Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Có dấu hiệu “tôn tạo quá tay”, ít chú trọng công tác bảo tồn

Thứ Sáu 18/11/2022 | 10:23 GMT+7

VHO- Như Văn Hóa đã đưa tin, hội nghị tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2022 và hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội” do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức tại TP.HCM. Tại đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương bày tỏ lo lắng trước tình trạng “tôn tạo quá tay”, chú trọng tôn tạo hơn công tác tu bổ, bảo tồn di tích.

 Đông đảo du khách nước ngoài tham quan Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc lập Tết Mậu Thân năm 1968”, tại TP.HCM

 Hiện nay, nhận thức của xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững. Một số địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa, còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; một số nơi chưa quan tâm đầu tư kinh phí đúng mức cho hoạt động tu bổ di tích dẫn đến tình trạng di tích bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân”, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Chúng ta nên nhận thức rằng, công tác bảo tồn di sản văn hóa không chỉ thuần túy là một lĩnh vực. Sự khác biệt với các lĩnh vực hoạt động văn hóa là ở chỗ, nó được đặt hoàn toàn trên nền tảng khoa học, cấu thành bởi các bộ môn như lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật học, kiến trúc và mỹ thuật, kỹ thuật chế tác và kỹ thuật xây cất, các bộ môn kỹ thuật và công nghệ khác. Do vậy, làm công tác bảo tồn di sản không thể không đòi hỏi kiến thức đa ngành, liên ngành”. Theo Thứ trưởng, trong công tác bảo đảm tồn tại lâu dài và tránh biến đổi của di tích, chúng ta nên tuân thủ phương châm ưu tiên số một là chăm sóc và bảo vệ thường xuyên di tích, ưu tiên thứ hai là tu sửa nhỏ và kịp thời; ưu tiên thứ ba là chấp nhận tu sửa lớn theo khoa học, tránh tình trạng khôi phục về dạng “hoành tráng” hơn.

Bên cạnh việc bắt buộc giữ lại cho được những yếu tố nguyên gốc của di tích hoặc chí ít là những thành phần gốc thì cần đặc biệt hạn chế việc thay thế vật liệu mới. Đòi hỏi này không chỉ xuất phát từ việc tiết kiệm những vật liệu gỗ quý đang khan hiếm mà còn là việc cứu vãn những cấu trúc tồn tại. Sự đảm bảo trường tồn cho vật liệu gốc xuất phát từ thực tế là đa phần các di tích của ta có nguồn gốc hữu cơ. Thứ trưởng nhấn mạnh, cần nhận thức cho đúng việc tôn tạo di tích. Những ưu tiên trong tôn tạo phải là những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng kỹ thuật và môi trường cho di tích tồn tại lâu dài, và ở chừng mực thích hợp và hợp lý, tạo những điều kiện thuận lợi cho tiếp cận và thưởng ngoạn di tích. “Còn hiện nay đang xảy ra tình trạng tôn tạo quá tay, chú trọng tôn tạo hơn là công tác tu bổ, bảo tồn”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, đây là dịp quan trọng để tập huấn chính sách của nhà nước đối với việc bảo vệ và phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh; đồng thời để lắng nghe ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học về những giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trước thực trạng công tác di sản của TP.HCM đang có những thuận lợi và khó khăn, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận kiến nghị, đề xuất với Bộ VHTTDL ủng hộ cho phép TP thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại TP để huy động nguồn lực xã hội trong công tác tu bổ di tích. Sở cũng kiến nghị Bộ ủng hộ chủ trương của TP về việc thành lập Bảo tàng TP.HCM tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc ở TP Thủ Đức. “Quy định chế độ hỗ trợ cho Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), hiện chỉ có Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, qua rà soát trên địa bàn TP.HCM thì không có nghệ nhân nào đáp ứng đủ tiêu chí Nghị định số 109 để được nhận hưởng hỗ trợ, mặc dù có một số nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật hiểm nghèo. Vì vậy, Sở kiến nghị Bộ xem xét bổ sung quy định chế độ hỗ trợ cho các NNND, NNƯT và điều chỉnh mức quy định hỗ trợ đối với các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn”, ông Thuận nêu.

Tại hội nghị, đại diện Sở VHTTDL Hà Giang đề xuất Bộ VHTTDL trình Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các nghị định về lĩnh vực di sản văn hóa; tiếp tục quan tâm hỗ trợ các địa phương kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích, đặc biệt là đối với các di tích ở các tỉnh miền núi biên giới, các di tích ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn… Đây cũng là ý kiến chung của hầu hết lãnh đạo ngành văn hóa của các tỉnh, thành.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, “chúng ta cần hướng tới chuẩn mực hóa của những người đảm trách công tác quản lý di tích, chuyên nghiệp hóa những người đảm trách công tác tu bổ di tích, từ cán bộ kỹ thuật đến người thợ. Chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa sẽ là sự đảm bảo cho di sản văn hóa được an toàn”. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top