Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Trước thềm năm học mới 2022-2023:Vẫn ngổn ngang trăm mối

Thứ Sáu 02/09/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- Năm học 2022-2023 là năm thứ ba chúng ta thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Đáng quan tâm nhất là tình trạng thiếu giáo viên…

Hơn 97% học sinh tiểu học TP.HCM được học các môn ngoại ngữ

Thiếu giáo viên cho các môn học mới

Theo Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2021-2025, để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới, cả nước còn thiếu 110.000 giáo viên các cấp. Chỉ tính riêng năm học sắp tới, con số này vẫn gồm nhiều số 0… Nhưng căng thẳng nhất vẫn là thiếu giáo viên dạy các môn học theo yêu cầu của chương trình mới.

Ở bậc tiểu học, học sinh từ lớp 3 trở lên sẽ bắt buộc phải học tiếng Anh và Tin học (trước kia đây là các môn tự chọn tùy theo điều kiện và nhu cầu học sinh); cần 13.000 giáo viên tiếng Anh và Tin học để có thể đảm nhiệm các môn học này khi nó được triển khai đại trà cho 100% học sinh. Hiện cả nước có 27.3338 giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, để đủ giáo viên tiếng Anh triển khai chương trình mới ở lớp 3, 4, 5, cần bổ sung thêm 9.589 giáo viên; riêng trong năm học tới cần thêm 5.322 và hai năm tiếp theo cần thêm 2.207 và 2062 giáo viên. Với môn Tin học, cả nước hiện có 11.026 giáo viên, khi triển khai chương trình mới cần thêm 3.684 giáo viên nữa (để đủ mỗi trường có tối thiểu 1 giáo viên). Chưa kể hiện tại mới chỉ có trên 72% giáo viên biên chế, còn lại là hợp đồng và có 30% trong tổng số giáo viên Tin học chưa đạt chuẩn, cần phải bồi dưỡng thêm.

Theo ghi nhận, hiện nhiều địa phương đang “khủng hoảng thiếu” giáo viên tiểu học dạy 2 môn này. Ví dụ, Yên Bái cần thêm 550 giáo viên tiếng Anh và Tin học; Hà Giang cần khoảng 300 giáo viên cho môn tiếng Anh; cá biệt có những trường không thể triển khai được vì không có giáo viên.

Ở bậc trung học, cả nước hiện có 430.000 giáo viên, để triển khai chương trình mới, cấp THCS còn thiếu 14.653 giáo viên, cấp THPT thiếu 11.133 giáo viên. Ở cấp học này, môn Nghệ thuật (gồm phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) là hoàn toàn mới so với chương trình cũ. Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ học chương trình mới, tuy nhiên hầu hết các trường THPT hiện nay không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc nên môn học này cũng không triển khai được. Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, cả nước cần bổ sung 5.367 giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc để đạt mức tối thiểu mỗi trường có 1 người. Đây là môn học đặc thù, nguồn tuyển khan hiếm nên việc bổ sung sẽ không dễ đạt được.

Hiện các địa phương đang áp dụng giải pháp tình thế như điều giáo viên dôi dư ở bậc trung học xuống dạy tiểu học; bố trí dạy liên trường, cụ thể, giáo viên của các môn học mới như tiếng Anh, Tin học (tiểu học), Nghệ thuật (THPT) dù biên chế ở một trường nhưng phải thực hiện nhiệm vụ dạy ở nhiều trường khác nhau. Các tỉnh miền núi đã tính toán đến việc dạy trực tuyến đối với các môn thiếu giáo viên. Việc này nếu triển khai được thì có thể huy động giáo viên ở các vùng thuận lợi hỗ trợ cho những nơi khó khăn. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn là giao thêm biên chế, cải tiến quy định tuyển dụng và có kế hoạch đào tạo giáo viên, trong đó ưu tiên phương thức đào tạo theo “đơn đặt hàng” của các tỉnh, thành phố.

Sách giáo khoa và khó khăn của học sinh nghèo

Sách giáo khoa của chương trình Giáo dục phổ thông mới có giá cao gấp 3-4 lần so với sách giáo khoa của chương trình cũ. Đây là khó khăn đối với đa số học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi và một bộ phận học sinh nghèo ở thành thị.

Về việc này, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thực hiện việc trích ngân sách mua sách bổ sung vào thư viện trường để học sinh sử dụng chung. Trong nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT cũng đã đặt ra kế hoạch, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, nhiều địa phương học sinh đã tựu trường mà thủ tục để thực hiện vẫn còn vướng mắc. Bộ GD&ĐT phải làm việc với Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính để thống nhất có tờ trình lên Chính phủ phê duyệt xong mới có thể tiến hành…

Tại Hội nghị triển khai năm học mới, đại diện một số tỉnh cho rằng, không nên đầu tư ngân sách để mua sách một cách dàn trải mà chỉ nên mua sách đưa vào thư viện cho học sinh trong diện khó khăn mượn sử dụng. Vì với những gia đình có điều kiện kinh tế ở mức trung bình, sẽ là không khó khi mua một bộ sách giáo khoa cho con. Ngân sách Nhà nước cần đầu tư đúng chỗ và hiệu quả, tránh lãng phí.

Để khắc phục khó khăn thiếu sách trong năm học tới, nhiều địa phương cũng có những giải pháp như quyên góp sách cũ (sách lớp 1, 2, 6 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018) và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp hỗ trợ mua sách mới ủng hộ các khu vực khó khăn.

Học phí: Nhà trường và phụ huynh cùng lo lắng

Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương đã dự kiến lộ trình tăng học phí các cấp học mầm non, phổ thông theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tuy nhiên đã vấp phải phản ứng gay gắt của xã hội. Đầu tháng 7.2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất với Chính phủ miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 với toàn bộ các cấp học khác để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện. Vì thế, các địa phương phải dừng việc chủ trương thực hiện học phí mới để chờ hướng dẫn. Phụ huynh thì phập phồng lo lắng, còn các trường thì tiếp tục than thiếu nguồn chi nếu học phí không tăng nhưng chi phí thực tế thì vẫn “phi mã”. Việc thực hiện miễn học phí cần phải tính toán cân đối để có thể bù kinh phí cho các nhà trường hoạt động. Việc này được quy định thế nào, cũng cần phải rõ ràng và kịp thời khi năm học cận kề. 

Theo khung thời gian năm học được Bộ GD&ĐT ban hành, ngày tựu trường sớm nhất là 29.8; riêng lớp 1, tựu trường sớm nhất vào ngày 22.8 để trẻ có 2 tuần đệm chuẩn bị tâm thế bước vào học chính thức. Các trường học trên cả nước sẽ khai giảng vào ngày 5.9.

 

Theo tài liệu báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 do Sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện, toàn thành phố có 7 quận, huyện đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh tiểu học được học tiếng Anh và ngoại ngữ khác. Cụ thể, đó là các quận 4, 7, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Nhà Bè. Bên cạnh đó, có 12 địa phương đạt tỷ lệ hơn 95% học sinh tiểu học được học tiếng Anh và ngoại ngữ khác.

Toàn thành phố chỉ còn 3 quận gồm quận 10, Tân Bình và Bình Tân có tỷ lệ học sinh tiểu học được học tiếng Anh dưới 95%. Nhìn chung, tỷ lệ học sinh tiểu học được tiếp cận các chương trình giảng dạy ngoại ngữ toàn thành phố đạt 97,2%. Trước đó, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thấy, điểm thi trung bình môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) của học sinh TP.HCM cao nhất cả nước.

Riêng đối với bộ môn Tin học, thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong năm học 2021-2022, có 81 trường THPT và trường có cấp bằng tốt nghiệp THPT xây dựng kế hoạch dạy học Tin học theo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã tổ chức cho các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học Tin học theo chuẩn quốc tế. Trong đó, số lượng học sinh theo học cao nhất ở khối 11 với 15.483 học sinh, kế đến là khối 10 với 13.043 học sinh và thấp nhất là khối 12 với 1.969 học sinh. Đến cuối năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2.305 học sinh tiểu học, 3.747 học sinh THCS và 11.277 học sinh THPT có chứng chỉ Tin học quốc tế.

Trong năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT TP.HCM tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020-2030”. Song song đó, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (ngày 30.6.2020) của Chính phủ, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đặc biệt, trong năm học tới, thành phố sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ và Tin học để quyết tâm triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. H.H

 

 KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top