Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Không ngại sự táo bạo và mới mẻ

Thứ Tư 23/11/2022 | 10:36 GMT+7

VHO- Diễn ra từ trung tuần tháng 11, đến nay Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã qua quá nửa chặng đường (15 - 26.11). Có thể khẳng định, tính thử nghiệm được nâng lên rất nhiều qua từng tác phẩm, từng vai diễn tại Liên hoan. Không còn sự tranh cãi về yếu tố thất bại hay thành công, sự kiện đã trở thành “bữa tiệc” thịnh soạn, chiêu đãi khán giả những sáng tạo tươi mới, táo bạo và đầy hấp dẫn…

 Vở “Sea Stories” của đoàn Patch Theater (Teatr Lata), Ba Lan

 Những vở diễn “không thể rời mắt”

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V chia sẻ: “Những người làm sân khấu đã thực sự được thưởng thức một “bàn tiệc” nghệ thuật bởi hai chữ thử nghiệm. Có thể khẳng định, dù ít, dù nhiều thì vở diễn nào tới đây cũng mang yếu tố thử nghiệm. Đặc biệt, có những vở đã chinh phục chúng tôi hoàn toàn, từ kịch bản, hình thức thể hiện cho tới diễn xuất của diễn viên. Và tôi chắc chắn, thưởng thức những tác phẩm thành công ở Liên hoan lần này, khán giả sẽ không thể thờ ơ với sân khấu”.

Có thể thấy, các đơn vị nghệ thuật đã phô diễn hàng loạt “phép thử”, như: Đạo diễn Nhật dựng kịch kinh điển của thế giới trên sân khấu kịch nói Việt Nam trong Hedda Gabler (Nhà hát Tuổi Trẻ); một nghệ sĩ về hưu nhưng vẫn phát lộ tài hoa và đam mê trong Giác (Hội Sân khấu Hà Nội), mang tới cách tiếp cận khán giả rất gợi mở bằng đối thoại những vấn đề trên sân khấu; một nghệ sĩ trẻ cải lương độc diễn 90 phút đồng hồ và biến các nhạc cụ thành các nhân vật để đối thoại trong Độc thoại đêm (Hội Sân khấu TP.HCM)...

Điều đặc biệt là xuất hiện những vở diễn tuy kịch bản cũ nhưng đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã thổi vào làn gió mới khi kết hợp giữa các thủ pháp sân khấu truyền thống với hiện đại như Antigone (Lucteam), Ê Đip làm vua (ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), Hoa khôi dạy chồng (Nhà hát Kịch Quân đội)...

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên lần này số lượng đơn vị nghệ thuật quốc tế tham gia Liên hoan giảm đi đáng kể, chỉ có 6 nước đăng ký nhưng đến phút cuối đoàn Ấn Độ và Pakistan đã không thể tới dự. Mới chỉ có 3/4 chương trình nghệ thuật quốc tế dự thi, nhưng các nghệ sĩ nước bạn cũng đã mang tới những thử nghiệm sân khấu độc đáo, mang dấu ấn rất riêng, đó là: I Fratelli Lehman của đoàn nghệ thuật Tom Corradini Teatro (Italia), Sea Stories của đoàn Patch Theater (Teatr Lata, Ba Lan), The Painted Skin của Singapore Raffles Music College (Singapore).

 “Antigone” của Sân khấu Lucteam (Việt Nam)

Đối thoại thẳng thắn và cởi mở

Một trong những nét đặc biệt nổi trội của Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm là cứ sau 3 chương trình, BTC lại có một cuộc tọa đàm với các thành phần sáng tạo và các nhà nghiên cứu, lý luận, nhà hoạt động nghệ thuật, các cơ quan truyền thông báo chí. Sự thẳng thắn trao đổi về ý tưởng của người làm và cảm nhận của người xem đã mang tới một không khí học thuật đầy cởi mở, giúp các nghệ sĩ có thêm góc nhìn mới về khái niệm “thử nghiệm”.

Những chương trình như Antigone (Lucteam), Hedda Gabler (Nhà hát Tuổi Trẻ), Ê Đip làm vua (ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), I Fratelli Lehman của đoàn nghệ thuật Tom Corradini Teatro (Italia), Sea Stories của đoàn Patch Theater (Teatr Lata, Ba Lan) được cả đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế đánh giá cao khi mang tới những trải nghiệm mới mẻ trên sân khấu. Tiếp cận kịch kinh điển bằng góc nhìn đương đại, ê kíp sáng tạo và đặc biệt là các đạo diễn tài năng đã làm sống lại những Antigone, Hedda Gabler, Ê Đip làm vua với cách xử lý không gian sân khấu mang tính ước lệ.

Nghệ sĩ Tom Corradini (Italia) cho biết: “Tôi vô cùng thích thú khi xem Antigone của sân khấu Lucteam. Đạo diễn Trần Lực đã tạo nên sợi dây liên kết giữa tác phẩm kinh điển của thế giới với khán giả hiện đại qua hình thức dàn dựng rất thành công”. Nghệ sĩ của Ba Lan lại chia sẻ, họ thích nhất là cách xử lý của nghệ sĩ Việt trong vở Độc thoại đêm khi dùng nhạc cụ truyền thống để tham gia đối thoại trên sân khấu.

Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng phục dựng lại “Lễ hội Minh Thề” - di sản văn hoá cấp quốc gia đã có từ lâu đời, nâng tầm tư tưởng cho một chương trình múa rối. 

 I Fratelli Lehman  của đoàn nghệ thuật Tom Corradini Teatro – Italia sử dụng ngôn ngữ hình thể

Về mặt bằng chung, các vở diễn tham gia Liên hoan có nhiều cách tân trong nghệ thuật, kỹ thuật và đặc biệt về sân khấu. Nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế hiện nay có xu hướng đơn giản hóa tối đa sân khấu, di chuyển gọn nhẹ và biểu diễn cũng hết sức cô đọng để tiết kiệm chi phí, công sức. Họ tiếp cận khán giả chủ yếu bằng hình thể, đây là xu hướng giúp cho nghệ thuật có thể vượt qua mọi rào cản của ngôn ngữ. Hai tác phẩm I Fratelli Lehman (Italia) và Sea Stories (Ba Lan) được các nhà làm nghệ thuật Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hai nghệ sĩ tài năng của đoàn Italia đã dùng ngôn ngữ kịch hình thể để biểu đạt một vấn đề lớn lao của xã hội khiến khán giả phải suy ngẫm, chiêm nghiệm. Đối tượng có thể thẩm thấu vở của đoàn Italia phải là từ lớp thanh niên, sinh viên. Trong khi ba nghệ sĩ kịch hình thể của Ba Lan cũng với ngôn ngữ kịch hình thể nhưng lại đậm phong cách đường phố vui nhộn, thu hút các khán giả nhí khi vẽ ra một không gian sân khấu đầy màu sắc.

“Tôi thích vở diễn này hơn vở diễn kia. Tôi thích nghệ sĩ của đoàn này hơn nghệ sĩ của đoàn kia...”, chưa bao giờ khán giả và những người làm sân khấu lại có thể thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình như trong các tọa đàm tại Liên hoan lần này. Vở diễn, đạo diễn hay nghệ sĩ được khen thì chắc chắn là niềm vui và hạnh phúc khi thử nghiệm của mình được chấp nhận; nhưng điều đáng nói là ngay cả những đơn vị, nghệ sĩ nhận lời phê bình cũng thoải mái với những cú “bắt tay” cảm ơn.

Thành công của một kỳ Liên hoan chưa thể khẳng định được sự hồi sinh của sân khấu, nhưng có thể thấy sân khấu vẫn luôn đổi mới, phát triển trong dòng chảy của xã hội hiện đại. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi cho biết: “Mong muốn của chúng tôi khi tổ chức các kỳ Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm chính là để tìm thấy cái mới, cái hấp dẫn cho sân khấu hiện nay. Nhưng dù phá cách, cách tân gì đi nữa, cũng cần làm tốt công tác khán giả…”. Còn đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Cái đích cuối cùng của vở diễn là phải đến được với khán giả. Họ phải hiểu được thông điệp mà mình muốn nói, thấy được cái đặc trưng nổi bật và cái hay mà nghệ thuật của mình đem tới. Tôi cho rằng, chỉ cần khán giả có thể xem hết vở và khi ra về họ vui vẻ, hỉ hả thì đó chính là thành công của nghệ sĩ chúng tôi”.

Đối với các đơn vị nghệ thuật Việt Nam, đây là dịp để nhìn lại mình và học hỏi nhiều điều ở các quốc gia có nền sân khấu phát triển. Ở chiều ngược lại, các nghệ sĩ nước ngoài cũng sẽ có cảm nhận và học hỏi cách làm hay của các đơn vị nghệ thuật Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho nền kịch nghệ của chúng ta ngày càng phát triển, vừa giữ gìn được những giá trị bản sắc, truyền thống, vừa tiệm cận với đời sống đương đại, nhằm phản ánh mọi hoạt động của cuộc sống cũng như định hướng thẩm mỹ cho khán giả. 

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top