Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tri ân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Thứ Sáu 18/11/2022 | 16:09 GMT+7

VHO- Sáng 18.11, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982- 20.11.2022). Dự buổi lễ tri ân có lãnh đạo Ban giám hiệu, các khoa, phòng, viện, trung tâm, các tổ chức chính trị, xã hội trong trường, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, các giảng viên thỉnh giảng và đông đảo sinh viên trong trường.

Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa cùng các  đại biểu, khách mời  trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên nhà trường

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ lời tri ân: Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất và truyền thống hiếu học, “tôn sư, trọng đạo” từ lâu đã trở thành giá trị, chuẩn mực của dân tộc Việt Nam. Ngày 20.11 hàng năm là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với các thầy cô giáo, dịp để chúng ta gặp gỡ và chúc mừng các thế hệ thầy giáo, cô giáo của Nhà trường, dịp để các thế hệ học viên và sinh viên nhớ đến công lao của các thầy cô.

Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ kỷ niệm

“Ngày này năm nay còn có thêm ý nghĩa bởi tròn 40 năm ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam- Ngày Nhà giáo Việt Nam, được thiết lập theo Quyết định số 167 của Chính phủ và sau gần 2 năm đất nước thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid- 19”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo nhà trường, Hiệu trưởng gửi lời chúc mừng đến các thế hệ thầy cô giáo trong và ngoài trường, các cán bộ viên chức của Trường qua các thời kỳ- những người đã, đang và sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp “trồng người” của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cho biết, năm học 2021 – 2022, tập thể sư phạm Nhà trường tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là: vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập đã đề ra; công tác chính trị, tư tưởng được quan tâm đã góp phần tạo nên bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trách nhiệm đối với công việc của cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Trường; Quy mô đào tạo ổn định với gần 7500 sinh viên, học viên và  nghiên cứu sinh; tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt loại giỏi, khá cao hơn so với năm học trước, số sinh viên trung bình và yếu giảm.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu tại lễ kỷ niệm

Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về đào tạo và nghiên cứu khoa học, làm căn cứ cho việc triển khai các hoạt động theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng. Công tác tuyển sinh đạt mục tiêu đặt ra. Chất lượng tuyển sinh đại học chính quy cao so với mặt bằng chung. Một số ngành/chuyên ngành thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn cao. Hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục ổn định và phát triển, với 11 đề tài cấp Bộ và thành phố đang được triển khai, 6 bài công bố trên tạp chí quốc tế, 114 bài đăng tạp chí trong nước, 41 tham luận hội thảo quốc tế, 49 tham luận hội thảo quốc gia; 12 đề tài nghiên cứu của sinh viên được hoàn thành. Hoàn thành kế hoạch thi tuyển viên chức để bổ sung cán bộ, giảng viên cho các đơn vị còn thiếu so với số lượng biên chế được giao. Hoàn thành báo cáo tự đánh giá cơ sở đào tạo theo yêu cầu của kiểm định chất lượng giáo dục. 
“Để đạt được những kết quả nói trên, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò Nhà trường, còn có sự chỉ đạo kịp thời và tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ VHTTDL, sự phối hợp hiệu quả, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân ngoài trường...”, Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hương cho biết. Thay mặt BGH, Hiệu trưởng bày tỏ lời cảm ơn các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân; sự tâm huyết, trách nhiệm và tinh thần quốc tế của các thầy cô giáo nước ngoài tình nguyện đến dạy cho sinh viên của Đại học Văn hóa Hà Nội.

Các tập thể, cá nhân thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng năm học 2020-2022

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhắc lại những câu nói, quan điểm từ những vĩ nhân, các học giả đã dành cho nghề giáo sự trân trọng đặc biệt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa"; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo"; hay như Quách Mạt Nhược- một học giả nổi tiếng của Trung Quốc cũng cho rằng “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng tròn rồi khuyết, nhưng ánh sáng người thầy thì không bao giờ tắt ".

Các tập thể được khen tặng danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" năm học 2020 - 2022

“Không phụ sự tin tưởng và trân trọng mà xã hội dành cho, suốt 63 năm qua, các thế hệ giảng viên và viên chức của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội luôn là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, tận tuỵ, sáng tạo; đức tính khiêm tốn, giản dị. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh to lớn, tinh thần đoàn kết, niềm tin vững chắc để Nhà trường dù ở giai đoạn nào, hoàn cảnh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo các giá trị văn hóa mới vẫn luôn được kế thừa và tiếp nối...”, Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hương khẳng định.

Lãnh đạo nhà trường các các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm

Lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, điểm lại truyền thống không chỉ để tri ân các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã cống hiến vì sự phát triển của nhà trường hơn 63 năm qua, mà còn để chia sẻ với các giảng viên trẻ rằng họ đã chọn một nghề vẻ vang và vinh quang nhất. Thế nhưng không có vinh quang và vẻ vang nào dễ dàng, đặc biệt với những người làm thầy, đòi hỏi một sự hy sinh, đam mê nghề nghiệp, sự nhiệt huyết trong công việc và hết lòng vì người học. “Hãy nỗ lực và cố gắng, bởi sự vẻ vang chỉ đến khi chúng ta là những “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo". Và cũng chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới có thể gìn giữ, phát huy và làm giàu thêm truyền thống của ngôi Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngôi trường đã được các thế hệ đi trước tạo dựng...”, PGS Phạm Thị Thu Hương nhắn nhủ.
Tại lễ kỷ niệm, Trường Đại học Văn hóa cũng tổ chức trao giải Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Những tiết mục xuất sắc thay lời tri ân gửi đến các thầy cô giáo từ hàng trăm sinh viên đến từ các khoa chuyên ngành đã được đón nhận những giải thưởng tôn vinh trong buổi lễ này.
Trước đó, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa cùng các vị khách mời đã trang trọng dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tượng đài của Người trong khuôn viên nhà trường.

BẢO VY; ảnh: CHIỀU PHỤNG

    
 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top