Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Trào lưu “đu trend” tai hại trên TikTok

Thứ Hai 29/08/2022 | 10:03 GMT+7

VHO- Bên cạnh những tiện ích về giải trí mà TikTok mang lại, nền tảng này đang gây lo lắng bởi xuất hiện hàng loạt clip trò chơi gây hại, thậm chí chết chóc nhắm vào trẻ nhỏ. Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan quản lý, phụ huynh và nhà trường cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn sự phát tán của những “virus” độc hại này.

 TikTok đang là nơi lan truyền rất nhiều clip kỳ quái, chết chóc (Ảnh minh họa)

Mất mạng vì thích “đánh đu”

Cách đây không lâu, dư luận quốc tế xôn xao về vụ việc một thanh niên 18 tuổi ở Indonesia mất mạng vì theo trend (xu hướng) chặn đầu xe tải trên TikTok. Cụ thể, thử thách sẽ thách thức người chơi lao ra, chặn đầu xe tải đang chạy trên đường. Nếu xe tải phanh kịp, không gây tai nạn, người chơi được tính là thành công. Xem video, rất nhiều khán giả không khỏi lạnh gáy vì độ liều lĩnh của người tham gia. Trang Asia One đưa tin “Tiếng vang chưa thấy, nam thanh niên đã phải trả giá bằng tính mạng của mình” khi xe tải không kịp phanh và tông trúng. Ngoài ra, theo Sindo News, 14 trẻ vị thành niên khác tại Indonesia cũng bị cảnh sát tạm giam vì có hành vi tương tự.

Không chỉ lao vào xe tải, thử thách “thổi ngón tay cái” cũng khiến nhiều phụ huynh phải lên tiếng cảnh báo vì quá nguy hiểm với trẻ nhỏ. Để tham gia thử thách, các em phải quỳ xuống, hít một hơi thật sâu rồi bật dậy. Sau đó, thổi phồng miệng bằng cách ngậm ngón tay cái thật chặt bên trong. Việc “thổi ngón tay cái” như vậy được những kẻ “tạo trend” cho hay sẽ tạo ra cảm giác hưng phấn do thiếu oxy lên não. Cũng gây nguy cơ tử vong cao là một thử thách khác mang tên “Blackout” (gây mất ý thức tạm thời bằng cách tự siết cổ mình - PV) đã khiến ít nhất 7 trẻ em tử vong ở Mỹ và Úc. Ngoài ra, một loạt thử thách nguy hiểm như “gương lửa” (phun chất lỏng dễ cháy lên gương rồi đốt); uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác; đổ cả lọ muối vào miệng… cũng đang “nhan nhản” trên nền tảng này, tất cả đều bị phản đối kịch liệt vì gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người tham gia. Cảnh báo được đặc biệt đưa ra với phụ huynh có con nhỏ vì các em là đối tượng dễ chịu tác động của những trò chơi “không giống ai” này.

Đọc tin tức ở các trang báo quốc tế, chị Nguyễn Thị Trang (điều dưỡng tại một bệnh viện, hiện đang sinh sống tại Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, rất quan ngại khi những clip “quái đản” nhiều không kể xiết trên TikTok. “Để 2 cậu con trai chịu ngồi yên ăn cơm, “cực chẳng đã” nhiều lúc tôi phải cho các con xem TikTok. Tuy nhiên, tôi ngày càng nhận ra tác hại của thói quen này. Có lần, tôi bất chợt nghe thấy tiếng cười rởn da gà phát ra từ điện thoại, thì ra các con đang xem phải clip “đóng cửa phòng dọa ma trẻ”. Con tôi sợ hãi khóc thét, dỗ mãi mới chịu nín”, chị Trang than phiền. Cũng theo người mẹ này, khi trẻ em xem TikTok, phụ huynh cần quản lý chặt nội dung truy cập nếu không muốn chúng gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con em mình.

 Vết hằn trên cổ một bé gái 4 tuổi ở Philippines sau khi thực hiện thử thách “Blackout” Ảnh: YN

Đừng để mặc con “đi lạc”

Trả lời phỏng vấn của Văn Hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu rõ, việc xuất hiện nhiều clip kỳ quái, chết chóc trên TikTok đang là thực trạng đáng báo động hiện nay. “Ở Việt Nam, chúng ta có khoảng 20 triệu người sử dụng nền tảng này, tập trung dưới nhóm 30 tuổi, đặc biệt học sinh sử dụng rất nhiều. Đây cũng là lứa tuổi các em có xu hướng tò mò, thích tìm hiểu, khám phá, mong muốn được thể hiện cái tôi cá nhân trong khi bản thân lại chưa có sự chín chắn trong nhận thức và tâm lý. Do đó, thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em rất dễ bị cuốn vào những thông tin lạ, độc hại, thậm chí là chết chóc trên môi trường TikTok”. Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hiện nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nắm được giải pháp để nâng cao “sức đề kháng” cho trẻ em trước những clip độc hại. Hoạt động sinh hoạt ngoại khoá chưa thật sự được chú trọng để “kéo” trẻ ra khỏi sự chi phối tiêu cực từ mạng xã hội.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho học sinh, sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội. Gia đình, nhà trường đóng vai trò phối hợp để những hướng dẫn này được thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường xử phạt nghiêm các clip không phù hợp, lệch chuẩn, theo đúng tinh thần của Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP, 14/2022/NĐ-CP, điều đó cũng góp phần tạo áp lực lên các đối tượng tạo, đăng clip xấu, độc hại. Các biện pháp kỹ thuật cũng cần sớm được nghiên cứu, đưa ra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ loại “virus văn hóa bẩn” này.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Mai Anh, giáo viên trường The Dewey Schools (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cha mẹ và giáo viên trước hết phải là những người nhận thức đầy đủ nhất về tác hại của những clip xấu độc: “Đôi khi, ngay cả người lớn cũng bị hút vào các nội dung lạ. Trẻ nhỏ thường có tâm lý bắt chước hành vi của người lớn. Do đó, chúng ta phải làm gương cho con trẻ”. Cô Mai Anh nêu quan điểm, cả gia đình và nhà trường đều phải thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ con em mình khỏi những nội dung độc hại trên TikTok nói riêng và không gian mạng nói chung: “Ngay khi phát hiện, phụ huynh không nên nổi cáu, mắng mỏ trẻ hay cấm đoán cực đoan. Thực tế, việc cấm đoán đôi khi lại kích thích thêm sự tò mò, khiến trẻ tìm mọi cách để tiếp cận, lén xem. Thay vào đó, các phụ huynh hãy giải thích rõ cho con nội dung nào là không nên xem. Giáo viên cũng cần dành thời gian để giải thích cho học sinh về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Đồng thời, nếu phát hiện trẻ có biểu hiện lạ sau khi xem phải clip xấu, phụ huynh cần phối hợp với giáo viên để có biện pháp ổn định tâm lý con trẻ”.

Đặc biệt, cả PGS.TS Bùi Hoài Sơn cùng cô Nguyễn Mai Anh đều khẳng định, ngay khi cần thiết, cha mẹ có thể báo cho cơ quan chức năng (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111) để nhận được giải pháp xử lý mang tính giáo dục, khoa học, phù hợp với độ tuổi của các em. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top