Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Xòe Thái, dấu son trong nền văn hóa nhân loại

Thứ Sáu 02/09/2022 | 09:30 GMT+7

VHO- Cộng đồng người Thái xuất hiện ở Việt Nam từ trên dưới nghìn năm nay, tụ cư chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, lan về phía Tây - Nam, xuống các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và tỏa vào một số địa bàn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí sang đến vùng đất Thái Lan…

 Trải qua hơn mười thế kỷ làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Đại Việt và Việt Nam sau này, cộng đồng người Thái đã sớm gắn bó vận mệnh của mình với các cộng đồng dân tộc anh em, gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Trên tiến trình lịch sử sinh tồn và phát triển, cộng đồng người Thái đã bảo tồn, sáng tạo và phát huy được một nguồn di sản văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng và độc đáo, trong đó nghệ thuật xòe nổi lên như bản sắc hấp dẫn, sinh động và đặc sắc nhất của dân tộc mình. Chính vì thế, đã từ hàng chục năm qua, múa dân gian Thái, nghệ thuật xòe Thái trở thành đối tượng quan tâm ghi chép, sưu tầm của nhiều thế hệ nghệ nhân người Thái, những chủ nhân thực hành của chính di sản nghệ thuật xòe Thái.

Bắt nguồn và gắn kết với tín ngưỡng

Lần theo quá trình thiên di và chinh phạt vùng đất mới của người Thái từ thượng nguồn sông Hồng và sông Mekong giáp Tây Tạng về phía Tây Bắc, men theo các triền sông tràn xuống phương Nam, một số bộ phận định cư ở vùng Tây Bắc Việt Nam, họ đã mang theo những câu chuyện thần thoại, chuyện cổ tích, những bài dân ca, những bản nhạc dân gian, những họa tiết hoa văn đẹp, độc đáo, thêu trên chăn gối, trên quần áo, khăn Piêu và đặc biệt là những điệu xòe sơ khai từ thời tiền nhân truyền lại để làm hành trang văn hóa cho mình và con cháu mình.

Trước khi đến Việt Nam với những tư thế, động tác trong chinh chiến, người Thái đã sáng tạo ra các điệu múa tương tự, hoặc mô phỏng các hoạt động trong công cuộc lao động săn bắt, hái lượm hay những biện pháp chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú để vừa phải tự vệ vừa kiếm sống,… Chính từ những điệu vỗ tay quanh đống lửa, những tiếng hú vang động núi rừng mỗi khi có niềm vui hoặc hiểm nguy hay những lúc cần tăng sinh khí cho con người mà người Thái đã sáng tạo ra những nhịp xòe, những động tác nhảy múa kèm theo các dụng cụ lao động và sinh hoạt cá nhân như nón, gậy, khăn, quạt, đàn tính… Theo nhà dân tộc học Cầm Trọng, “đến thời kỳ xây dựng bản mường thì điệu múa “xé lảng, xé pén” đã biến thành một thứ múa nghi thức trong các lễ như xên mường, xên cha, hoặc trong những đám ma của các thủ lĩnh đất mường”. Và, “trong lao động, một loạt điệu dân vũ Thái đã xuất hiện. Những điệu múa khăn, múa nón, đơn giản, điệu múa chai, múa hái rau… ra đời”.

Cùng với những hình thức sinh hoạt nhảy múa thời kỳ sơ khai tìm đất mới để an cư lập nghiệp ấy, xét về cội nguồn, Xòe Thái còn là sự bắt nguồn và gắn kết với sinh hoạt tín ngưỡng. Xòe là nơi góp phần thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ và về nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ của các thày cúng và người tham gia thực hành chính là các con bệnh hoặc những người có niềm tin vào thần linh. Các điệu Xòe nghi lễ cúng Then là biểu hiện tập trung nhất của các hình thức múa (Lễ hội Kin pang Then), với các dạng múa, xòe dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía về, múa dâng lễ cám ơn các thiên binh đã cứu mệnh cho người ốm. Đi kèm theo các điệu múa xòe là những lời hát chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh và ẩn chứa quan niệm của con người về vũ trụ, con người…

Từ khi được giải phóng (1954) đến nay, sinh hoạt Xòe được thực hành tại hầu hết các buổi sinh hoạt cộng đồng bản làng, những ngày lễ tiết trong năm. Các bậc cao niên từ lứa tuổi 70 trở lên đều thống nhất nhận định: Từ những năm kháng chiến phục vụ chiến dịch Điện Biên cho đến những năm đầu hòa bình lập lại, chưa bao giờ Xòe lại trở thành nhịp cầu gắn kết sinh hoạt văn hóa giữa quân đội với dân bản chặt chẽ đến vậy. Khác hẳn với chế độ trước đây, bước vào chế độ xã hội mới, quần chúng nhân dân cùng xòe với các nhà lãnh đạo, cán bộ mời dân xòe, bộ đội xòe với dân bản, tình đoàn kết, cố kết cộng đồng càng rõ nét và thắm thiết hơn bao giờ hết, không phân biệt người trên người dưới. Dù đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, người Thái vẫn truyền giữ được nét đẹp của các điệu xòe và khi gặp cách mạng, tình quân dân càng làm cho không khí mỗi cuộc xòe thêm sôi động…

Luôn đồng hành với cộng đồng dân tộc

Xòe hay xe có nghĩa là nhảy múa trong ngôn ngữ Thái, hình thành từ múa mô phỏng chiến tích trong hoạt động sinh kế hoặc múa tín ngưỡng trong nghi lễ, cách điệu những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất… Xòe có ba loại chính là Xòe tín ngưỡng, Xòe giải trí và Xòe biểu diễn, chung quy thực hành chỉ có một điệu là Xòe vòng. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của đời sống cộng đồng, các trí thức của các mường đã góp phần sáng tạo thêm các điệu xòe biểu hiện nội tâm phong phú của con người, một số điệu Xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai, Xòe tính tẩu. Xòe vòng phổ cập trong các sự kiện văn hoá quan trọng của cộng đồng và gia đình với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu Xòe có các động tác cơ bản là: Vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. Với Xòe ở Mường So (Phong Thổ - Lai Châu), động tác múa được thể hiện bằng cách nhún năm đầu ngón chân, tay vung cao, các bước chuyển lướt nhanh hơn, tạo ra sự thăng hoa cho người thực hiện…

Sinh hoạt Xòe ở tất cả các thôn bản người Thái (như đã nêu ở trên), không phân biệt lứa tuổi, giới tính, thành phần nghề nghiệp, chính trị, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay niềm tin tôn giáo. Bên cạnh những điệu Xòe dành cho những “con hoa” của thầy cúng, hay những điệu Xòe khó dành cho các nghệ nhân có kinh nghiệm, Xòe vòng là xòe tập thể, dành cho tất cả mọi người. Bằng cách thu hút mọi người cùng tham gia, Xòe thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên của cộng đồng người Thái và ngoài cộng đồng. Chính vì thế, nghệ thuật Xòe Thái là phương tiện giao tiếp để kết nối các cộng đồng xích lại gần nhau và đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt.

Theo số liệu khảo sát tại các địa bàn được kiểm kê di sản, có tới 97% cho rằng nghệ thuật xòe Thái giúp tạo không gian vui chơi giải trí cho người dân cộng đồng cũng như việc mở rộng quan hệ với các cộng đồng thôn bản trong vùng. 75,8% cho rằng nghệ thuật xòe có giá trị tạo quan hệ đoàn kết, giao lưu cộng đồng trong thôn/bản. 57,6% cho rằng nghệ thuật xòe giúp đáp ứng cho nhu cầu thực hành tín ngưỡng, phong tục của người dân và 55,6% cho rằng nghệ thuật xòe thể hiện tín ngưỡng dân gian của địa phương. Kết quả này cho thấy nghệ thuật xòe ngày càng hướng tới các giá trị giải trí, tăng sự phong phú trong đời sống tinh thần cho người dân các cộng đồng người Thái ở các địa bàn cư trú và sinh sống làm ăn.

Trải qua tiến trình hơn chục thế kỷ cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh cùng các dân tộc khác trong cộng đồng quốc qua đa dân tộc Việt Nam, nghệ thuật Xòe Thái đã luôn đồng hành với đời sống cộng đồng dân tộc, trở thành dấu son trong nền văn hóa Thái. Với những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật có sức sống hàng nghìn năm đó, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO xét duyệt, ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xòe Thái từ đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái mà đã và đang trở thành niềm tự hào chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, hôm nay và mai sau! 

GS.TS BÙI QUANG THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top