Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đề xuất xếp hạng di tích đối với cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn

Thứ Hai 21/11/2022 | 09:52 GMT+7

VHO-  Trung tâm Bảo tồn Di tích (Sở VHTT TP.HCM) vừa có buổi khảo sát và trao đổi về đề xuất xếp hạng di tích đối với cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn tại nhà số 499/20 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM.

Buổi làm việc lấy ý kiến về việc đưa công trình vào danh mục kiểm kê di tích

Đề xuất tên gọi “Garage Biệt động Sài Gòn”

Theo đó, cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn tại nhà số 499/20 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM do ông Dương Bửu Chánh (là con ruột ông Dương Văn Đức) và ông Trần Trọng Nghĩa (là cháu ông Dương Bửu Chánh) đứng tên chủ sở hữu. Trong đơn đề nghị xếp hạng di tích, gia đình đề xuất tên gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn”. Đại diện gia đình cho biết, qua quá trình sở hữu, quản lý, nhận thấy di tích có những giá trị tiêu biểu. Hiện nay, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là Câu lạc bộ) đang phối hợp với gia đình và các đơn vị chức năng tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại số 499/20 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM trở thành Di tích lịch sử - văn hóa của TP.HCM.

Trước đó, vào cuối tháng 7.2022, Câu lạc bộ có công văn gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử cách mạng Biệt động Sài Gòn tại địa chỉ nói trên. Công văn nêu rõ, trong thời kỳ kháng chiến, cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú của cách mạng, do ông Dương Văn Đức (tự Hai Diện, sinh 1928), là chủ nhà trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, nơi đây cũng là cơ sở sửa chữa ô tô có tên Garage Tự Lực, được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung.

Trong đó, tiêu biểu nhất là việc đồng chí Trần Văn Lai (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), cán bộ Biệt động Sài Gòn thường xuyên gửi 2 chiếc xe ôtô mang số hiệu NCE-345 và xe ôtô mang số hiệu EC-6045 cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để sử dụng phục vụ công tác đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn và được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào Dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Sau ngày giải phóng, cũng chính từ Garage này, đồng chí Trần Văn Lai với sự giúp đỡ của ông Dương Văn Đức đã tìm lại được 2 chiếc xe lịch sử trên, hiện 2 chiếc xe này đã là các hiện vật lịch sử Quốc gia được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (tại TP.HCM) và tại Bảo tàng Binh chủng Đặc Công (tại Hà Nội)…

 Trung tâm Bảo tồn Di tích và các đơn vị liên quan khảo sát, tham quan công trình cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn

Phục dựng về nguyên trạng để mở cửa cho người dân tham quan

Tại buổi làm việc vào ngày 17.11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, giao Trung tâm Bảo tồn Di tích chủ trì, lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định đối với nhà số 499/20 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10. Qua nghiên cứu sơ bộ, Trung tâm Bảo tồn Di tích nhận thấy công trình này có gắn với sự kiện lịch sử. “Tính đến thời điểm hiện nay, căn nhà này chưa thuộc danh mục kiểm kê di tích, đồng thời cũng chưa là di tích được xếp hạng, vì vậy mà việc kiểm kê di tích, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, nhằm bảo vệ các công trình, địa điểm có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học trước khi tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích, được ứng xử như di tích… Cuộc họp hôm nay Trung tâm muốn xin ý kiến của gia đình cũng như chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan về việc có cần đề xuất đưa công trình này vào danh mục kiểm kê di tích hay không?”, bà Hường cho biết.

Qua trao đổi tại buổi làm việc gồm lãnh đạo UBND phường 13; Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Phòng Văn hóa và Thông tin quận 10; Đại tá Trần Đức Thơ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định và đại diện gia đình, kết quả 100% đại biểu đồng ý đưa công trình vào danh mục kiểm kê di tích.

 Công tác cải tạo, sửa chữa bên trong công trình đang được tiến hành khẩn trương để kịp mở cửa cho người dân tham quan trong tháng 12 này

Bà Nguyễn Thị Thúy Hường cho biết, hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích đang tổng hợp Danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 trình hội đồng xét duyệt xếp hạng di tích cấp TP xem xét thông qua, sau đó sẽ trình UBND TP ban hành quyết định. “Song song với việc đưa công trình nhà số 499/20 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10 vào danh mục kiểm kê để kịp thời bảo vệ giá trị công trình di tích, thì Trung tâm sẽ tiến hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về công tác nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với di tích. Do đó Trung tâm rất mong gia đình, địa phương và đơn vị liên quan phối hợp để có thể nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến trong tuần này Trung tâm sẽ gửi danh mục kiểm kê di tích để trình hội đồng”, bà Hường thông tin thêm.

Đại diện Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cũng cho biết, cuối tuần qua, Câu lạc bộ và gia đình đã hoàn tất hồ sơ - lý lịch cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại số 499/20 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM để phục vụ quá trình thẩm định của Sở VHTT TP.HCM. Nếu như cơ sở này được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa, nơi đây sẽ trở thành một điểm quan trọng trong “Cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa của Biệt động Sài Gòn”, bao gồm các di tích đã được công nhận như Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968”, Di tích Lịch sử cấp Quốc gia “Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 Biệt động Sài Gòn”, Di tích “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”...

“Với bề dày lịch sử và thành tích, Câu lạc bộ đang tích cực cùng với gia đình ông Dương Văn Đức phục dựng về nguyên trạng di tích này và dự kiến mở cửa cho người dân tham quan miễn phí vào ngày 22.12.2022 nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2022)”, đại diện Câu lạc bộ cho biết.

Trong công văn gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM nói trên, Câu lạc bộ cũng chia sẻ: “Được biết hiện cơ sở cách mạng này đang nằm trong danh sách các hộ giải tỏa dự kiến theo phương án mở rộng hẻm 499 đường Cách mạng Tháng Tám của địa phương. Do đó, Câu lạc bộ kính báo cáo và kính đề nghị Thành ủy, UBND TP xem xét và chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp với Câu lạc bộ để bảo tồn, giữ gìn di tích lịch sử”. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top