Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru

VHO- Lực lượng chức năng cùng người dân ở tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, di tích, đưa tàu thuyền lên bờ, triển khai các biện pháp chủ động ứng phó trước khi bão Noru đổ bộ.

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 1

Ngư dân ở các vùng ven biển Quảng Nam đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão

Lo sợ với diễn biến phức tạp của bão Noru, từ sáng sớm hôm nay, ngày 25.9, người dân ở các địa phương trên địa bàn Quảng Nam hối hả, gấp rút chạy đua với thời gian để gia cố, chằng chống nhà cửa trước khi bão Noru có thể đổ bộ vào đất liền. 
Bà con địa phương đang "chạy đua" với thời gian để hoàn thành việc gia cố, chằng chống nhà cửa khi bão Noru đang di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp.
Tại các địa phương ven biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Cửa Đại, An Bàng (TP.Hội An),…người dân dùng bao cát chèn lên mái nhà.
Các chủ nhà hàng ở các vùng biển du lịch cũng chằng chống, gia cố những căn chòi lá đề phòng bị sóng gió lớn đánh phá dữ dội khi bão đổ bộ vào. 

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 2

Đưa cát vào bao chằng chống nhà cửa

Sáng ngày 25.9, UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp khẩn để phòng chống bão Noru. 
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP. Hội An chỉ đạo UBND các xã phường kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, phòng bão lớn đổ bộ, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn, bảo đảm lương thực thực phẩm cho bà con sơ tán.

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 3

Chằng chống nhà cửa khu vực ven biển phòng bão đổ bộ vào đất liền 

Đến sáng nay 25.9, bà con ngư dân đã đưa tất cả tàu thuyền về neo đậu tại các âu thuyền như Hồng Triều tại xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), âu thuyền tại xã Cẩm Nam;  rừng dừa nước Bảy Mẫu tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An). 
Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) cho biết đến sáng ngày 25.9, cán bộ, dân quân xã đã phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn giúp bà con chằng chống nhà cửa, giúp ngư dân đưa các loại ghe thuyền nhỏ lên bờ, hướng dẫn các loại tàu thuyền lớn trong âu thuyền to neo đậu.   
UBND TP.Hội An cũng chỉ đạo các ban ngành liên quan phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẩn trương rà soát các di tích, nhà cổ xuống cấp, để chằng chống. 

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 4

Các lực lượng chức năng triển khai chằng chống, bảo vệ Chùa Cầu vào sáng ngày 25.9

Từ chiều ngày 24.9, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với các lực lượng liên quan, các tổ quản lý di tích cắt cử lực lượng có mặt ở khu phố cổ để chằng chống, gia cố bảo vệ các di tích xuống cấp, triển khai các biện pháp bảo vệ di tích, các bảo tàng,….trước khi bão Noru có thể đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh miền Trung.
Trung tâm cũng tiến hành chằng chống, gia cố ở một số vị trí có dấu hiệu xuống cấp nặng ở di tích Chùa Cầu để bảo vệ, đảm bảo an toàn cho di tích trước mưa bão. 

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 5

Cắt tỉa cây xanh gần các di tích trong khu vực phố cổ Hội An sáng ngày 25.9

Công ty CP Công trình công cộng Hội An cũng đã tiến hành cắt tỉa cây xanh tại một số điểm di tích, trên các tuyến phố trong khu phố cố nhằm giảm nguy cơ gãy đổ, gây ảnh hưởng thiệt hại cho di tích, nhà cổ khi bão đổ bộ vào đất liền. 
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru có khả năng đổ bộ vào đất liền với sức gió giật trên cấp 17, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam cũng đã lên phương án di dời người dân và du khách đối với 02 tình huống là bão mạnh và siêu bão. Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ tổ chức di dời 182.280 người, trong đó di dời tại chỗ 57.753 người; sơ tán 124.700 người. Đối với tình huống là siêu bão, tổ chức di dời 401.901 người, trong đó di dời tại chỗ 111.470 người; sơ tán 290.585 người.

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 6

Tàu thuyền vào tránh bão tại các âu thuyền

Theo báo cáo, hiện nay, tất cả các mực nước tại các trạm thủy văn đều ở mức dưới báo động I. Các đơn vị quản lý các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đã chủ động có phương án phòng, tránh khi tình huống bão đổ bộ. Các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn tất thu hoạch vụ lúa Hè Thu, riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569 ha diện tích lúa nước và 3.501 ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. UBND tỉnh đã có chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. 

Quảng Nam: Khẩn trương lên phương án ứng phó với cơn bão Noru - Anh 7

Công nhân thi công tuyến kè Cửa Đại rốt ráo gia cố bảo vệ bờ biển trước giờ bão đổ bộ

Ngày 25.9, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống thiên tai trong lĩnh vực thủy sản.
Sở NN&PTNT yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh của cảng các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tránh trú bão an toàn; đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong thời gian tàu cá neo đậu ở vùng nước trước cảng. Cập nhật, phát thông báo các bản tin dự báo bão, ATNĐ.

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 25.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông.
Đến 10 giờ ngày 26.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 118,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 27.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.
Đến 10 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế-Bình Định.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25.9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc