Ưu tiên cho du lịch đúng như những gì nó cần phải có

vho- Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo việc triển khai thực hiện lập “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc Quy hoạch phải làm nổi bật cho được những lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực. Ông cho rằng, mặc dù chúng ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa khai thác tương xứng.

 Và đã được xác định và định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết 08, song trên thực tế, sự vào cuộc của các bên liên quan để du lịch phát triển chưa đúng như những gì đã chỉ ra trong Nghị quyết.

Để phát triển du lịch phải có lực lượng đủ sức, đủ lực, đủ điều kiện nghiên cứu, hoàn thiện công cụ pháp luật trong lĩnh vực du lịch và dành cho du lịch những ưu tiên đúng như những gì nó cần phải có. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn ra ví dụ, trong các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) lại không có du lịch. Ông đặt câu hỏi: “Lỗi ở đâu trong khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch rất tốn kém, 10 năm sau mới mang lại hiệu quả, chu kỳ dự án phải 30-50 năm. Khó khăn như vậy thì càng cần phải có chính sách khuyến khích nhưng lại không có”. Chính vì lẽ đó, Quy hoạch lần này cần phát hiện, chỉ rõ những “điểm nghẽn” của ngành Du lịch để Bộ kiến nghị với Nhà nước tháo gỡ, điều chỉnh luật cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cần định vị lại vị trí thương hiệu của du lịch Việt Nam trong cách tiếp cận và mối liên hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trước hết, cần hệ thống lại toàn bộ các sản phẩm du lịch của Việt Nam đã được xây dựng từ trước đến nay, chỉ rõ các sản phẩm chủ đạo, sản phẩm đơn lẻ, sản phẩm đã được định vị... Quy hoạch xác định bốn dòng sản phẩm chủ đạo trên cơ sở khai thác thế mạnh, tạo thành thương hiệu quốc gia (Du lịch biển, đảo; du lịch văn hoá; du lịch sinh thái; du lịch đô thị) thì những sản phẩm du lịch được rất nhiều tỉnh đang khai thác hiện nay như du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn… nằm ở đâu, thuộc dòng sản phẩm nào và khai thác ra sao cho hiệu quả? Cần phải có những đánh giá sâu sắc về thực trạng sử dụng tài nguyên văn hoá, tài nguyên tự nhiên của Việt Nam hiện nay trong phát triển du lịch. Trong giai đoạn tới, các sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá để tạo ra sự khác biệt trong du lịch ở mỗi vùng, miền và với các nước. Từ đó định hình thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta hiện nay vẫn còn rất rời rạc, “mạnh ai người ấy làm” và chưa ra tấm ra món. Trong khi đó, nếu có chính sách tốt, nếu biết cách, biết hợp tác chặt chẽ với nhau thì dù ít người, dù tiền chưa nhiều cũng có thể nâng cao được hiệu quả xúc tiến quảng bá, khẳng định thương hiệu của Việt Nam trên thế giới một cách rõ nét hơn. 

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc