Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều thách thức đặt ra trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Thứ Sáu 04/11/2022 | 19:27 GMT+7

VHO - Ngày 4.11, tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Hội nghị - hội thảo tại TP.HCM ngày 4.11

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra rất nhiều cơ hội cho việc sáng tạo, cũng như là khai thác và sử dụng các tác phẩm trong môi trường số, đưa ra những cơ hội cho việc truyền bá, phổ biến, lưu trữ các tác phẩm và việc khai thác, sử dụng có lợi hơn. Tuy nhiên, môi trường số phát triển ngày một nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức cho chúng ta trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền. Nếu như ý thức tuân thủ pháp luật được nâng cao, thì việc thực thi hiệu quả bảo vệ bản quyền trên môi trường số sẽ mang lại lợi ích cho không chỉ các bên khai thác sử dụng, các bên có chủ sở hữu quyền, mà còn cho công chúng hưởng thụ. Nhưng nếu như các bên cố tình vi phạm, lạm dụng trong việc khai thác sử dụng các môi trường này, thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi, đến việc cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, hành vi này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thương mại của các chủ thể quyền cũng như bản thân các bên, khi đang trực tiếp hoặc tiếp tay vi phạm bản quyền, buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế cũng như trong nước. 

Ngày 16.6.2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt có các quy định về bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số. Đây cũng là một điểm mới, đó là trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian đã được đưa vào các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Để hoàn thiện hành lang pháp lý trong nước thì song song đó, Việt Nam đã tham gia vào hai hiệp ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường internet của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới là WCT (có hiệu lực thi hành từ ngày 17.2.2022) và WPPT (có hiệu lực từ 1.7.2022). Đây là các nghĩa vụ cam kết về bản quyền trên khuôn khổ thế giới. 

Bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng môi trường số phát triển mang đến nhiều cơ hội song cũng tạo ra những thách thức trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền

“Song song với việc thực thi với các quy định pháp luật trong nước và quốc tế, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, có thể thực thi được các cam kết cũng như các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có các nội dung về trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian”, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết.

Tại Hội nghị - hội thảo, lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả đã giới thiệu đến các đại biểu những nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng với đó, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan cũng đã giới thiệu các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. 

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 7 chương, 80 điều. Trong đó, Chương I - Quy định chung; Chương II - Quyền tác giả, quyền liên quan; Chương III - Giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương IV - Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; Chương V - Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VI - Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VII - Điều khoản thi hành. Mục đích ban hành Nghị định nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và Nghị định quy định chi tiết, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Bên cạnh đó, tiếp tục thể chế hóa, nội lực hóa các cam kết mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, để phù hợp với thông lệ quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top