Tuyển sinh vào các trường nghệ thuật: Nguyện vọng thật, tỷ lệ chọi không ảo

VHO- Ghi nhận tại một số trường như ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam, Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam… cho thấy, thí sinh đăng ký dự thi năm nay có nguyện vọng thật, tỷ lệ chọi không ảo, các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế tuyển sinh. Các thí sinh cũng tự sàng lọc về năng lực của bản thân khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Tuyển sinh vào các trường nghệ thuật: Nguyện vọng thật, tỷ lệ chọi không ảo - Anh 1

 Hội đồng tuyển sinh của Học viện Múa Việt Nam

 Khó từ “đầu vào”

Lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các chuyên ngành năng khiếu nghệ thuật không nhiều nên chất lượng “đầu vào” luôn là nỗi lo lắng của các cơ sở đào tạo. Trao đổi với Văn Hóa, Ban giám hiệu, Ban giám đốc của một số trường nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL đều có chung quan điểm: Chất lượng tuyển sinh “đầu vào” phải cao, đảm bảo học sinh phải đủ năng lực học tập, chấp nhận việc không tuyển đủ chỉ tiêu!

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng cho biết, thời gian tuyển sinh của trường không cùng đợt với các ngành nghề khác. Xiếc là nghệ thuật đặc thù nên đề án tuyển sinh cũng như kế hoạch và nội dung thi đều có quy chế riêng. Trường vừa tổ chức tuyển diễn viên biểu diễn xiếc và tạp kỹ hệ trung cấp chính quy, khóa 43, niên khóa 2022-2027 cho thí sinh Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hội đồng tuyển sinh đã hoàn thành sơ tuyển vòng 1 tại 71 xã, 3 thị trấn, 63 trường THCS, 69 trường THPT với tổng số thí sinh trúng tuyển là 3.691 em. Tuy nhiên, để tìm ra những học sinh đạt yêu cầu là vô cùng gian nan, qua vòng trung tuyển và phúc tuyển, số thí sinh còn lại chỉ khoảng… 20 em. Để đảm bảo đủ chỉ tiêu, cuối tháng 7.2022, trường tiếp tục tổ chức tuyển sinh bổ sung đợt 2.

So với xiếc thì số học sinh đăng ký tuyển sinh trình độ ĐH năm 2022 của Học viện Múa Việt Nam lại càng khan hiếm. Cũng dễ hiểu bởi đây là năm đầu Học viện tuyển sinh trình độ ĐH, dự kiến lấy 60 chỉ tiêu thuộc chuyên ngành Biên đạo kịch múa, Huấn luyện múa và Chuyên ngành Biên đạo múa sự kiện. Trong đó, chuyên ngành Biên đạo kịch múa, Huấn luyện múa tuyển các thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp trở lên và đã hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT. Chuyên ngành Biên đạo múa sự kiện tuyển các thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT. Ngoài điều kiện đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành, thí sinh cần có ngoại hình và năng khiếu múa đáp ứng yêu cầu của các ngành/ chuyên ngành đào tạo.

Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh không nhiều nhưng Hội đồng tuyển sinh của Học viện Múa đã làm việc rất cẩn trọng, nghiêm túc. Nhiều tên tuổi uy tín của ngành múa đã được mời tham gia vào công tác tuyển sinh như: NSND Anh Phương, NSND Thu Hà, TS. NSƯT Trần Văn Hải. Ngày 18.7, Học viện múa vừa kết thúc vòng chung tuyển, đánh giá sơ bộ kết quả thi năng khiếu, Trưởng phòng Đào tạo quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Bùi Thanh Tú cho biết, theo đánh giá của Hội đồng tuyển sinh thì các thí sinh đã hoàn thành tốt phần thi năng khiếu với những bài thi theo yêu cầu. Ở bài thi kỹ thuật, thí sinh phải thực hiện tổ hợp múa cổ điển châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam và múa đương đại. Bài thi huấn luyện múa thí sinh phải thực hiện thực hành thị phạm theo đề thi ở từng thể loại.

Với ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, một trong những trường có số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh đông nhất so với các cơ sở đào tạo năng khiếu, PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết số hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào trường năm nay là khoảng 1.010, so với năm ngoái là giảm gần 1/3 (1.500 hồ sơ). Tuy nhiên, số học sinh dự thi thực tế lại bằng năm ngoái, như vậy tỷ lệ hồ sơ ảo đã giảm rất nhiều. Chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình vẫn luôn thu hút số lượng thí sinh đăng ký cao với số hồ sơ chiếm 50%, trong khi số hồ sơ đăng ký vào các chuyên ngành Kịch hát dân tộc rất ít ỏi, như Chèo có 15 hồ sơ, Múa rối 7 hồ sơ...

Tuyển sinh vào các trường nghệ thuật: Nguyện vọng thật, tỷ lệ chọi không ảo - Anh 2

 Các học sinh dự thi trình độ ĐH của Học viện Múa Việt Nam

Tuyển sinh nghệ thuật sẽ không có sự “nể nang”

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng nhận định: “Sẽ không có chuyện nể nang, quen biết để lọt vào trúng tuyển, bởi nếu những ai đã ở trong môi trường đào tạo nghệ thuật sẽ hiểu rằng, với nghệ thuật là phải có tài năng mới tồn tại được. Vì nể nang mà đưa người không có năng khiếu vào học sẽ là hại chính con em họ. Việc thi năng khiếu phụ thuộc vào năng lực của cá nhân đó khi thực hiện bài thi, thầy có giỏi mấy thì cũng không thể diễn thay cho trò được”. Tham gia Hội đồng tuyển sinh chấm chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình năm nay, NSƯT Trần Lực chia sẻ về chất lượng “đầu vào”: “Nhiều năm tham gia công tác tuyển sinh, chúng tôi đều ý thức rất rõ trách nhiệm của mình và chắc chắn sẽ không có chuyện bỏ sót những em có tố chất, tài năng. Chúng tôi chỉ mong muốn các em khi trúng tuyển hãy nỗ lực học hành, say mê thật sự với nghề, nếu làm tốt các em sẽ không bao giờ lo bị thất nghiệp khi ra trường”.

Chia sẻ với Văn Hóa, lãnh đạo các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật của Bộ VHTTDL cho biết, năm nay sẽ siết chặt hơn về chất lượng tuyển sinh để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với việc đổi mới phương án tuyển sinh, nội dung đào tạo, giáo trình, giáo án cũng đã và đang được các trường ráo riết nâng cao.

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc