Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Một học trò của​​​​​​​ bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Thứ Sáu 02/09/2022 | 09:00 GMT+7

VHO- “11.7.1968, một đêm dài nói chuyện với Luân, một học sinh trong lớp Bổ túc y tá… Hãy nuôi mãi niềm hy vọng của tuổi trẻ…”, đó là một đoạn trích từ cuốn nhật ký của Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Vậy phải chăng bác sĩ Đặng Thùy Trâm lúc đó kiêm luôn nhiệm vụ của một nhà giáo?

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh tư liệu)

Bà Võ Thị Thu Thủy ở xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) xác nhận, bà chính là học trò trong lớp Bổ túc y tá ngày ấy.

“Cán gáo” rà trên lớp

Tiếng máy bay gầm rú suốt ngày đêm. Ánh đèn pha loang loáng quét qua quét lại để kiểm tra hệ thống cảnh báo dọc hàng rào dây thép gai. Các loại máy bay của Mỹ liên tục hạ cánh xuống đường băng sân bay Gò Hội (Đức Phổ, Quảng Ngãi) để tham gia vào chiến dịch trực thăng vận, bao gồm máy bay vận tải C130, C47, CH47; máy bay chiến đấu và trinh sát UH- 1, OV-1, OH-6 Cayuse… Trạm xá Bác Mười (mật danh trạm) đặt ở trong một cánh rừng nằm ngay sát nách sân bay này.

Từ đỉnh núi Dàng đặt lô cốt cảnh giới cho sân bay, đám lính ngày nào cũng quan sát về phía dãy núi ngay trước mặt, nơi có những đám mây như bông xốp treo lơ lửng trên cánh rừng, nhưng không hề biết rằng, dưới những tán cây um tùm đó có một người con gái đất Bắc đang hằng ngày đứng lớp để dạy cho các y tá địa phương, trong số đó có bà Võ Thị Thu Thủy. “Cô Trâm nói giọng ngọt ngào, dễ thương và cô đẹp từ hình thức bên ngoài cho đến tính cách”, bà Thủy kể. Là một trong những học trò được ở bên bác sĩ Đặng Thùy Trâm hơn một năm, từ năm 1967-1968, bà Thủy được cấp trên cử lên Trạm xá Bác Mười để học kiến thức y khoa, tham gia cứu chữa thương binh. Ngày lên đường, bà được du kích dẫn vượt qua vùng nguy hiểm, qua đập Liệt Sơn rồi tiến sâu vào trong núi. Lớp học là một ngôi nhà lợp lá, ngụy trang kỹ nằm ẩn sâu trong cánh rừng.

Thỉnh thoảng máy bay Mỹ từ sân bay Gò Hội lại rà qua cánh rừng. Đám máy bay trinh sát OV-1 rè rè suốt ngày, nếu thấy khả nghi thì gọi HU-1 đổ quân. Các học viên phải luôn trong tư thế học - tham gia mổ - chạy tránh càn. Ngoài việc truyền đạt cho học viên kiến thức y học như mổ, xử lý vết thương, chống nhiễm trùng, gắp mảnh đạn…, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn dạy họ thêm về kiến thức Đông y để sử dụng thuốc cây nhà lá vườn như dây ký ninh chữa sốt rét, kim ngân, kinh giới sao vàng, khử thổ để chữa mẩn ngứa, phong, cảm cúm… trong bối cảnh thiếu thuốc Tây và dụng cụ y tế. Học viên lên trạm xá chưa được bao lâu thì đã gặp vài trận càn. Máy bay OV-1 lượn trên bầu trời để chụp ảnh, do thám đã báo hiệu trước về việc cánh rừng tại Bệnh xá Bác Mười sẽ bị trực thăng đổ quân bằng UH-1, cùng với chiếc máy bay đáng sợ là UH6 Cayuse, du kích hay gọi là máy bay “cán gáo”. Loại máy bay này có thể đang bay là là thì bốc cao lên, hoặc bay rất thấp, luồn qua khe núi, bất thần xuất hiện ở một mỏm rừng.

Cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có viết: “31.5.1968, một cuộc chạy càn quy mô nơi căn cứ, toàn bệnh xá di chuyển, vất vả vô cùng. Lòng mình nao nao thương xót khi nhìn thấy thương binh mồ hôi lấm tấm trên gương mặt còn xanh mướt, ráng sức bước từng bước một qua hết đèo, lại dốc”... Qua những dòng chữ này, bác sĩ Đặng Thùy Trâm chỉ mô tả về việc di chuyển thương binh chứ không đặc tả về những chiếc máy bay hạ xuống rìa núi; lính Mỹ biến mất đâu đó trong cánh rừng để tìm dấu vết Việt cộng. Bà Thủy thì nhớ lại, “lúc máy bay bắt đầu ném bom thì chị em trong lớp chạy, cô Trâm hô mọi người chạy lên trên dông, nhưng cũng có người chạy ngược xuống, rồi có người hy sinh”.

 Bà Võ Thị Thu Thủy bên di ảnh của chồng. Khi chồng còn sống, bà đã điều trị cho chồng bằng những dụng cụ y tế được bác sĩ Đặng Thùy Trâm tặng trước khi bà xuống núi Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Tra tấn không khai

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh ngày 22.6.1970. Trước đó, Bệnh xá Bác Mười và nhiều cơ sở cách mạng nhận báo động, tổ chức sẵn sàng di chuyển, chống càn, đưa thương binh rời vị trí cứu chữa vì có một học viên từng có mặt trong lớp Bổ túc y tá bị địch bắt, khai thác để tìm ra nơi đặt Bệnh xá. Đó chính là bà Võ Thị Thu Thủy, người đã từng ở tại Bệnh xá Bác Mười khá lâu, hiểu rõ mọi đường đi lối lại. Bà Thủy xuống núi về địa phương công tác vào gần cuối năm 1968 thì bị địch bắt. Tên chỉ điểm khẳng định: “Học trò của Đặng Thùy Trâm đây, đánh cho nó phải khai”.

Chúng tôi gặp bà Thủy vào giữa năm 2021, khi ký ức cũ đi qua đã hơn 50 năm. Ngôi nhà của bà ở tại xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ. Bà thắp nén hương cho người chồng là ông Đoàn Tòng vừa mới qua đời. Trước năm 1975, ông Tòng là một người nổi tiếng, đã từng đi khắp các mặt trận, từ Bệnh xá Bác Mười đến những trận đánh lớn ở khu đông Bình Sơn, Vạn Tường. Vì từng là những người tham gia trong chiến tranh, nên câu chuyện hằng ngày của ông bà đều là ký ức thời lửa đạn. Những ngày cuối đời, bà thường mang bộ kéo, panh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ra để điều trị bệnh cho ông. Âm thanh lạch cạch trên chiếc khay inox càng làm bà nhớ quay quắt về những năm tháng gian khổ ở trong rừng.

Nhưng rồi, giữa hồi ức nhớ rừng, nhớ Đặng Thùy Trâm thì những âm thanh và hình ảnh kinh hãi vẫn len sâu vào tâm trí bà. “Hơn 50 năm rồi nhưng bây giờ tôi vẫn chiêm bao bị địch tra tấn, tay chân vẫn cứ giật giật. Tôi nhớ bị chúng nó đánh đập rất tàn bạo, vừa đánh vừa tra hỏi Đặng Thùy Trâm đâu? Bệnh xá của tụi bay ở chỗ nào?”, bà Thủy kể. Thời còn học lớp Bổ túc y tá, cô Đặng Thùy Trâm dạy cho học viên về chuyên môn ngành y, hằng ngày chỉ thêm cho các em kinh nghiệm chạy khi máy bay trực thăng treo lơ lửng trên trạm xá, rồi chiếc “cán gáo” luồn theo khe núi vào tận khu vực gần điểm đóng lều trại. Cô Trâm dạy một thời gian ngắn, nhưng ý thức cách mạng và vì tình cảm thương mến dành cho cô nên bà Thủy cương quyết không khai, cắn răng chịu đựng những ngón đòn tra tấn tàn khốc. Bà còn nhớ, cứ một tên lính vừa dí điện vừa tra khảo hỏi bác sĩ Đặng Thùy Trâm, còn một tên thì ngọt ngào: “Khai mau đi em, nếu không thì hết đường sống”…

Trong nhật ký, bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết: “20.7.1968… Và với những học sinh, mình đã đem lại những điều quý giá trong y học. Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà bằng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu bao thiệt thòi, đau khổ… Thương biết mấy những Thuận, Liên, Luận, Xuân, Nghĩa… Liên vừa học vừa lo làm những việc trong trạm xá. Liên lặn lội từ sáng đến tối như một con chim nhanh nhẹn vui cười, đi đầu trong mọi gian khổ…”. 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top