Công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

VHO - Sáng nay 29.8 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đối với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XV, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 thống qua ngày 18.8.2022.

Công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng - Anh 1

Toàn cảnh cuộc họp báo

Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Việc ban hành Pháp lệnh  lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng và mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng. Đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ toạ phiên toà hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên toà xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ toạ phiên toà về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên toà xét xử vụ án hình sự thì bị phạt từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liên quan đến hoạt động tác nghiệp của phóng viên tại phiên toà, cụ thể là hành vi ghi âm, ghi hình  và cách thức xin phép để được ghi âm, ghi hình (xin phép Chủ toạ ngay tại phiên toà hay xin phép bằng văn bản trước khi diễn ra phiên toà), ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, theo Luật Báo chí, nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính về Nội quy phiên tòa đều quy định “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.

Ông Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý để bảo đảm quyền con người. Đó là quyền quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… “Ví dụ, một phiên toà dân sự xử ly hôn, mà các đương sự không đồng ý cho ghi âm, ghi hình của họ, thì không được ghi, vì nếu ghi, sẽ xâm phạm quyền cá nhân của họ”.

Về hình thức xin phép ghi âm, ghi hình khi tác nghiệp tại toà của phóng viên, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết, tới đây, TAND Tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2022.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc