Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nên ủng hộ để các tỉnh, thành phát triển kinh tế đêm

Thứ Sáu 26/08/2022 | 10:32 GMT+7

VHO- Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đã ghi nhận kiến nghị của những doanh nghiệp điện ảnh xin phép cho các rạp chiếu được hoạt động sau 0h. Cục đã có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL về vấn đề này và nêu quan điểm: Đối với các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện “phát triển kinh tế về đêm” thì nên ủng hộ việc điều chỉnh khung giờ chiếu phim buổi tối.

Nếu trước đây 20h là khung giờ đẹp để xem phim thì hiện nay, thanh niên thường đi học, đi làm về muộn, vì vậy khán giả cũng có xu hướng đi xem phim muộn hơn (ảnh minh họa)

Phát triển “kinh tế đêm”

4 doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam gồm CGV, BHD, Galaxy và Lotte đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, xin phép được chiếu phim rạp sau 0h. Các doanh nghiệp này cho rằng, hiện hoạt động chiếu phim đang bị hạn chế trong khung từ 8h đến 24h hằng ngày. Nghị định số 38 của Chính phủ (NĐ 38/2021/NĐ-CP) quy định sẽ phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với việc chiếu phim ngoài khung giờ nói trên. Theo các doanh nghiệp, điều này đã và đang hạn chế cơ hội thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại rạp của một bộ phận khán giả; cũng không phù hợp với chủ trương phát triển đa dạng các dịch vụ văn hóa giải trí lành mạnh khi thành phố vào đêm.

Tháng 7.2020, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trên thực tế, nhu cầu, tiềm năng phát triển các dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa ban đêm có sự đóng góp khá lớn của hệ thống các rạp chiếu phim, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh… Qua quan sát sự thành công của mô hình này tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát triển kinh tế đêm tại các thành phố du lịch Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của các rạp phim là câu chuyện được quan tâm nhiều hiện nay.

Trao đổi với Văn Hóa, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục đã có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL về kiến nghị cho phép các rạp chiếu phim được tham gia vào phát triển kinh tế đêm. Theo đó, để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, dịch vụ văn hóa giải trí thì nên ủng hộ việc điều chỉnh khung giờ chiếu phim buổi tối. “Hiện nay quy định suất chiếu cuối cùng trong ngày kết thúc lúc 24h đêm, nay có thể điều chỉnh bắt đầu suất chiếu cuối cùng từ 24h đêm, và như vậy, suất chiếu này sẽ kết thúc theo thời lượng của bộ phim, tức là vào rạng sáng ngày hôm sau”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Cũng theo Cục trưởng Vi Kiến Thành: “Rạp chiếu phim là loại hình kinh doanh đặc thù với những yêu cầu chặt chẽ về thiết kế, cách âm an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác của pháp luật. Các rạp hiện nay đa phần đều nằm trong các trung tâm thương mại, khu đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư với nhu cầu giải trí sau giờ làm, giờ học rất cao. Vì vậy, Cục Điện ảnh cho rằng vấn đề thay đổi khung giờ suất chiếu phim cuối cùng trong ngày có thể ủng hộ được tại các thành phố phát triển kinh tế ban đêm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...”. Đồng thời, ông Thành lưu ý, nếu thay đổi khung giờ suất chiếu phim cuối cùng trong ngày như vậy sẽ phải sửa Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, với quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 - 24h hằng ngày.

Cân nhắc kỹ lưỡng

Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc có điều chỉnh giờ chiếu phim hay không. Vì vậy, Cục Điện ảnh có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL để nêu vấn đề và báo cáo với Chính phủ. “Chúng ta cũng không thể đồng loạt thay đổi khung giờ ở tất cả 63 tỉnh, thành. Hơn nữa, để kiến nghị này có thể đi vào đời sống, các nhà quản lý phải quan tâm tới các quy định ở các văn bản luật khác, cụ thể là Nghị định 38. Chính phủ cần có thời gian cân nhắc, nghe ý kiến các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an vì liên quan tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ông Vi Kiến Thành nêu.

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL), việc sửa Nghị định 38 không chỉ là kiến nghị, góp ý cụ thể của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Hiện nay một số pháp luật chuyên ngành liên quan đang có sự điều chỉnh, trong đó có Luật Điện ảnh, đã được Quốc hội thông qua. Việc rà soát, sửa đổi Nghị định 38 đang được thực hiện trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương có liên quan.

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, quá trình lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các tổ chức liên quan, nghiên cứu các văn bản chi tiết sẽ cho thấy bức tranh chung về việc thực thi quy định mới. Được biết, Ban soạn thảo đang tiếp thu ý kiến và cố gắng chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Chính phủ trong năm nay. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1.1.2023, vì vậy việc chỉnh sửa quy định pháp luật về xử phạt hành chính có liên quan cũng cần có hiệu lực sớm, đảm bảo thống nhất, đồng bộ về mặt pháp luật.

Kiến nghị điều chỉnh giờ chiếu phim hiện tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà phát hành, rạp chiếu phim và đông đảo khán giả yêu điện ảnh. Trên thực tế, ngày càng nhiều khán giả chỉ thu xếp được thời gian xem phim vào khung giờ muộn. Đại diện CGV cũng nêu, tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhu cầu xem phim ở khung giờ muộn tương đối đông. Các doanh nghiệp này cho rằng, xem phim rạp là hoạt động giải trí lành mạnh, cần được khuyến khích, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế đêm.

Theo ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, thói quen xem phim của người Việt, đặc biệt khán giả trẻ cũng đã có thay đổi rất lớn trong thời gian qua. Nếu trước đây 20h là khung giờ đẹp để xem phim thì hiện nay, thanh niên thường đi học, đi làm về muộn, vì vậy khán giả cũng có xu hướng đi xem phim muộn hơn. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, nếu bắt đầu suất chiếu cuối cùng từ 24h đêm thì cũng là quá muộn. 

THẢO PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top