Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia

VHO- Sáng 26.10 tại Hà Nội, Hội nghị - hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị - Hội thảo.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 1

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị- hội thảo

Chủ trương, yêu cầu cấp thiết 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương  nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số được xác định là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược để xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  làm Trưởng ban và tại các Bộ, ngành, địa phương cũng do người đứng đầu làm Trưởng ban. Có thể thấy, chuyển đổi số là một chủ trương cũng như yêu cầu cấp thiết trên mọi phương diện. 
Không đứng ngoài xu thế đó, trong thời gian qua, tại Bộ VHTTDL, Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng- Trưởng BCĐ Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Gần đây nhất, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định về Kế hoạch tuyên truyền Ngày Chuyển đổi số Ngành VHTTDL.
“Việc chuyển đổi số quốc gia tại Bộ VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số của Bộ. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; công tác đảm bảo an toàn, an ninh  được chú trọng; nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hàng năm…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 2

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định, Bộ VHTTDL đã thể hiện những quyết tâm không chỉ bằng văn bản mà còn bằng hành động cụ thể trong chuyển đổi số

Lãnh đạo Bộ cũng chỉ rõ, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả chúng ta đạt được chưa đồng đều ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025. Vì vậy, Hội nghị được tổ chức với mong được lắng nghe những kinh nghiệm, những thông tin khoa học mới nhất về chuyển đổi số hiện nay và chặng đường chuyển đổi số của ngành VHTTDL trong những năm tới. Đồng thời, tích cực trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị để cùng các chuyên gia tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, bước đi chắc chắn để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới của Bộ VHTTDL, đạt được những chuyển biến rõ rệt trong toàn ngành.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng khẳng định, Bộ VHTTDL đã thể hiện những quyết tâm không chỉ bằng văn bản mà còn bằng hành động cụ thể trong chuyển đổi số. Ngành VHTTDL sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác ở Việt Nam về quy mô thị trường. Ngành không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn cơ hội phục vụ cho 8 tỉ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số trong lĩnh vực VHTTDL là hết sức cần thiết. Để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội đó, đặc biệt thông qua chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ, trải nghiệm văn hóa, du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các Chiến lược của Chính phủ về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cũng đã được ban hành. 

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 3

BTC khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL

Nhấn mạnh ba nền tảng số quan trọng  là nền tảng số về du lịch, quản trị và kinh doanh du lịch; dữ liệu số du lịch; nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, theo ông Dũng, đây là 3 nền tảng quan trọng trong Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số và kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số. “Bộ VHTTDL đã rất tích cực trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu trong giai đoạn thực hiện. Kết quả để đánh giá  cần phải dựa vào có bao nhiều người truy cập, tham gia và hiệu quả giá trị mang lại cho cộng đồng. Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số luôn cam kết đồng hành cùng Bộ VHTTDL trên con đường chuyển đổi số này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Số hoá tài nguyên văn hoá
Nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản đã được các diễn giả trình bày, thu hút sự chú ý tại hội thảo. Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền với tham luận về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam trên môi trường số, cho biết, trong nhiều năm qua, Cục Di sản Văn hoá đã xây dựng, nâng cấp và đưa vào hoạt động các phần mềm quản lý hệ thống thông tin hướng tới cập nhật các dữ liệu số. Số hoá trong hoạt động quản lý di tích được triển khai mạnh mẽ với nhiều nội dung như xây dựng hệ thống thông tin khoa học về di tích và các tổ chức/cá nhân quản lý trực tiếp hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về di tích; Công nghệ số 2D, 3D, công nghệ nano hỗ trợ trực tiếp công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích; Giới thiệu, quảng bá di sản, hỗ trợ du lịch, giáo dục góp phần phát triển kinh tế xã hội và văn hóa bền vững.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 4

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền với tham luận về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam trên môi trường số

Trong quản lý di sản văn hoá phi vật thể, số hoá được đẩy mạnh ở các nội dung:  xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể; tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn, đặc biệt với các di sản có nguy cơ mai một và biến mất; trở thành công cụ đào tạo, giảng dạy; hỗ trợ hoạt động trưng bày, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng của số hoá trong hoạt động bảo tàng, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia cũng được đặc biệt nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về công tác phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên môi trường số, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh, ngày nay, hiện vật bảo tàng không chỉ được giới thiệu trong trạng thái tĩnh, mà sự tương tác dưới nhiều hình thức đã được áp dụng rộng rãi ở các bảo tàng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Bằng việc sử dụng công nghệ một cách thông minh, bảo tàng có thể tăng cường sự tập trung và quan tâm tới bộ sưu tập của mình và làm cho bảo tàng trở nên dễ tiếp cận hơn.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 5

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ kinh nghiệm về công tác phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên môi trường số

“Dự án xã hội hóa phối hợp giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một công ty công nghệ trong việc xây dựng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, xuất phát từ nhu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách và mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, có thể coi là thành công bước đầu trong hợp tác công - tư. Dự án này cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ…”, ông Nguyễn Anh Minh cho biết.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ từ góc nhìn kết nối di sản và danh thắng trong du lịch số nhấn mạnh, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới. Hành vi của khách du lịch đã thay đổi từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng những thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 6

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ tham luận về kết nối di sản và danh thắng trong du lịch số

Đặc biệt, theo ông Thuỷ, đại dịch Covid-19 bùng phát đã đặt ra vấn đề đối với ngành du lịch cần có phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt với những sự cố, khủng hoảng tương tự trong tương lai. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một lựa chọn sống còn. “Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng kết nối liên lạc trực tuyến, các công cụ tìm kiếm trên mạng internet. Nhu cầu tìm kiếm thông tin số tăng mạnh. Các doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý phải tìm cách cơ cấu lại hoạt động, chuyển hướng mạnh sang các nền tảng giao dịch trực tuyến, áp dụng các mô hình vận hành gọn nhẹ, hiệu quả, vừa để duy trì hoạt động kết nối, vừa thích ứng linh hoạt để tìm cách phục hồi...”, theo ông Thủy.
Đề cập đến quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong điện ảnh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nhắc đến sự dịch chuyển thói quen của khán giả khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trước màn ảnh rộng, người xem chọn hình thức xem phim tại nhà. Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất lớn không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các bộ phim, trong đó bao gồm cả những phim “bom tấn” - hình thức mà trước đây trong điều kiện bình thường họ không mấy mặn mà.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 7

TS. Lê Xuân Kiêu  với tham luận "Hoạt động chuyển đổi số tại di tích Văn Miếu"

“Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách, đồng thời cũng thích ứng các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp...”, bà Hà nói.
Từ thực tế này, không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng; đồng thời chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có công nghiệp điện ảnh.

Ngành VHTTDL chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia - Anh 8

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà và câu chuyện điện ảnh chuyển đổi số

Nhiều ý kiến tại Hội nghị - hội thảo nhấn mạnh ý nghĩa của chuyển đổi số trong việc góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, đồng thời lưu ý, để không diễn ra tản mạn, thiếu tập trung, chuyển đổi số nói chung và trong ngành VHTTDL nói riêng cần có một “kiến trúc sư”, được tiến hành một cách đồng bộ, bài bản.
Tại Hội nghị - hội thảo chuyển đổi số trong ngành VHTTDL, BTC cũng khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng. 
Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.

Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

 PHƯƠNG ANH; ảnh: BTC

Ý kiến bạn đọc