Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giải pháp nào cho những người phụ nữ hoàn lương?

Thứ Năm 24/11/2022 | 15:40 GMT+7

VHO- Để trả giá cho hành vi phạm tội của mình, những phụ nữ phạm tội phải tập trung vào các trại giam, trở thành phạm nhân chấp hành án. Nhằm ngăn chặn, không để phạm nhân nói chung và nữ phạm nhân nói riêng sau khi chấp hành án phạt, trở về xã hội không tái phạm tội là vấn đề không chỉ riêng của ngành Công an mà là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm.

Phạm nhân nữ cũng rất đa dạng, phức tạp về thành phần. Nhiều phạm nhân nữ ngoan cố, chống đối lại sự quản lý giáo dục của các bộ phận chức năng, không chịu tiếp thu sự giáo dục cải tạo, khi hết hạn trở về vẫn tiếp tục phạm tội mới. Cũng có nhiều phạm nhân nữ trong quá trình cải tạo rất tốt nhưng sau đó trở về xã hội lại tái phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn

Mặc dù công tác giáo dục cải tạo phạm nhân của chúng ta thời gian qua đã cho nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện đúng chức năng là trường đời, giáo dục lại những con người đã một thời lầm lỡ, "khơi trong, gạn đục" để trả về  gia đình, xã hội những người lương thiện, có ích nhưng tình trạng tái phạm tội vẫn còn nhiều, tỉ lệ tái phạm tội cao (23.21%). Riêng phạm nhân nữ tỉ lệ tái phạm là 24,32%.

Thiết nghĩ, nếu làm tốt công tác giáo dục dạy nghề cho nữ phạm nhân ngay từ khi họ đang trong trại giam để họ thay đổi nhận thức, được trang bị những kiến thức chính trị, pháp luật và được học nghề, được nhận thức về giá trị đích thực của cuộc sống thì chắc chắn sẽ hình thành cách nghĩ, cách làm đúng đắn hơn sau khi mãn hạn trở về xã hội sẽ ít tái phạm tội hơn.

Chính vì vậy, để làm tốt công tác này hỗ trợ cho phạm nhân, nhất là phạm nhân nữ tái hoà nhập cộng đồng, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành luật về tái hòa nhập cộng đồng, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng đã chấp hành xong án tại các trại giam nói chung và đối tượng là phụ nữ nói riêng.

Thực tiễn hiện nay, định kiến của xã hội đối với người có án tích còn nặng nề; việc giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng này còn mang tính hình thức; sự quay lưng, bỏ mặc của cộng đồng và thái độ trốn tránh trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều tổ chức, đoàn thể. Từ đó, xã hội tồn tại tư tưởng mặc nhiên, coi nhiệm vụ quản lý, giáo dục đối tượng có án tích tại địa phương là nhiệm vụ của lực lượng Công an, nên sự tham gia phối hợp có chăng cũng trên các quy chế, kế hoạch. Điều này tạo rào cản vô hình đối với người có án tích tái hòa nhập cộng đồng, đó là sự mặc cảm, thù hận, bất cần, đồng thời tạo áp lực công việc cho lực lượng Công an cơ sở quá lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm đem lại hiệu quả thực sự bền vững trong phòng ngừa tái phạm tội đối với người có án tích thì việc xây dựng và ban hành luật về tái hòa nhập cộng đồng trong tình hình hiện nay là thực sự cần thiết và cấp bách. Khi luật ban hành sẽ có cơ sở xác định trách nhiệm của cá nhân, gia đình người có án tích; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể tại địa phương; trình tự, thời gian tiến hành các biện pháp cảm hóa, giáo dục, quản lý đối tượng; chế tài áp dụng đối với hành vi cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác cảm hóa, giáo dục đối tượng có án tích; thời hạn xác nhận tiến bộ; chính sách hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ hai, các cơ quan chức năng nghiên cứu mở những trung tâm xúc tiến việc làm, cơ sở kinh doanh, sẵn sàng tiếp nhận tất cả những phạm nhân được đào tạo nghề trong trại giam vào làm việc để họ có điều kiện phát huy những nghề đã được học để nuôi sống bản thân và gia đình mình. Việc làm này sẽ là nguồn động viên cổ vũ rất nhiều cho những phạm nhân đang cải tạo trong trại giam và chính là giúp cho các phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù, làm giảm đi điều kiện và nguy cơ tái phạm tội do không có nghề nghiệp, không có thu nhập.

Bộ LĐTB & XH cần phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nghiên cứu chi tiết để đánh giá lại công tác giáo dục, dạy nghề trong các trại giam đối với người chấp hành hình phạt tù có thời hạn; xem lại kết quả tái hòa nhập của phạm nhân nói chung và phạm nhân nữ chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương nói riêng.

Xây dựng, triển khai đề án về giáo dục nghề nghiệp cho phạm nhân theo hướng tay nghề có trình độ cao, chuyên sâu. Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy tỉ lệ người không nghề nghiệp phạm tội hằng năm chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là những đối tượng nghề nghiệp không ổn định và lao động tự do. Tỉ lệ đối tượng không có việc làm và không có nghề nghiệp để sinh sống sau khi chấp hành xong án phạt tù cũng khá lớn. Nếu không có kế hoạch đào tạo nghề đúng hướng trong thời gian họ thi hành án, thì số đối tượng này sau khi chấp hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng chính là nguy cơ dẫn đến tái phạm của họ.

 Để công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng ngừa tái phạm tội nói riêng đem lại hiệu quả bền vững, thể hiện tính nhân văn , Bộ Công an phải là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH nghiên cứu, xây dựng đề án giáo dục, dạy nghề theo hướng chuyên sâu, đào tạo nghề có trình độ cao cho phạm nhân, để khi ra trại họ sử dụng thành thạo tay nghề của mình, tạo thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Kiến nghị này nếu được quan tâm triển khai thực hiện, sẽ góp phần phòng ngừa tái phạm tội một cách hiệu quả và mang tính bền vững.

Thứ ba, về phía Bộ Công an phải ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ nữ làm công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý giáo dục phạm nhân nữ. Phải luôn luôn chú trọng đến đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phạm nhân nữ. Chú trọng và phát huy hiệu quả quan hệ phối hợp giữa trại giam và gia đình phạm nhân nữ để giúp họ yên tâm cải tạo, cải tạo tốt.

Việc dạy nghề cho phạm nhân nữ phải đảm bảo giúp họ thay đổi nhận thức về giá trị của lao động chân chính, để sau khi chấp hành án xong, họ có thể tham gia lao động sản xuất, làm ra sản phẩm nuôi sống bản thân và gia đình, từ đó thực hiện tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, không quay lại con đường phạm tội. Cần tính toán để dạy nghề cho phạm phạm nhân nữ phù hợp với từng độ tuổi, đặc điểm nghề nghiệp của họ trước khi vào trại, nơi cư trú và trình độ văn hóa cũng như khả năng ứng dụng nghề đã học khi chấp hành xong án phạt tù.

Cần hỗ trợ kinh phí để các trại giam dạy nghề cho phạm nhân nữ theo hướng chuyên sâu, ví dụ: có trại giam chuyên dạy nghề may, có trại chuyên dạy nghề thủ công... không nên để các trại giam tự khai thác thế mạnh của địa phương nơi đơn vị đóng quân và chỉ chú trọng việc làm ra sản phẩm nhưng ít chú ý đến tác dụng đào tạo nghề cho phạm nhân nữ. Vì vậy, phải quan hệ với TAND khi xét xử, ra quyết định phù hợp để phân bổ phạm nhân nữ về các trại giam có đủ các điều kiện đào tạo nghề phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của phạm nhân nữ có thể tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Trung tá LÊ VĂN TĂNG

                              HỌC VIỆN CẢNH SÁT NHÂN DÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top