Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giới trẻ và những ma trận “Idol”

Thứ Tư 16/11/2022 | 09:07 GMT+7

VHO- Không như khái niệm thần tượng trước đây là sự ngưỡng mộ dành cho người có tài năng xuất chúng và đem lại những giá trị nhân văn đáng được noi theo, giờ đây, trước sự bùng nổ của mạng xã hội và sự dễ dãi của một bộ phận công chúng, khái niệm “idol” đang phát triển theo xu hướng “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn... xa hơn”.

Khá Bảnh đã từng là “thần tượng” một thời của giới trẻ

 Thỏa sức tung hô, bắt chước

Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong dòng chảy đương đại, tuy nhiên, cũng từ đây, những “idol trẻ” xuất hiện một cách tràn lan với những ma trận thông tin, trào lưu nhảm nhí, vô bổ, thậm chí là phản cảm. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đã nhận định: “thuật toán + sự dễ dãi = một lứa thần tượng độc hại”. Do sự thay đổi liên tục của các thuật toán, nội dung sáng tạo sẽ không thể “on top” lâu dài, chính vì thế, cần phải chiêu trò, phải độc lạ thì mới nổi tiếng và thế là sự lệch lạc về khái niệm thần tượng trong giới trẻ đã hình thành.

Chỉ sau một đêm, những cái tên xa lạ bỗng dưng trở nên “hot”, trở thành từ khóa hàng đầu... Chẳng hạn, video ghi cảnh một cô gái ngồi trên băng chuyền hành lý hay uốn éo nhảy múa tại bãi đáp máy bay, mặc dù bị xử phạt theo quy định pháp luật, nhưng những video này đã nhanh chóng cán mốc cả chục triệu lượt xem. Rồi trào lưu “săn mây” khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo, vì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chuyến bay và tính mạng của hành khách. Đáng nói hơn, thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 là người mở màn, sau khi dư luận lên tiếng, cô gái này đã xin lỗi và gỡ bỏ, tuy nhiên video đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và hàng trăm ngàn bình luận tương tác. Rõ ràng, trước khi bị xử lý thì những hành động ấy đã trở thành “trào lưu” và được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, bất chấp nguy hiểm để “đu trend” sống ảo.

Với từ khóa “Anna Bắc Giang”, công cụ tìm kiếm Google sẽ nhanh chóng cho ra hơn 2,9 triệu kết quả chỉ trong 0,38 giây. Đó là vụ lừa đảo “siêu thực” của cô nàng tên N.T.V.A (sinh năm 1995, ở Bắc Giang), trước khi bị công an bắt tạm giam để điều tra về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Anna vẫn tự tin lên mạng “chém gió” như đúng rồi... Lướt khắp các diễn đàn trên mạng xã hội, vô số bạn trẻ đã suýt xoa không ngớt trước trí thông minh, chiêu trò “thao túng tâm lý” của siêu lừa mới ngoài 20 tuổi. Đến khi có thông tin N.T.V.A bị bắt, nhiều bạn trẻ vẫn bình luận một cách đầy thương tiếc: “Buồn quá, idol bị bắt rồi”, “Ai mà bị chị lừa là tại người đó ngu, chị không có tội”…

Thậm chí, nghịch lý hơn nữa là nhân vật “giang hồ”, từng vào tù ra tội với các thành tích bất hảo như Khá “Bảnh” lại tạo được sức hút rất lớn đối với cộng đồng mạng, sự hùa theo bắt chước của đám đông thanh, thiếu niên. Nối tiếp sau đó, một loạt dân anh chị “cộm cán” như Dương Minh Tuyền, Phú Lê, Dũng Trọc... thi nhau lập cõi riêng trên “phây” để tha hồ làm mưa làm gió. Lối sống bất cần, ăn nói văng mạng, coi thường pháp luật, thích gì làm nấy của những nhân vật này vẫn đang tiếp tục reo rắc “mầm bệnh” về tư tưởng, hành vi xấu rất đáng lo ngại cho giới trẻ.

“Mầm độc” đe dọa cả thế hệ

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trong xã hội văn minh, vật chất đủ đầy nhưng bạo lực học đường cứ ngày một gia tăng với tính chất nghiêm trọng? Tại sao nhiều người trẻ tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước những điều sai trái? Tại sao thanh niên dễ nổi cáu, nóng giận, dẫn đến các hành động phạm pháp? Chắc có lẽ, khi cái xấu được cộng đồng cổ xúy thì những suy nghĩ xấu sẽ ngấm dần vào hành vi và nhận thức như một sự hiển nhiên.

Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của Internet, mạng xã hội đối với giới trẻ cho thấy nổi lên một số vấn đề sau: Thứ nhất, họ không phân biệt được thông tin đúng - sai, không tiếp nhận được thông tin chính thống, do đó, dễ có những suy nghĩ và hành động sai lệch. Thứ hai, ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần khi dành quá nhiều thời gian để đắm chìm trong thế giới ảo, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm, xu hướng bạo lực, thay đổi tâm lý... Thứ ba, những thông tin trên mạng xã hội và Internet có thể dẫn tới sự thay đổi hành vi nhận thức, bắt chước và làm theo. Như vậy có thể thấy, giới trẻ vừa là chủ thể nhưng đồng thời cũng là “nạn nhân” của những công cụ này.

Nếu 5 năm trước đây, TikTok gần như không được ai để ý, thì hiện tại nền tảng này trở thành một trong những mạng xã hội thu hút giới trẻ hàng đầu. Thống kê công bố vào tháng 9.2022 của We are social cho biết, sau hơn 3 năm có mặt tại Việt Nam, TikTok hiện đã có 39,91 triệu người sử dụng từ 18 tuổi trở lên. Có mặt trên thế giới từ năm 2016, TikTok đã nhanh chóng vượt qua Google để trở thành tên miền có lượng truy cập nhiều nhất thế giới năm 2021. Việc tạo lập tài khoản với các thao tác dễ dàng đã khiến nội dung trên TikTok trở nên hỗn loạn, từ mang tính giải trí đơn thuần đã dẫn đến kém duyên, phản cảm và độc hại; từ PR phim 18+, nhảy múa khoe thân, mặc áo khoe chân ngực, cho đến xu hướng làm video ghép nhạc khoe ảnh đi tù, những trào lưu kệch cỡm, lố lăng, không phù hợp thuần phong mỹ tục…

Không thể phủ nhận, các bạn thanh, thiếu niên hiện nay rất nhạy bén, tiếp cận nhanh với cái mới, nhưng tầm hiểu biết, kinh nghiệm sống, nhận thức còn hạn chế nên chưa biết chắt lọc những điều tốt đẹp, lại dễ dàng bị ảnh hưởng, dung nạp những cái xấu, cái tiêu cực. Thế nên, đã đến lúc phụ huynh phải thực sự sát sao đến việc xây dựng môi trường sống để con cái hình thành và phát triển nhân cách tốt nhất. Và đặc biệt, các tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên cần phải nêu cao vai trò giáo dục, định hướng lối sống tích cực, lành mạnh, làm gương cho giới trẻ. 

THẢO MY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top