Nghị quyết của Đảng giúp dân van chài ở Thanh Hóa an cư: Khát vọng lên bờ

VHO- Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa về cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông, đến nay đã có 812 hộ gia đình sinh sống trên sông nước được cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo công ăn việc làm để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; và tới đây, sẽ có thêm hàng trăm hộ nghèo tiếp tục được hưởng lợi từ chủ trương này…

Nghị quyết của Đảng giúp dân van chài ở Thanh Hóa an cư: Khát vọng lên bờ - Anh 1

Nhiều hộ dân xóm vạn chài Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) đã được sinh sống trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố

 Đây được xem là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hợp lòng dân và góp phần chấm dứt kiếp nổi trôi mưu sinh chỉ chờ vào nguồn lợi thủy sản phập phù của bà con xóm vạn chài.

Khát vọng lên bờ của người dân sông nước

Giữa cơn mưa rào cuối tháng 8, chúng tôi ghé thăm xóm chài xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Con đường đất dẫn vào xóm nhỏ hẹp, lầy lội; trên bãi cát là dăm ba con thuyền xiêu vẹo đang neo đậu, cuộc sống của người dân nơi đây chưa bao giờ được một ngày yên bình vì quanh năm phải vật lộn với miếng cơm manh áo.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, 75 tuổi, người đã sống lênh đênh trên sông nước gần 50 năm tâm sự, hằng ngày, cả xóm chỉ biết dựa vào con tôm, con cá câu được dưới sông để đắp đổi qua bữa, tuy nhiên nước sông bị ô nhiễm, tôm cá ngày càng ít nên cái nghề “câu cơm” càng thêm khó khăn… Ngoài chài lưới, trước đây người dân xóm chài Vĩnh Hòa còn có nghề vận chuyển hàng hóa, nhưng nay đường bộ phát triển nên chẳng có ai thuê đi chở hàng bằng đường sông nữa. Cuộc sống cứ chồng chất khốn khó, cơ cực, con cái học hành dang dở... Trong khi đó, hiểm nguy thì luôn rình rập mỗi khi mùa mưa, bão về nhưng họ vẫn phải bám bờ vì chẳng biết đi đâu. “Lúc cán bộ địa phương đến thông tin rằng Đảng, Nhà nước có chính sách cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho dân, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi liền gọi điện ngay cho anh em họ hàng và các con để báo tin vui, không ngờ ước mơ lên bờ và có mảnh đất “cắm dùi” đang trở thành hiện thực đối với vợ chồng tôi. Hiện gia đình tôi đã hoàn thành tất cả các thủ tục để nộp cho chính quyền địa phương”, ông Hải phấn khởi nói.

Ông Hải cũng cho biết thêm, ông có tất thảy 6 người con, 2 người con gái đã lấy chồng xa; năm 2009, bốn người con trai của ông được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ xây nhà, giờ cuộc sống đã ổn định. “Các con tôi đều có đất, có nhà để ở. Tôi thật sự xúc động, không biết nói gì ngoài lời cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện để gia đình tôi thực hiện khát vọng bao năm nay”. Niềm vui của gia đình ông Hải cũng là cảm xúc chung của các hộ dân nghèo. Cả xóm chài xã Vĩnh Hòa có 17 hộ, từ 2009 đến nay đã có 14 hộ được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ xây nhà kiên cố; 3 hộ còn lại hiện đang được chính quyền thống kê để hoàn thành thủ tục thụ hưởng.

Trên cung đường quốc lộ 217, chúng tôi tiếp tục di chuyển về xóm chài thị trấn Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân), ở đây chúng tôi có dịp được trò chuyện với gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (58 tuổi) đã gắn bó với cuộc sống lênh đênh từ bé. Gia đình ông sinh được 2 cậu con trai và cũng đang lay lắt sống qua ngày từ nguồn lợi tự nhiên. Mấy gia đình quần tụ lại với nhau trên 3 chiếc thuyền.

Nói về cuộc sống mưu sinh vất vả, ông Thanh thở dài hiu hắt, đôi mắt đượm buồn nhìn ra xa xăm: “Hai vợ chồng tôi phải dậy từ tờ mờ sáng đi thu lưới thả trên sông. Thả 50 chiếc mà có khi vẫn phải về tay không. Hôm nào trời thương kiếm được mớ cá thì mang ra chợ bán lấy tiền mua rau, mua gạo. Quẩn quanh trong mấy chiếc thuyền nên các con tôi chẳng được học hành gì, đúng là thiệt thòi cho chúng nó quá, biết khi nào thoát ra được cảnh cơ hàn. Thôi đời mình coi như đã an bài, mong sao các con, các cháu có thể lật sang trang mới, ổn định hơn”.

Chị Nguyễn Thị Hiền cũng lớn lên trên dòng sông, lấy chồng rồi lại sống lay lắt trên sông. Mới hơn 20 tuổi mà mặt chị đã sạm đen, nhăn nhúm; vừa trông thằng cu lớn đang tuổi nghịch ngợm, chị vừa chăm đứa nhỏ mới sinh. Chỉ cần sơ xẩy một chút là ngã xuống dòng nước xiết, người lớn còn khó thoát huống chi trẻ nhỏ. “Nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào chồng đi đánh lưới trên sông và nuôi mấy con cá trắm lồng. Mấy năm nay, cá lồng nuôi chậm lớn hoặc chết giữa chừng không rõ lý do khiến chúng tôi nản lắm. Cũng may Nhà nước tạo điều kiện cho thằng cu lớn được đi học, biết cái chữ, mai mốt còn có thể học lấy cái nghề, thoát cảnh lênh đênh như bố mẹ cho đỡ khổ. Mấy hôm nay, thấy chính quyền địa phương thông báo sẽ thống kê đưa các hộ dân chài lên bờ, được hỗ trợ đất làm nhà khiến ai cũng mừng. Vui không ngủ được anh ạ, chẳng ngờ có ngày thoát được kiếp lắt lay, quay cuồng cùng con sóng”, chị Hiền nghẹn ngào.

Nghị quyết của Đảng giúp dân van chài ở Thanh Hóa an cư: Khát vọng lên bờ - Anh 2

Một góc xóm chài ven sông Bưởi (xã Vĩnh Hòa)

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 81 hộ đang sinh sống trên sông có nhu cầu và đề nghị cấp đất tại 6 xã, thị trấn. Mục tiêu phấn đấu trong 2 năm (2022-2023), huyện sẽ hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ đủ điều kiện. “Thọ Xuân có nhiều nhà máy may, da giày, sản xuất thủ công, đồ gia dụng… sau khi lên bờ ổn định, chính quyền địa phương sẽ tổ chức đào tạo nghề cho những người có nhu cầu. Các cháu trong độ tuổi đi học sẽ được miễn, giảm học phí. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ để các hộ dân sớm ổn định đời sống, có công ăn việc làm phù hợp”, ông Hải cho biết thêm.

Được biết, trong giai đoạn 2003-2020, huyện Thọ Xuân đã cấp đất làm nhà cho 131 hộ dân sinh sống trên sông, với tổng diện tích 18.317m2. Nhìn chung các hộ đều có cuộc sống ổn định và tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo số liệu của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến nay vẫn còn 324 hộ dân vạn chài cần được hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng nhà ở tại TP Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy; trong đó có 308 hộ là đồng bào Công giáo; 53 hộ đã được cấp đất nhưng chưa có điều kiện xây nhà; 271 hộ chưa có cả đất và nhà. Thanh Hóa phấn đấu trong 2 năm 2022-2023 sẽ hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng xong 324 nhà ở cho đồng bào lên bờ định cư.

Quyết tâm này được thể hiện rõ trong nội dung thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tại Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông. Theo đó, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian tới Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ khẩn trương tập trung triển khai, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất xây dựng khu tái định cư và giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; miễn, giảm tiền sử dụng đất ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông. Cấp ủy chính quyền địa phương cùng với các chức sắc, chức việc tuyền truyền vận động định hướng để người dân chuyển đổi nghề khi lên bờ và chăm lo việc học tập của con em mình, để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. 

 Mục tiêu phấn đấu trong 2 năm (2022-2023), Thọ Xuân sẽ hoàn thành việc giao đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ đủ điều kiện. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy may, da giày, sản xuất thủ công, đồ gia dụng… sau khi lên bờ ổn định, chính quyền địa phương sẽ tổ chức đào tạo nghề cho những người có nhu cầu. Các cháu trong độ tuổi đi học sẽ được miễn, giảm học phí. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ để các hộ dân sớm ổn định đời sống, có công ăn việc làm phù hợp.

(Ông NGUYỄN XUÂN HẢI, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân)

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc