Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vai trò giáo dục của người cao tuổi trong gia đình Việt Nam hiện nay

Thứ Hai 14/11/2022 | 15:07 GMT+7

VHO- Trong suốt cuộc đời, gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm, là cái nôi của sự bình yên, là yếu tố vô cùng cần thiết cho cuộc sống của con người và xã hội. Có thể nói, gia đình là một xã hội thu nhỏ với tất cả các mối quan hệ xã hội ràng buộc với nhau. Trước kia, gia đình truyền thống của Việt Nam thường có nhiều thế hệ nhưng hiện nay gia đình Việt Nam bị tác động bởi sự phát triển của xã hội nên mô hình gia đình có sự thay đổi.

Mọi người đều mải mê với công việc để mưu sinh cuộc sống. Nhiều người cho rằng, việc để ông bà sống chung cùng con cháu sẽ không tốt bằng gửi con đến trường; bố mẹ đi làm còn ông bà thì ở quê cho tiện. Vì vậy, gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ: cụ, ông, bà, bố mẹ và con cái sẽ dần thu hẹp số lượng và phạm vi, chỉ tồn tại hầu như ở nông thôn và miền núi, khu vực thành thị sẽ dần mất đi. Gia đình hiện đại gồm 2 thế hệ bố mẹ và con cái sẽ tiếp tục gia tăng và phạm vi mở rộng, không chỉ ở thành thị mà cả về vùng nông thôn, miền núi.

Trong mô hình gia đình hiện đại, do đặc thù cuộc sống sẽ xuất hiện một thành viên mới, đó là người giúp việc. Do công việc bề bộn, cha mẹ bận rộn nên hầu như con cái hoặc sống với người giúp việc, hoặc đến trường. Người giúp việc sẽ quán xuyến việc gia đình, thậm chí thay vai trò của người mẹ, người vợ, với những công việc như nội trợ, quản lý một phần tài chính và cả tham gia sâu vào công việc gia đình, giáo dục con cái. Trong khi đó, việc giáo dưỡng đầu đời rất quan trọng. Sống với người giúp việc, đứa trẻ rất dễ dàng ảnh hưởng tính cách của họ. Nếu người giúp việc tốt sẽ hình thành cho trẻ những định hướng tốt và ngược lại, rất có thể những đứa trẻ sẽ nhiễm các thói xấu và hình thành nhân cách lệch chuẩn sau này.

Có thể thấy mô hình gia đình hiện đại ngày nay đã bỏ qua vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức của người cao tuổi.

Người cao tuổi ở Việt Nam luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Người cao tuổi là cán bộ khoa học, nhà giáo, thầy thuốc sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh cho nhân dân. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng đã tích cực phát huy vai trò là nòng cốt tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và là trung tâm đoàn kết đồng bào các dân tộc, các tôn giáo… Các nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi có một vai trò rất quan trọng trong giáo dục đạo đức gia đình.

 Ngay từ thời con người sống trong xã hội nguyên thủy, thế hệ người già gồm những Bô lão, Tù trưởng đã được các Bộ lạc tôn vinh, tín nhiệm giao cho họ trọng trách truyền thụ (giáo dục) lại nhiều kinh nghiệm cho thế hệ trẻ để tồn tại, phát triển. Ngày nay, trong xã hội văn minh, tiến bộ, tri thức khoa học ngày càng phong phú, vai trò và tác dụng của giáo dục gia đình, đặc biệt là vị trí của người cao tuổi đối với việc truyền thụ kinh nghiệm về nhiều mặt nhằm hình thành, phát triển nhân cách gốc cho thế hệ trẻ, từ đó trở thành công dân chân chính vẫn rất quan trọng và cần thiết.

Đối với các cháu trong gia đình, ông bà đặt vấn đề giáo dục đạo đức quan trọng hơn trí thức theo truyền thống dân tộc bản địa và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có những phẩm chất đó, trước tiên phải giáo dục cho đức tính chăm chỉ, có thói quen đối với các hoạt động đơn giản nhất. Khi trẻ chăm chỉ, chuyên cần, chịu khó lao động thì cũng siêng năng, không lơ là học tập… Bởi mọi thói hư tật xấu của con người đều có nguồn gốc từ sự lười biếng "không muốn làm mà muốn ăn ngon, mặc đẹp".

Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong gia đình, ông bà vẫn là những người "tham công, tiếc việc”, muốn đỡ đần con cháu những việc thường ngày như cơm nước, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, quét dọn nhà cửa, tắm giặt và nhắc nhở con cháu học bài… Không ít  bậc cao tuổi vẫn tìm thêm việc làm vừa sức như bán quán, trông trẻ, hướng dẫn nghề cổ truyền… để có thêm thu nhập bù đắp cho con cái. Nhờ thế, nếp sống sinh hoạt trong nhiều gia đình càng thêm ngăn nắp.

 Vốn là thế hệ từng trải, suy nghĩ chín chắn, thống nhất giữa lời nói và việc làm, các bậc cao tuổi là những tấm gương sáng về đức tính cần cù, chăm chỉ, cẩn thận, giản dị, kiệm ước, trung thực, ngay thẳng thật thà, giàu lòng nhân ái, vị tha, độ lượng… có ảnh hưởng tích cực đến các cháu ngay từ tuổi ấu thơ .

Trong cuộc sống thường xuyên gần gũi với các cháu, bằng lời các câu chuyện kể dân gian, câu đố, ca dao, tục ngữ… đầy ắp ý nghĩa nhân luân, đạo lý ở đời về hiếu thảo, trách nhiệm, vinh, nhục, thiện, ác,… các cụ có thể khắc sâu vào tâm khảm các cháu những hình tượng đẹp đẽ, cao thượng mang ý nghĩa triết lý nhân sinh và đạo đức truyền thống của dân tộc: “Thương người như thể thương thân", "Môi hở răng lạnh”, “Máu chảy ruột mềm"…

Ở giai đoạn tuổi già, hầu hết các cụ thường coi trọng lối sống "cha mẹ hiền lành để đức cho con". Vì vậy, mà trong suy nghĩ và hành động của họ đều muốn cho con cháu xa lánh những hành động ác, bất nhân đối với người khác và "tích thiện" trong cuộc sống đời thường như lời  cố nhân đã dạy: "Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người, cái gì mình muốn đạt thì đạt cho người, cái gì mình muốn lập thì lập cho người'.

Đặc biệt, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường còn bề bộn nhiều tệ nạn xã hội đang phát sinh, phát triển tràn lan, nhiều giá trị về tình yêu, tình vợ chồng, đạo cha con, ơn mẫu tử, nghĩa anh em đang bị lung lay thì vị trí, những lời khuyên dạy của các bậc cao niên càng có tác dụng mạnh mẽ đối với việc giữ gìn những truyền thống tốt đẹp về gia phong, gia giáo, gia pháp trong quan hệ gia đình.

 Ông bà trong gia đình có vị trí như chân phanh, như bánh lái con tàu trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, giúp con cháu không chệch đường, trượt dốc, nhất là khi tính khí của tuổi trẻ còn bồng bột, dễ bị mắc vào tệ nạn xã hội.

Ngay cả trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước hiện nay, người cao tuổi có vai trò hết sức to lớn. Chẳng hạn việc thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình thì không có một lời tuyên truyền nào thuyết phục bằng khuyên giải của các cụ với con cháu  về việc phản đối, phê phán quan niệm cũ "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhằm giải thoát dâu con ra khỏi thiên kiến cũ "phải có con trai để nối dõi tông đường"

 Ở trong gia đình, thế hệ người già chính là khâu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nhịp cầu cho con cháu bước vào tương lai, là người giữ gìn những di huấn thiêng liêng của các bậc tiền bối - những người đã đấu tranh cho chân lý và hạnh phúc cho gia đình, cho dân tộc. Vì vậy, họ là người truyền thụ, bổ sung cho thế hệ trẻ truyền thống văn hóa gia đình, với những giá trị đặc thù trong nền văn hóa chung của dân tộc.

Mối quan hệ giữa ông bà với con cháu sẽ mang lại những điều tốt đẹp. Ông bà luôn dành cho trẻ nhỏ tình cảm yêu thương vô điều kiện và cũng là người mà trẻ có thể đặt niềm tin trọn vẹn. Ông bà là những người mang lại ý thức sâu sắc về bản sắc và cội nguồn của gia đình. Tình cảm ông bà và con cháu là tình cảm ổn định và lâu bền. Ông bà có nhiều thời gian chia sẻ các hoạt động hằng ngày với bọn trẻ, trong khi hầu hết mọi phụ huynh đều rất bận rộn. Ông bà là những người "phụ tá" đắc lực trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Ông bà còn là nhà tư vấn, đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những người làm cha mẹ và có thể là nguồn hỗ trợ về nhiều yếu tố khác nữa.

Tuy nhiên, không có mối quan hệ nào là hoàn hảo nếu ta không biết cách vun đắp và khắc phục những vấn đề nảy sinh. Ông bà có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và dạy bảo con cái, nhưng bên cạnh đó cũng có những vấn đề con cháu phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt và khắc phục. Cả ông bà và cha mẹ đều yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cháu của mình, nhưng đôi khi lại có những cách thể hiện và cư xử khác nhau … chính điều này đã mang lại rắc rối trong việc nuôi dạy con cháu.

Ông bà chính là những nguồn động viên tinh thần, là tình yêu thương vô giá đối với các con trẻ. Nếu bạn biết cách giúp ông bà phát huy đúng vai trò của mình trong việc nuôi dạy các cháu thì gia đình được lớn lên trong điều kiện tốt nhất.     

Vai trò của ông bà trong gia đình là điều không thể phủ nhận nhưng trong xã hội hiện đại, trẻ con có xu hướng ngày càng xa cách với ông bà của mình hơn, đó là điều mà xã hội cần quan tâm và phải có cách nhìn nhận đúng hơn.

Chính vì vậy, để động viên và khuyến khích người cao tuổi tiếp tục phát huy truyền thống và vai trò của mình trong giáo dục gia đình, phải lưu ý một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay. Tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn công lao, đóng góp của người cao tuổi đối với đất nước, nhất là trong triển khai thực hiện các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả, như: Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, công tác khuyến học, khuyến tài; trao truyền tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và giáo dục đạo đức cho các thế hệ kế tiếp… và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.

Thứ hai, cần có các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập trong xã hội, cộng đồng và gia đình, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi, bảo đảm an toàn thu nhập bên cạnh các chính sách trợ cấp xã hội và lương hưu, phúc lợi tổng thể. Người cao tuổi có quyền được hưởng đời sống thể chất và tinh thần có chất lượng cao, do đó, cần chú trọng các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống trợ giúp xã hội thông qua hoạt động công tác xã hội, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Thứ ba, cần chú trọng đề cao vai trò nòng cốt của Hội người cao tuổi Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp hội, người cao tuổi. Tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức vị trí, vai trò và đóng góp của người cao tuổi trong giáo dục hệ giá trị của gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong gia đình.

Tổ chức các lớp tập huấn cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong xã hội về phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ, khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Hỗ trợ người cao tuổi xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, tạo mọi điều kiện để người cao tuổi được sống khỏe, sống vui, sống có ích.

Đại tá PHẠM NGỌC CƯỜNG

 Trưởng Khoa Quân sự- Võ thuật- Thể dục thể thao, Học viện CSND

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top