Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội: Có thể đưa giá nhà ở xã hội xuống thấp nữa hay không?

Thứ Sáu 04/11/2022 | 08:30 GMT+7

VHO- Chiều qua 3.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

 Tránh tình trạng đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa bị chuyển đổi

Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, về cơ bản dự thảo Luật đã bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18) về đất đai.

Cho rằng đây là dự án luật được cử tri và người dân hết sức quan tâm và tác động đến nhiều đối tượng, Bộ trưởng đánh giá, dự thảo Luật đã phần nào khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất hay những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên do đây là luật khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến nhiều bộ luật, nhiều lĩnh vực, được xã hội rất quan tâm nên cơ quan soạn thảo cần lưu ý một số vấn đề.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trước hết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ đơn thuần là một bộ luật mà có quan hệ với nhiều bộ luật, chịu sự tác động, chi phối, tương thích với nhiều bộ luật khác. Vì thế cơ quan soạn thảo nên cân nhắc xem xét để làm rõ hơn, sâu hơn, tránh để tình trạng khi ban hành rồi, luật khó thực hiện. Cụ thể như chỉ riêng quy định về đấu giá thì đã liên quan đến Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… Vậy cơ quan nào quản lý và ai quản lý nội dung nào? Từ đó dự thảo Luật cần phải có sự tính toán kỹ để tránh sự xung đột với quy định của các Luật khác. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai.

Chẳng hạn, trong các quy định của dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để thực hiện việc đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch hoặc trong những trường hợp đặc biệt, không cần tiến hành đấu giá mà do Thủ tướng quyết định thì cũng phải có các tiêu chí cụ thể khi nào và lúc nào thì Thủ tướng quyết. Bộ trưởng lưu ý Ban soạn thảo, khi xây dựng Luật phải căn cứ, lồng ghép với các quy định của Luật Quy hoạch để tránh tình trạng khi sử dụng đất thì đất thương mại chuyển sang đất xây dựng hoặc đất dành cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa phải chuyển đổi sang mục đích khác. Hoặc như các quy định về quyền sử dụng đất vào các dự án thì phải đưa được tinh thần của Nghị quyết 18 để vừa đảm bảo được lợi ích của người dân vừa giải quyết được bài toán về vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

“Đây là bộ luật được nhân dân và xã hội quan tâm, vì thế cơ quan soạn thảo cần phải khắc phục được tình trạng luật “ống”, luật khung khi xây dựng luật, phải đảm bảo được luật mang tính khả thi và có tuổi thọ cao sau khi ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng góp ý.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng qua 3.11

Trình Chính phủ Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu bám sát vào chủ đề chất vấn, đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu vấn đề về việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên với tình trạng giá nhân công, vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay thì mức hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên bị lỗi thời, khó đáp ứng được nhu cầu. Từ đó đại biểu Cảnh đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng hỗ trợ các chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một trong những chính sách ưu tiên và thể hiện tính ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở như chương trình hỗ trợ người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng và không đáp ứng được chương trình này. Về giải pháp, Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo theo hướng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng này.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2. Trước thực trạng trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian là bao lâu?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo… Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, về giải pháp sẽ phải điều chỉnh quy định để thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…

Trong phiên chất vấn chiều 3.11 có 36 đại biểu đặt câu hỏi và 1 đại biểu tranh luận; đã có 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn của các đại biểu. Trong 2 ngày 4-5.11, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng và 3 nhóm vấn đề còn lại thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; nội vụ và thanh tra. 

 THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top