứ lúc nào...”. Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, có những hợp đồng hoặc tour du lịch đến khảo sát để xây dựng tour du lịch nhưng khi tới trụ sở Nhà hát họ ngao ngán vì địa điểm quá là chật hẹp, không gian bí bách, sân khấu biểu diễn sơ sài, không đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. “Chúng tôi đã từng có dự án được duyệt xây dựng Nhà hát Cải lương Việt Nam nhưng tất cả vẫn chỉ dừng ở dự định... Hiện Nhà hát đã được Bộ VHTTDL phê duyệt cho xây dựng lại toàn bộ khu làm việc và một sân khấu nhỏ tầm 200 chỗ. Không dám mơ ước cho mình một nhà hát đa năng, hiện đại, chúng tôi chỉ mong có một trụ sở làm việc, tập luyện tử tế và có một rạp hát nho nhỏ để thu hút khán giả yêu nghệ thuật cải lương đến với mình đã là hạnh phúc lắm rồi”, NSND Triệu Trung Kiên bộc bạch.

 Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng đang ở trong tình cảnh này. Không có nhà hát để tổ chức biểu diễn, không có cả những sân khấu nhỏ để phục vụ khách du lịch. Mỗi lần muốn biểu diễn lại phải đi thuê các nhà hát khác khiến bài toán doanh thu luôn làm khó cho người làm quản lý đơn vị. Với đặc thù nghệ thuật hàn lâm, mỗi chương trình của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cần một lực lượng lớn nghệ sĩ (tầm 200 người) và đòi hỏi khán phòng đảm bảo được các yêu cầu cao về kỹ thuật, âm thanh cho tới sân khấu biểu diễn. Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nhạc vũ kịch Phan Mạnh Đức cho biết: “Cả nước duy nhất có Nhà hát Lớn Hà Nội là có thể đáp ứng yêu cầu biểu diễn các chương trình vũ kịch và giao hưởng của Nhà hát. Tuy nhiên, tiền thuê biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội rất cao, ngoài tầm của Nhà hát Nhạc vũ kịch và vì vậy, mỗi năm Nhà hát chỉ dựng hai tác phẩm lớn về ballet và opera, mỗi vở cố lắm cũng chỉ thuê được từ 5 đến 8 buổi diễn ở Nhà hát Lớn. Và với những loại hình nghệ thuật hàn lâm như ballet hay giao hưởng thì rất kén khán giả. Vì vậy không phải sản phẩm nghệ thuật nào cũng có nguồn thu, đồng nghĩa doanh thu không được là bao, mà phải trả tiền thuê rạp nên vô cùng khó khăn”.

Thiếu vẫn thiếu nhưng thừa vẫn thừa. Đó cũng là thực trạng bất cập cần sớm được giải quyết. Trong khi Đoàn Xiếc Hà Nội ở phố Thái Thịnh bao nhiêu năm qua không có rạp hát để biểu diễn, thì ngay cạnh đó là Rạp chiếu bóng Đống Đa lại để trống và không sử dụng. Được biết, Đoàn Xiếc Hà Nội đã xin thành phố cấp cho rạp này để xây dựng thành rạp biểu diễn đa năng, thế nhưng vẫn chỉ nằm trên… giấy. Đó là chưa nói thực trạng, một số nhà hát lại cho thuê hoặc gần như chuyển đổi công năng sử dụng. Đề cập vấn đề này, TS Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Việc chuyển đổi nhà hát thành nơi cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện, liên hoan, đám cưới, nhà hàng… được xem là một hình thức “chống lãng phí” cơ sở vật chất nhưng thực chất là tạo nên một kiểu lãng phí khác khi chưa khai thác đểsửdụng hiệu quảtheo đúng chức năng của các rạp hát, nhàhát đó. Việc các nhà hát không được sử dụng hết công năng là do trách nhiệm trước hết của những người được giao trách nhiệm quản lý các nhà hát, rạp hát”.

Cần lắm một nhà hát tầm cỡ quốc gia

Khó có thể nghĩ được rằng, Hà Nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, quy tụ những nhà hát, đơn vị nghệ thuật hàng đầu của quốc gia nhưng khi muốn tổ chức một chương trình nghệ thuật tầm cỡ, phục vụ cho đông đảo công chúng lại là điều vô cùng khó khăn. Bởi lẽ điểm qua một loạt những nhà hát, rạp biểu diễn hiện nay mà Hà Nội đang sở hữu, rất khó có thể đáp ứng được.

 Một góc của trụ sở Nhà hát Cải lương Việt Nam

Hiện Hà Nội có 15 nhà hát công lập: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Rạp Xiếc Trung ương, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Quân đội, Rạp Công Nhân, Rạp Nguyễn Đình Chiểu, Rạp Đại Nam, Rạp Chuông Vàng.

Mang tiếng là nhiều rạp hát, nhàhát, nhưng tại mảnh đất nghìn năm văn hiến vẫn chưa cómột trung tâm biểu diễn nghệthuật đa năng nào đạt tiêu chuẩn, mang tầm cỡkhu vực và thếgiới. Nhà hát Lớn Hà Nội được coi là nhà hát đạt chuẩn sân khấu quốc tế nhưng được xây dựng cách đây 100 năm, chỉ đảm bảo được các phương thức biểu diễn cũ, không thể phát huy được những yếu tố mới, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật đòi hỏi số lượng khán giả lớn. Nhàhát Ca múa nhạc Thăng Long, Rạp Chuông Vàng ởtrong các khu đất vàng của phố cổ Hà Nội nhưng rạp biểu diễn quá chật hẹp, không đủđiều kiện đểtổchức biểu diễn. Nhàhát Kịch Việt Nam nằm ngay sau lưng Nhàhát Lớn, lối đi vào ngóc ngách khiến nhiều người đi nhầm vào Nhà hát Lớn. Nhàhát Múa rối Trung ương lại nằm ngay trên đường vành đai, gắn liền với hình ảnh của nạn tắc đường triền miên trong giờcao điểm. Cung Văn hóa Hữu nghịtuy có sức chứa lớn với hơn 1.200 chỗngồi hay Trung tâm Hội nghịquốc gia với 3.500 chỗngồi, vẫn luôn được sửdụng đểtổchức các chương trình nghệ thuật lớn nhưng thiết kế không phải làmột rạp hát đúng nghĩa.

Đã đến lúc cần phải tính đến xây dựng một nhà hát tầm cỡ quốc gia trên mảnh đất ngàn năm văn vật. Đó phải là một nhà hát hiện đại, chuyên nghiệp, đa năng, nằm trong một không gian văn hóa đủ lớn, thuận tiện để có thể kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác. Đó phải là một thiết chế văn hóa mang tính biểu tượng cho Thủ đô và quốc gia. Đây cũng là bài toán khó đối với Hà Nội khi các mảnh đất vàng đã nhường cho các khu trung tâm thương mại, chung cư cao cấp…

Bởi vậy, ý tưởng xây dựng Nhà hát nghệ thuật tầm cỡ quốc gia ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đang được nhiều người trong giới ủng hộ. Trước hết quỹ đất sạch và mặt bằng của Làng phù hợp với yêu cầu xây dựng một nhà hát quy mô. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, không thể xây dựng một nhà hát hiện đại, hoành tráng mà chỉ năm thuở mười thì mới có show diễn. Được biết, hiện Làng đang đón một lượng du khách rất lớn, với 1 triệu lượt khách đến tham quan và lượng khách đến với Làng đang tăng hằng năm. Tại Làng đang hình thành khu vực vui chơi giải trí và không gian văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Nếu có nhà hát tầm cỡ ở đây, không chỉ tổ chức các chương trình nghệ thuật, văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, mà còn hướng tới phục vụ các nhu cầu của khách du lịch. Không gian rộng lớn của Làng có thể kết hợp với các loại hình nghệ thuật đa dạng khác như tổ chức sân khấu thực cảnh, triển lãm ngoài trời để phục vụ đa dạng nhu cầu cho khán giả và khách du lịch. Nơi đây cũng có thể sẽ trở thành một trung tâm hướng nghiệp cho các sinh viên của các trường nghệ thuật, nơi đào tạo ra những hướng nghiệp cho các nghệ sĩ trẻ. Từ trung tâm Hà Nội lên Làng chỉ có 30 phút ô tô, giao thông thuận tiện, xung quanh Làng có các khu resort, khách sạn cao cấp… Do đó, đầu tư xây dựng Nhà hát nghệ thuật mang tầm quốc gia tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ phát huy được hiệu quả trong tương lai nếu được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, của Bộ VHTTDL. 

 THÚY HIỀN - SÔNG THAI

Bài 2: TP.HCM: Nhà hát mà không có… “nhà”

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top