Tình hình kinh tế - văn hoá, xã hội có nhiều tín hiệu khả quan

VHO-Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, hầu hết các đại biểu đều đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), năm 2022 là năm nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của tình hình trong nước cũng như chịu nhiều tác động tiêu cực, khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Song, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương đã cho thấy kinh tế - xã hội của nước ta phác họa nên một bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng đáng phấn khởi.

Tình hình kinh tế - văn hoá, xã hội có nhiều tín hiệu khả quan - Anh 1

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - văn hoá, xã hội của Quốc hội

“Với 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế ước đạt và vượt, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%. Đây là kết quả đã nói lên một điều, đó là nhiều chủ trương, chính sách của ta đã ban hành đúng, kịp thời, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch của nước ta. Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành đất nước thời gian qua của Nhà nước ta. Kết quả này đã làm tăng thêm sự tin tưởng của Nhân dân với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá.

Cũng ấn tượng với việc thực hiện ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội trong năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến mới nhanh chóng, phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đánh giá kết quả đó có được là do sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. “Chúng ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, địa biểu tỉnh Cao Bằng nói.

Tình hình kinh tế - văn hoá, xã hội có nhiều tín hiệu khả quan - Anh 2

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng)

Còn theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), năm 2022, trong bối cảnh khá đặc biệt, với những thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, cả thế giới và Việt Nam đã và đang chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, những tác động ảnh hưởng của hậu Covid-19 còn rất nặng nề, nhiều yếu tố tác động khách quan cả trong nước và nước ngoài đều bất thường, khó lường, khó dự báo. Đặc biệt là tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã có nhiều tác động tiêu cực. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, chủ động, linh hoạt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó phải nói đến những quyết sách kịp thời chưa có tiền lệ của Quốc hội thông qua việc ban hành Nghị quyết số 30 của Quốc hội ngay từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và sau đó là Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng ngay từ đầu năm 2022, đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội trong nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô được giữ được ổn định.

“Dù thế giới gia tăng lạm phát nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt, dự báo có thể giữ được mục tiêu Quốc hội đặt ra. Doanh nghiệp thành lập mới quay lại thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc. Dù thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt cao hơn dự báo và kỳ vọng, đời sống Nhân dân, nhất là của người nghèo, người khó khăn được đảm bảo hỗ trợ”, đại biểu Thắng nhận định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đánh giá: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào vòng xoáy của lạm phát và suy thoái thì Việt Nam vẫn vững vàng vượt lên và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kinh tế vĩ mô ổn định. Việt Nam lại một lần nữa nổi lên trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời tăng trưởng kinh tế thế giới và sẽ là số ít các nước được tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm trong năm qua. Những thành công có được không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng; sự điều hành linh hoạt kết hợp một cách uyển chuyển giữa chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời thích ứng với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế và sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời đồng hành của Quốc hội, điều đó đã tác động tạo nên sức mạnh, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và những nhà đầu tư yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đây là bài học có giá trị bất hủ trong điều hành đất nước, đặc biệt ở những thời điểm đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua”.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc