Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Điền kinh: Sau đỉnh cao là nỗi lo

Thứ Tư 07/09/2022 | 10:59 GMT+7

VHO- Điền kinh Việt Nam dẫn đầu khu vực 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Đặc biệt, gần đây nhất tại SEA Games 31, Điền kinh giành tới 22 HCV, khép lại một kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử.

 Sau thành công của SEA Games 31, Điền kinh Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn cho các đấu trường lớn Ảnh: TRẦN HUẤN

Nhưng từ thành tích rực rỡ đó lại cho thấy khá nhiều mối lo, nhất là khi lực lượng vận động viên chủ chốt đã không còn ở đỉnh cao phong độ.

Thông số thành tích chưa khả quan

Những gương mặt chói sáng của Điền kinh Việt Nam trong những năm qua có thể kể đến là Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thị Thu Thảo… Đây đều là những gương mặt chủ lực trong cuộc chiến giành HCV của Điền kinh Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Đặc biệt Bùi Thị Thu Thảo từng giành HCV nhảy xa tại Asian Games 2018 và Quách Thị Lan cũng sẽ được đôn lên giành HCV Asian Games 18 nếu Tổ chức phòng chống doping thế giới đưa ra thông báo chính thức về việc VĐV giành HCV bị dương tính với chất cấm. Thế nhưng sau thời gian cống hiến miệt mài, Bùi Thị Thu Thảo giờ đã xây dựng gia đình, mới quay trở lại tập luyện và chưa thể đoạt HCV SEA Games 31.

HLV Nguyễn Mạnh Hiếu, người đã đồng hành cùng thành công của Bùi Thị Thu Thảo cho biết, hiện tại Thảo vẫn đang tích cực tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Thảo đang dần hồi phục chấn thương sụn chêm đầu gối và vẫn còn rất đam mê, quyết tâm tập luyện thi đấu. Thế nhưng gánh nặng về tuổi tác là khó tránh khỏi. Muốn trở lại đỉnh cao thì người mẹ 30 tuổi này sẽ phải tập luyện gấp nhiều lần các đàn em.

Một ngôi sao khác của đội tuyển Điền kinh Việt Nam là Quách Thị Lan cũng vừa cho thấy phong độ không như mong muốn tại Giải vô địch Điền kinh thế giới 2022. Tham gia thi đấu ở nội dung 400m rào, cô chỉ xếp thứ 6/7 VĐV ở lượt chạy thứ 3 của vòng loại. Thành tích của Lan cũng gây nhiều tiếc nuối khi cô chỉ về đích với thời gian 58 giây 84 trong khi tất cả các VĐV cùng lượt với cô đều về đích với thời gian dưới 56 giây. Trên bảng tổng sắp chung cuộc của Giải, Lan chỉ đứng hạng 35/36 VĐV hoàn thành phần thi. Điều đáng tiếc là trong quá khứ, Lan từng giành HCV Asian Games 2018 với thành tích 55 giây 30.

Chuyên gia Dương Đức Thủy đánh giá, thông số thành tích 58 giây 84 của Quách Thị Lan cho thấy cô đang suy giảm về thể lực và phong độ. Về kỹ thuật cũng không được cải thiện. Vì thế dù có lợi thế là chiều cao tới gần 1m75 và sải chân dài lý tưởng, nhưng thành tích của Lan chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Ông Thủy cũng phân tích Lan có điểm yếu là tâm lý thi đấu nên cần phải cải thiện, nhất là khi thi đấu tại đấu trường quốc tế. “Năm nay Lan cũng 27 tuổi nên nếu chúng ta đặt gánh nặng đoạt chuẩn Olympic lên vai Lan thì cũng rất áp lực cho VĐV này. Tuy nhiên, cho tới giờ tôi vẫn chưa thấy ai có khả năng thay thế Lan. Đó là bài toán buộc chúng ta phải giải”, ông Thủy nhấn mạnh.

Giải mối lo

Cũng theo vị chuyên gia từng là người thầy gắn với thành công của chân chạy tốc độ Vũ Thị Hương, dù vượt trội về số lượng HCV so với 2 kỳ Đại hội trước nhưng nhìn chung các thông số thành tích của các VĐV Điền kinh Việt Nam tại SEA Games này chưa cho thấy tín hiệu khả quan như tại SEA Games 2017 và 2019. Chúng ta chỉ phá được 2 kỷ lục tại SEA Games 31 và ngay cả trong kỷ lục của Nguyễn Thị Oanh, ở cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật, dù thời gian là 9 phút 52 giây 06, nhanh hơn kỷ lục cũ gần 8 giây (10 phút 00 giây 02) do chính cô lập nên tại SEA Games 30 trên đất Philippines cách đây 3 năm. Nhưng vẫn chưa lặp lại thành tích xuất sắc nhất của cô tại Asian Games 2018 với 9 phút 43 giây 83.

Hay như ở các cự ly trung bình, gần như Điền kinh Việt Nam độc chiếm HCV bắt đầu từ SEA Games 1999 với chiếc HCV của Phạm Đình Khánh Đoan và Phan Văn Hoá nhưng đến SEA Games 31 chúng ta lại để mất vàng ở nội dung 800m nam. Theo ông Thủy, điều lo lắng nhất lại không phải là đấu trường SEA Games mà là việc Điền kinh Việt Nam khó có thể giành được vé chính thức đến Olympic và giải vô địch thế giới. Khoảng cách giữa thành tích hiện tại của các VĐV Việt Nam nhìn chung còn quá xa so với 2 đấu trường lớn này. Nên nếu chúng ta không thay đổi thì khó lòng mơ đến các tấm vé dự Olympic bằng cửa chính.

“Theo tôi, trước hết chúng ta cần có những thay đổi về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn như Nhà nước đã có quy định về tiền thưởng cho các tấm huy chương tại SEA Games, thì cũng nên có quy định về tiền thưởng với những vận động viên nỗ lực phấn đấu đoạt vé dự Olympic hay Giải vô địch thế giới. Phải làm được như thế thì mới kích thích, tạo động lực cho các HLV nỗ lực mày mò tìm giáo án huấn luyện mới để các VĐV Việt Nam tiếp cận được với đấu trường danh giá nhất của thế giới. Chứ như tình trạng hiện nay thì hầu như các HLV đều mong muốn đoạt huy chương ở tầm khu vực chứ chưa đầu tư nhiều cho mục tiêu vươn ra thế giới. Chúng ta đã từng giành chuẩn dự Olympic nên nếu giờ quay lại việc phải đến Olympic bằng vé mời thì sẽ là bước tụt lùi không muốn có”, ông Thủy phân tích.

Để giải mối lo cho Điền kinh Việt Nam, theo ông Thủy, chúng ta phải tính toán lại hệ thống đào tạo từ trung ương tới địa phương, để có được lực lượng kế thừa hùng hậu. Như hiện nay mỗi địa phương làm một kiểu, không theo mô hình thống nhất sẽ khó đồng bộ trong đào tạo. Hệ thống các giải đấu cũng phải nghiên cứu lại sao cho khoa học, hiện đại hơn, các HLV cần được tạo điều kiện nâng cao trình độ huấn luyện, nhất là với các khóa huấn luyện quốc tế. “Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mỗi HLV cũng phải có ý thức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình huấn luyện, thường xuyên cập nhật các phương pháp, kỹ thuật mới cũng như kịp thời phân tích thành tích của các đối thủ bằng các thông số chuyên môn cụ thể. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu huấn luyện để đưa Điền kinh Việt Nam phát triển lên tầm cao mới”, ông Dương Đức Thủy nhận định. 

 VÂN GIANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top