Bình Định phát huy lợi thế du lịch biển đảo

VHO- Du lịch Bình Định đang trở lại mạnh mẽ và bứt phá nằm trong nhóm đầu của những địa phương hút khách du lịch của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Có được kết quả đấy là nhờ Bình Định đi đúng hướng, đặc biệt phát huy lợi thế về du lịch biển đảo trong những năm gần đây.

Bình Định phát huy lợi thế du lịch biển đảo - Anh 1

 Định phát huy lợi thế du lịch biển đảo để hút khách du lịch Ảnh: Dũng Nhân

Xây dựng trung tâm du lịch Quy Nhơn

Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Chương trình hành động số 06- CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025, có nhấn mạnh đến quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Quy Nhơn - điểm đến du lịch”. Và cuối tháng 4 vừa qua, một loạt sự kiện trong lễ hội du lịch biển Quy Nhơn 2022 được tổ chức, đấy là cơ hội để ngành Du lịch Bình Định xây dựng quảng bá hình ảnh, góp phần đưa du lịch Quy Nhơn đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, du lịch Quy Nhơn đã bứt phá mạnh mẽ, được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Việt Nam và là một trong ba thành phố du lịch của Việt Nam nhận giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 tổ chức ở Brunei; đồng thời liên tục được các chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới như Tạp chí du lịch Anh Rough Guides bình chọn là “điểm đến hàng đầu Đông Nam Á”.

Không những vậy, Quy Nhơn có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đa dạng, với các dịch vụ cao cấp và nhiều bãi biển tắm nổi tiếng như Kỳ Co, Hòn Khô, Bãi Xép… Toàn tỉnh Bình Định có 393 cơ sở lưu trú với tổng số phòng đạt 12.156 phòng, nhưng gần như các cơ sở lưu trú đều nằm ở TP Quy Nhơn. Chưa kể, tỉnh Bình Định cũng chú trọng hoàn thiện hạ tầng du lịch tại TP Quy Nhơn; các tuyến du lịch trọng điểm Quy Nhơn - Sông Cầu, Phương Mai - Núi Bà, Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh… Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch.

Bình Định phát huy lợi thế du lịch biển đảo - Anh 2

 Múa lân, sư, rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ I năm 2022 đang tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ cho thành phố biển Quy Nhơn

Phát huy lợi thế du lịch biển đảo

Trong bản đồ du lịch Việt Nam, du lịch Bình Định đang dần trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn; là một điểm đến đảm bảo môi trường du lịch với 3 tốt - an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt; 3 không - không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin. Để làm được điều đó, du lịch Bình Định lấy du lịch biển đảo làm trọng tâm và trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng; phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian khoa học tại TP. Quy Nhơn, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh Bình Định - Du lịch khám phá khoa học.

Hướng đi đúng và sự trở lại mạnh mẽ sau dịch Covid-19, ngành Du lịch Bình Định đã cho thấy sự thay đổi tích cực, hút khách du lịch với những con số “biết nói”. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định phấn khởi cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch Bình Định đón được hơn 3,2 triệu lượt khách, tăng 170,6% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó khách nội địa ước đạt trên 3,1 triệu khách, tăng 185 % so với cùng kỳ năm 2021), thuộc tốp đầu thu hút du khách trong 5 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; lũy kế doanh thu 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 10.162,82 tỉ đồng, tăng 530% so với cùng kỳ năm 2021. Du lịch Bình Định được Tổng cục Du lịch, các cơ quan truyền thông đánh giá là một trong những địa phương có sự phục hồi nhanh trong quá trình mở cửa hoạt động du lịch trở lại.

Theo ông Thanh, trong định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực phía Bắc tỉnh, xác định thị xã Hoài Nhơn sẽ lấy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển làm mũi nhọn để phát triển du lịch và du lịch văn hóa – lịch sử, trải nghiệm làng nghề làm nền tảng cơ sở để phát triển theo thời gian; du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, ẩm thực, thể thao trên biển là sản phẩm bổ sung. “Còn huyện Phù Mỹ sẽ lấy du lịch sinh thái ven biển, đầm, du lịch cộng đồng làm mũi nhọn để phát triển và du lịch văn hóa làm nền tảng cơ sở để phát triển bổ sung theo thời gian; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch nông nghiệp, ẩm thực là sản phẩm bổ sung. Trong khi đó, huyện Hoài Ân sẽ lấy du lịch nông nghiệp làm mũi nhọn để phát triển và du lịch văn hóa - lịch sử làm nền tảng cơ sở để phát triển bổ sung theo thời gian. Du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm là sản phẩm bổ sung. Ngoài ra, huyện An Lão sẽ lấy du lịch sinh thái núi rừng, du lịch cộng đồng làm mũi nhọn để phát triển và du lịch văn hóa - lịch sử làm nền tảng cơ sở để phát triển bổ sung theo thời gian; du lịch mạo hiểm, ẩm thực là sản phẩm bổ sung”, ông Thanh thông tin thêm. 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc