Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy: Chuẩn bị nguồn lực để triển khai, phổ biến hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Thứ Tư 16/11/2022 | 09:17 GMT+7

VHO- Ngay sau khi Quốc hội ấn nút thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với số phiếu biểu quyết tán thanh cao, phóng viên Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy về một số nội dung đang được dư luận quan tâm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ.  Ảnh: TR.HUẤN

P.V: Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng có thể cho biết phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình (BLGĐ) làm trung tâm đã được thể hiện như thế nào trong các quy định của Luật này?

- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật trình các cấp có thẩm quyền, Bộ VHTTDL đã nhận được sự đồng thuận cao, tạo điều kiện rất lớn từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền. Một trong những đồng thuận khiến chúng tôi vui mừng và phấn khởi đó là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy người bị BLGĐ làm trung tâm.

Thứ nhất, Luật quy định, điều chỉnh các hành vi trên nguyên tắc bảo vệ tối đa người bị BLGĐ với tư cách là chủ thể quyền được xác định theo Hiến pháp năm 2013 mà không bị giới hạn bởi bất kỳ một yếu tố nào về vị trí trong gia đình, giới tính, phong tục, tập quán và địa vị xã hội... Thứ hai, Luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan xoay quanh trách nhiệm bảo vệ người bị bạo lực, đặc biệt là đối tượng đặc thù, yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về BLGĐ. Cụ thể, khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.

Thứ ba, Luật quy định rõ các biện pháp về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, giúp đỡ người bị bạo lực gia đình. Người bị bạo lực gia đình được xác định là đối tượng trung tâm trong xây dựng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ. Đơn cử như việc quy định người bị bạo lực gia đình không phải viết đơn khi yêu cầu cấm tiếp xúc, và khi thực hiện quyết định cấm tiếp xúc thì được lựa chọn chỗ ở hay Chủ tịch UBND cấp xã có thể tự ban hành quyết định cấm tiếp xúc trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình có nguy cơ xâm hại đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Đó là những biện pháp đã cụ thể hoá việc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.

Trong Luật có xác định nguyên tắc “phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực là trung tâm”, Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn về nguyên tắc quan trọng này?

- Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong các biện pháp PCBLGĐ. Quy định về các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ là nội dung cốt lõi của Luật. Những vấn đề này được thể hiện rõ ở chương II và chương III với các biện pháp cụ thể, đặc biệt là biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với số phiếu biểu quyết tán thành cao

Luật đã hoàn thiện hơn các biện pháp đang áp dụng trong thực tiễn, đồng thời đưa ra các biện pháp mới như: Biện pháp yêu cầu người bạo hành gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra bạo lực gia đình hay biện pháp phải thực hiện công việc phục vụ lợi ích cộng đồng. Việc yêu cầu này vừa là biện pháp ngăn chặn và bảo vệ người bị BLGĐ, đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa chủ động nhằm ngăn ngừa hành vi BLGĐ tiếp diễn. Ngoài ra, để đảm bảo các biện pháp này có tính khả thi cao trong thực tiễn, Luật còn quy định một chương riêng về điều kiện đảm bảo với các quy định về nguồn tài chính, cơ chế phối hợp liên ngành, hệ thống cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ...

 Thưa Thứ trưởng, hiện nay BLGĐ vẫn đang là một thực trạng nhức nhối, gây ra những câu chuyện đau lòng. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, Bộ VHTTDL đã có sự chuẩn bị như thế nào để khi Luật có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống, trở thành công cụ pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCBLGĐ?

- Đúng là BLGĐ đang nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác, đặc biệt từ khi có đại dịch Covid-19 đến nay, vấn đề này lại càng phức tạp hơn, có nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng hơn. Vì thế, việc Quốc hội sửa đổi Luật 2007 và thông qua tại kỳ họp lần này nhằm tăng cường hành lang pháp lý là một quyết định rất đúng, rất kịp thời, và không chỉ có ý nghĩa về chính trị khi đã cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam với quốc tế về quyền con người mà còn thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ, chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc.

Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ VHTTDL sẽ tích cực tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm như: Ban hành hệ thống các văn bản quy định chi tiết như Nghị định quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Phối hợp với Bộ Công an để sửa đổi Nghị định 144 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự nhằm bảo đảm hệ thống chế tài tương ứng với những quy định mới của Luật. Triển khai Kế hoạch tuyên truyền rộng rãi đến mọi tổ chức, cá nhân về những nội dung của Luật, đặc biệt là các quy định mới. Hướng dẫn chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân dành nguồn lực theo đúng quy định của Luật để triển khai công tác PCBLGĐ. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ trình Thủ tướng Chính phủ nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động để triển khai tốt trong thực tiễn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật trong thời gian tới.

Ngoài việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm triển khai Luật được phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và đi vào cuộc sống ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Nhân đây, Bộ VHTTDL xin gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã ủng hộ, đồng hành cùng Bộ trong suốt quá trình lập đề nghị, cũng như xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua Luật. Bộ VHTTDL mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hỗ trợ về nguồn lực tài chính để có thể nhanh chóng triển khai Luật đến từng gia đình và phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 HIỀN LƯƠNG (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top