Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nguyên vẹn chữ “trung trinh” với nghệ thuật chèo

Thứ Hai 31/10/2022 | 10:37 GMT+7

VHO- Sau 14 ngày diễn ra tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 khép lại trong niềm hân hoan của hàng nghìn nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả, nhạc công... Có thể nói, sự kiện như một cơn gió mát lành thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của các “chiếu chèo” trên cả nước, minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung trong dòng chảy hiện đại.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc

Liên hoan do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đã trở thành một hoạt động được giới nghề mong chờ. Điều đáng ghi nhận là nhiều vở diễn đã thể hiện đậm nét phong cách riêng của từng thương hiệu nhà hát, đơn vị nghệ thuật…

Thổi bùng ngọn lửa giữ nghề

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã ghi nhận: “Gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật đã phô diễn tài năng của mình qua 27 vở diễn phong phú ở nhiều đề tài lịch sử, dã sử, chiến tranh cách mạng, hiện đại… thu hút khán giả đến chật kín khán phòng của Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Qua đó khẳng định, chèo luôn là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát mang đậm tính dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch, có sức hấp dẫn và đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân”.

Theo Thứ trưởng, Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật với những sáng tạo mới mẻ, mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật chèo. Thứ trưởng biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19, quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các vở diễn tham dự Liên hoan.

Đúng như đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo tại Liên hoan lần này là những công trình nghệ thuật nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống, cộng thêm đó là sự cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú. Liên hoan ghi nhận bản lĩnh sung sức của đội ngũ tác giả như Trần Đình Ngôn, Hoàng Luyện, Doãn Hoàng Giang, Lê Chí Trung, Lê Thế Song, Tạ Tuấn Minh, Nguyễn Văn Điệp… Thông qua 27 tác phẩm, các tác giả đã đắm mình trong suy tư, trăn trở về cuộc sống để sáng tạo ra những hình tượng đậm tính hiện thực, hữu ích...

Để giúp cho các tác phẩm được thăng hoa, không thể không nhắc đến vai trò của các đạo diễn tài năng được ghi nhận ở nhiều thế hệ: Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Hoàng Quỳnh Mai, Lê Tuấn Cường, Đoàn Vinh, Trịnh Thúy Mùi, Vũ Tự Long, Lê Thanh Tùng, Hà Quốc Minh, Hoài Thu, Trương Hải Thọ… Nắm chắc các đặc trưng của chèo cổ, họ không chỉ tạo nên những vở diễn chuẩn chỉ “ra chất chèo” mà còn có những sáng tạo, cách tân đáng ghi nhận, tạo nên luồng sinh khí mới hấp dẫn. Đó là lý do mà khán giả không thể quên được các lớp bão tố ở Nhà dàn DK1 của vở Đất liền và biển cả, trận chiến giữa Yết Kiêu với quân Ô Mã Nhi trong Thần tướng Yết Kiêu, chữ Trần biến hóa trong Dấu thiêng Đông Hải, hay đầm sen thơm ngát tình yêu của Hiền với Mộc ở vở Tình mẹ

Bên cạnh đóng góp thành công của lực lượng tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, có thể thấy “bội thu” của Liên hoan chính là đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng, cháy hết mình bằng tất cả “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” để dâng hiến cho khán giả. Lửa chèo vẫn đang được nuôi giữ bởi hàng loạt những tên tuổi tài năng như: Ngô Thị Hồ, Thuý Hà, Bùi Văn Dũng, Lê Thị Hồng Vân, Nguyễn Ngọc Cao, Phạm Thị Hồng Tươi, Thu Hài, Thanh Quang, Huyền Trang, Tạ Văn Phúc, Trần Thị Nguyệt, Mông Quỳnh Sen, Thu Phương, Nguyễn Thanh Bình, Tạ Thị Kim Liên, Hồng Thắm, Hà Bắc, Thanh Tuyền, Trần Thị Hiền...

Và để có được những tác phẩm nghệ thuật về nguồn một cách ngoạn mục, vai trò chỉ đạo nghệ thuật, lãnh đạo của từng nhà hát, từng đơn vị nghệ thuật chèo là vô cùng quan trọng. Dẫu có những đơn vị nghệ thuật phải sáp nhập thành trung tâm, bài toán giữ người, giữ chèo càng trở nên khó khăn, nan giải... nhưng những đơn vị này đến với Liên hoan vẫn nguyên vẹn chữ “trung trinh” với chèo!

 

 Vở “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa được trao giải Vở diễn xuất sắc tại Liên hoan

Bài toán giữ chèo không đơn giản

Lê Thế Song hiện là cây bút có kỷ lục về số lượng kịch bản được dàn dựng trên sân khấu chèo. Giành hai giải thưởng về vở diễn xuất sắc tại Liên hoan: Kịch bản chuyển thể chèo Thiên duyên huyền tích của cố tác giả Hoàng Luyện (HCV) và Trọn đời vì nước non khắc họa hình tượng cố Tổng Bí thư Trường Chinh (HCB), ông chia sẻ: “Tôi cũng như các tác giả sân khấu cảm thấy rất hạnh phúc khi kịch bản của mình được dàn dựng và được các nghệ sĩ thể hiện. Là người gắn bó với nghệ thuật chèo truyền thống, tôi có lời gửi gắm tới lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật chèo rằng, cần quan tâm hơn nữa đến định hướng và sự phát triển bền vững; phải xây dựng thương hiệu từ sự lựa chọn kịch bản phù hợp cũng như “chọn mặt gửi vàng” những tên tuổi, ê kíp sáng tạo thật sự am hiểu về chèo…”.

14/27 vở diễn có giải phần nào thể hiện sự động viên của BTC đối với chèo. Nhưng điều mà nhiều nghệ sĩ băn khoăn là số lượng huy chương cho cá nhân còn hạn chế. 100 nghệ sĩ được nhận giải thưởng là tỷ lệ ít so với số nghệ sĩ góp mặt tham gia Liên hoan. Nghệ sĩ chèo đã và đang phải đối diện với bài toán giữ nghề trong cơ chế thị trường vô cùng khắc nghiệt, diễn miễn phí thì có khán giả, bán vé thì… không ai tới. Thu nhập quá thấp, họ vẫn hết lòng, dốc sức cho chèo, vì vậy rất cần có những cuộc thi, liên hoan để họ có thêm động lực gắn bó với nghề. Nên chăng, không cần “ép” vào barem tỷ lệ huy chương khiến nhiều nghệ sĩ tài năng thiệt thòi khi bị hạ bậc thành tích.

Nhìn về đề tài của các tác phẩm tham gia Liên hoan lần này, PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho rằng: “Hiện thực cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế vẫn chưa vào chèo, và chèo vẫn chưa thể hiện được xung đột trung tâm, nhân vật trung tâm, hành động trung tâm của thời đại “chuyển dịch giá trị” vào sáng tạo của nghệ sĩ. Phải chăng họ đang đứng ngoài cuộc và đang thờ ơ với cuộc sống đương thời? Chúng ta cần mở những hội thảo khoa học để thẩm định và nhận thức cụ thể về vấn đề này”.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly nhận định, việc tổ chức các cuộc liên hoan đối với từng loại hình nghệ thuật biểu diễn là rất cần thiết. Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là dịp để cơ quan quản lý nhà nước có được bức tranh toàn cảnh và đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ những người làm chèo. Đồng thời, rà soát lại hướng đi của các đoàn nghệ thuật, tìm ra những tài năng mới - nhân tố giúp nghệ thuật chèo khởi sắc. Cùng với đó là tìm ra những giải pháp, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật gìn giữ và phát triển tốt”.

Quyền cục trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp tổ chức của tỉnh Hà Nam trong các khâu chuẩn bị, tạo điều kiện đi lại, ăn ở cho các đoàn biểu diễn, và đặc biệt là hoạt động quảng bá. Hàng nghìn khán giả, đặc biệt là học sinh ở các trường phổ thông nhiệt tình đến xem và cổ vũ các suất diễn đã đóng góp không nhỏ cho sự thành công của Liên hoan lần này. Rõ ràng, những cuộc thi và liên hoan luôn là cầu nối hiệu quả, gắn kết người làm nghệ thuật với công chúng, nhất là với những người trẻ. 

Gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật đã phô diễn tài năng của mình qua 27 vở diễn phong phú ở nhiều đề tài lịch sử, dã sử, chiến tranh cách mạng, hiện đại… thu hút khán giả đến chật kín khán phòng của Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Qua đó khẳng định, chèo luôn là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát mang đậm tính dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch, có sức hấp dẫn và đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật với những sáng tạo mới mẻ, mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật chèo.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top