Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện đại (Bài cuối) Nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thứ Tư 16/11/2022 | 09:03 GMT+7

VHO- Kỳ 3 của loạt bài Vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện đại lên trang đúng vào thời điểm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua (14.11.2022). Cùng với đó, Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 đã được ban hành và triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày Báo cáo dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trước Ủy ban thường vụ Quốc hội Ảnh: TRẦN HUẤN

 Đây là tín hiệu vui cho thấy sự vào cuộc cấp thiết từ cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời, sự hưởng ứng đầy nhiệt huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học, xã hội học, giới nghiên cứu, phê bình... cũng đã gợi mở nhiều giải pháp căn cơ để cho thấy sự chung tay của toàn xã hội nhằm nhân lên cái tốt, át đi những cái xấu tiêu cực.

Xử lý đúng pháp luật để ngăn ngừa tận gốc

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là căn cứ quan trọng để ngăn ngừa những thảm án “nồi da xáo thịt”. PGS. TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng, với những vụ án điểm, pháp luật cần xét xử nghiêm minh, đúng tội, đúng người để ngăn chặn “mầm mống” xuất phát ngay từ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình. “Sử dụng biện pháp mạnh sẽ khiến không ai dám thực hiện những hành vi trái với luân lý và đạo đức. Nếu bỏ mặc không nuôi dưỡng hoặc đuổi cha mẹ già ra đường mà chỉ xử phạt hành chính hoặc phê bình thì chưa đủ sức răn đe. Sự vào cuộc nghiêm khắc của pháp luật sẽ khiến người ta phải tuân thủ những quy định và không dám bước qua quy định đó”, PGS.TS Đặng Cảnh Khanh khẳng định.

Dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ: “Tổng Bí thư đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có vấn đề xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những điều cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Đồng thời, trong các giải pháp phát triển văn hóa, Tổng Bí thư cũng đã rất sâu sát khi chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những mặt tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Chỉ đạo của Tổng Bí thư được triển khai và thực hiện nghiêm túc chắc chắn sẽ góp phần nâng cao nhận thức để xây dựng con người Việt Nam văn minh, hiện đại nói chung và những thành viên của mỗi gia đình trong xã hội nói riêng”.

Ở góc nhìn là một nhà phê bình lý luận văn học, nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định, hơn lúc nào hết, vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ là vô cùng quan trọng khi tạo dựng nên những tác phẩm có giá trị giáo dục sâu sắc về đề tài gia đình để làm thay đổi nhận thức bằng những cuộc đối thoại trực diện, nóng bỏng.

 Tác phẩm “Hạnh phúc giản đơn” trong Triển lãm ảnh online Gia đình - Tổ ấm yêu thương do Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Ảnh: T.L

Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, việc tuyên truyền giáo dục đạo đức trong gia đình không nên đặt những vấn đề quá cao siêu mà hãy đi vào những hành vi và ứng xử cụ thể. “Chúng ta đang có một hệ thống chính trị khá đầy đủ, bài bản ở cơ quan, thôn xóm, làng bản, khu phố... Nhưng làm sao để các tổ chức này hoạt động thực chất, có hiệu quả trong vấn đề giáo dục đạo đức gia đình, đạo đức xã hội là điều cần nghiêm túc xem xét và điều chỉnh. Là một người cha, giờ là người ông, nhưng tôi rất thích hát ru con, ru cháu. Những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che của gia đình, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn...”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Những xung đột và mâu thuẫn trong gia đình là câu chuyện dài kỳ và muôn thủa, nhưng theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình, chúng ta không thể buông xuôi; cùng với đó, những cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới công tác gia đình như Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. “Không chỉ là những thông tin tuyên truyền chung chung mang tính cổ động, Bộ VHTTDL đã ban hành và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, kéo toàn thể cộng đồng xã hội tham gia, ký kết xây dựng gia đình văn hóa, “nói không” với bạo lực. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để củng cố các thiết chế về gia đình”, TS Trịnh Hoà Bình nhận định.

Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được triển khai trên phạm vi 63 tỉnh, thành Ảnh: T.L

Việc xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Vụ trưởng Vụ Gia đình, TS Trần Tuyết Ánh cho rằng: “Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, Vụ Gia đình kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ trung ương đến cơ sở, để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình kết hợp với nhà trường và xã hội. Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc ngay từ trong gia đình để tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng một ngành nào, mà cần sự quan tâm, đầu tư của tất cả các cấp, các ngành, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội...”.

Hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc sẽ là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc, đó cũng là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc, thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng... Từ đó, đưa nước ta hội nhập sâu rộng quốc tế song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới và đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống. 

 

 Mục tiêu lớn nhất mà công tác gia đình hướng tới, đó là xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình chính là tế bào của xã hội, tế bào tốt thì xã hội mới tốt. Chúng ta ai cũng có gia đình và trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình phải bắt nguồn từ mỗi thành viên. Chính vì vậy, rất cần nhân rộng hiệu quả từ những mô hình hay, việc làm tốt; khích lệ sự nỗ lực, thi đua để nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực đang nảy sinh trong đạo đức, lối sống hiện nay, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình.

Bộ trưởng  Nguyễn Văn Hùng

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top