Chương trình vinh danh di sản Xòe Thái sẽ tạo nhiều dấu ấn khác biệt

VHO - “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” là chủ đề của chương trình “Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc “Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022” - sẽ diễn ra tại Sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngày 24.9 tới. Tổng đạo diễn Lê Hải Yến “bật mí” những ý tưởng độc đáo mà chị và ê kip đã dành nhiều tâm huyết cho đêm vinh danh di sản.

Chương trình vinh danh di sản Xòe Thái sẽ tạo nhiều dấu ấn khác biệt - Anh 1

Sân khấu thực cảnh

. Từng thành công với sự kiện Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tại Nghĩa Lộ, Yên Bái vào năm 2019, chị có thể chia sẻ về “cơ duyên” trở lại với di sản Xòe Thái trong chương trình  “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản”?

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Chương trình “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản” do UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo thực hiện; Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái tổ chức và Newday Media thực hiện. Có thể nói đây là một chương trình làm sống lại trong tôi rất nhiều cảm xúc khi thực hiện chương trình năm 2019, với hơn 20.000 người tham dự. Màn Đại Xòe với 5.000 người tham gia trên sân vận động trong chương trình ngày đó đã gây ấn tượng mạnh, trở thành một trong những dấu ấn đáng nhớ trong hành trình ghi danh di sản thế giới của Xòe Thái. Bản thân tôi tâm niệm, phải dùng tất cả những gì đặc sắc nhất để tôn vinh nghệ thuật Xòe, để góp phần đưa Xòe đến với người dân, du khách Việt Nam và thế giới, để mọi người hiểu được những giá trị lớn lao của loại hình nghệ thuật này trong sự gắn kết cộng đồng, làm nên sự trường tồn của khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Thái nói riêng và người dân Tây Bắc nói chung.

Tôi hạnh phúc và may mắn khi có duyên được được trở lại với Xòe trong chương trình “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản”. Sự trở lại này với tâm thế rất khác, chúng tôi mang trên vai một sứ mệnh rất đáng tự hào nhưng cũng vô cùng nặng nề là vinh danh Xòe Thái khi nghệ thuật này đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với đồng bào dân tộc Thái, với Yên Bái nói riêng và với Việt Nam nói chung. Điều này khiến tôi gặp không ít áp lực để làm sao có thể xây dựng một chương trình xứng tầm với di sản đã được UNESCO vinh danh.

. Đêm vinh danh di sản sẽ được “thiết kế” ra sao để tạo nên sự khác biệt so với những chương trình từng có trước đây?

 Suốt 3 tháng liền, tôi chỉ có nghiên cứu, tìm kiếm chất liệu để tìm ra được một ý tưởng kịch bản với mong muốn tạo ra sự khác biệt lớn. Tôi nhận thấy, trong các chương trình tôn vinh xòe Thái trước đây, khán giả dường như vẫn chưa được hiểu sâu sắc về văn hóa của dân tộc Thái cũng như nguồn gốc của nghệ thuật Xòe Thái. Tôi muốn xây dựng một kịch bản để tất cả khán giả, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái khi xem sẽ thấy mình ở trong đó để tiếp thêm tự hào về dân tộc mình, du khách cũng sẽ thêm tự hào về một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

 Chúng tôi vẫn nói với nhau là phải đi đến tận cùng của những giá trị bản sắc để có thể đưa ra những ý tưởng khác biệt. Lần đầu tiên sẽ có một vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc diễn ra trên toàn bộ sân vận động, chứ không gói gọn trên một sân khấu nào cả. Đặc biệt, chương trình sẽ mời phần lớn diễn viên là những nghệ nhân, người dân dân tộc Thái để kể câu chuyện về cộng đồng của họ, về nghệ thuật xòe Thái- “tài sản” văn hóa vô giá của họ.

 Chương trình Lễ Đón nhận “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản” hứa hẹn một sự khác biệt, độc đáo, vừa khai thác được sức quyến rũ của nghệ thuật Xòe Thái, vừa tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái ở các vùng Tây Bắc, xứng tầm với sự kiện đón bằng ghi danh của UNESCO. Như một thiên sử thi bằng nghệ thuật, chương trình kể với công chúng về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống… của người Thái qua 3 chương:  “Thiên di - Dựng bản, lập mường”;  “Miền Di sản” và “Tinh hoa nghệ thuật Xòe”.

Chương trình vinh danh di sản Xòe Thái sẽ tạo nhiều dấu ấn khác biệt - Anh 2

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến

. Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh, thông điệp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ được chuyển tải trong chương trình như thế nào, thưa đạo diễn?                                                                      

Xòe sinh ra từ người Thái, sống cùng người Thái và lớn lên cùng người Thái. Với đồng bào Thái, trải qua bao biến thiên vẫn còn lại hàng vạn trang chữ Thái cổ và những điệu Xòe cổ chính là báu vật của dân tộc, cuốn hút bao du khách trong và ngoài nước.

Vì vậy, lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ là cơ hội để quảng bá giá trị di sản này tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để khán giả hiểu hơn về nguồn gốc, cội nguồn di sản, sự phong phú đa dạng và những nét đẹp tinh hoa của Xòe Thái. Sự kiện do Tỉnh Yên Bái phối hợp với các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên – 4 cộng đồng cùng có chung di sản này thực hiện.  Chính sự tham gia của cộng đồng sẽ cho thấy niềm tự hào cũng như quyết tâm giữ gìn, phát huy giá trị di sản trong đời sống hôm nay và mãi mãi về sau.

.  Vậy, những giá trị bản sắc truyền thống sẽ được tái hiện như thế nào để đảm bảo ý nghĩa tôn vinh và sự sống động, chân thực nhất?

Đó sẽ là một không gian rất thật về đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Rất nhiều đạo cụ sân khấu trong các màn tái hiện phong tục văn hoá của người Thái cũng đều được lấy từ các hiện vật trong các gia đình người Thái nhờ sự nghiên cứu và sưu tầm hết sức công phu, tỉ mỉ về văn hoá Thái của  êkip, kể cả bộ trang phục cô dâu chú rể cho màn tái hiện đám cưới người Thái cũng là thật chứ không phải trang phục biểu diễn.    

Có thể nói, chương trình “Xòe Thái- Tinh hoa miền di sản” là một vở đại vũ kịch, là một thiên sử thi hùng tráng, đặc sắc mang thể hiện được dấu ấn văn hoá mang tính cốt lõi, đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của người Thái. Người xem sẽ thấy được cả một sự chảy trôi của huyền tích, lịch sử, những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc lớp lớp xuất hiện qua từng thế hệ, được giữ gìn tiếp nối và phát triển mãi đến tận hôm nay.

Cũng với ý tưởng tôn vinh Xòe và lịch sử, nét đẹp văn hóa của người Thái, lấy cộng đồng làm chủ thể  nên chương trình chỉ có hai nghệ sĩ là Tùng Dương và Sao Mai Sèn Hoàng Mỹ Lam tham gia biểu diễn, còn lại các nghệ sĩ đều là những nghệ nhân dân gian.  Xin tiết lộ, chương trình có gần 3.000 diễn viên, trong đó, diễn viên quần chúng tham gia màn Đại Xòe lên tới 2022 bà con dân tộc Thái từ Nghĩa Lộ, Văn Chấn, cùng với 900 diễn viên chuyên và không chuyên cũng tham gia biểu diễn.

. Xin cảm ơn đạo diễn!

Sân khấu của chương trình gồm sân khấu chính và sân khấu trung tâm dưới sân vận động. Sân khấu chính với 3 cấp biểu diễn, lấy hình tượng chủ đạo là hình ảnh Quả Bầu Mẹ để nói về một hình tượng đặc trưng của Tây Bắc, cũng là một trong những hình tượng gắn với tích Quả Bầu Tiên và cội nguồn của các dân tộc Việt Nam. Vắt ngang là hình tượng chiếc khăn Piêu thổ cẩm uốn lượn trên sân khấu, nối xuống dưới sàn và chạy quanh sân vận động được làm từ hiệu ứng LED matrix để khi là một con đường, khi lại trở thành dòng suối.

Với mong muốn xây dựng một chương trình để mỗi người dân tộc Thái đều thấy mình trong đó, đạo diễn Lê Hải Yến và  êkip là nhạc sĩ Mạnh Tiến, Phạm Khánh Băng đảm nhiệm phần âm nhạc, tổng biên đạo múa-  NSƯT Thanh Hằng… đã tích luỹ kiến thức, sự tìm tòi, nghiên cứu từ trong chính dân gian, trong đời sống người Thái và người Tây Bắc từ nhiều năm nay.

BẢO NGÂN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc