Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Góp bàn về xây dựng hệ giá trị quốc gia: Trong giai đoạn mới, đề xuất 8 giá trị

Thứ Sáu 25/11/2022 | 10:39 GMT+7

VHO-  Giá trị là sự đánh giá của con người về cái hay, cái tốt, cái đẹp, cái có ích trong quan hệ với tự nhiên, xã hội và tư duy. Nhiều giá trị có mối quan hệ hữu cơ liên kết với nhau thì tạo thành hệ giá trị. Trong đời sống nhân loại có nhiều cấp độ giá trị: Giá trị cá nhân, giá trị gia đình, giá trị xã hội, giá trị quốc gia, trong đó hệ giá trị quốc gia có tính chất bao trùm nhất, thể hiện những giá trị cốt lõi, quan thiết, những khát vọng lớn của cả một quốc gia.

Di tích quốc gia Kỳ đài Hà Nội Ảnh: TR. HUẤN

Khi được xác định đúng, hệ giá trị quốc gia có tác dụng là kim chỉ nam định hướng, dẫn đạo sự phát triển của đất nước.

1. Từ lâu, các nền văn hóa, văn minh lớn trên thế giới đã có các hệ giá trị của mình. Trung Hoa cổ đại từng nổi tiếng với những giá trị có tầm bao quát xuyên thời gian như Ngũ phúc (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh), Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Những giá trị này đã góp phần đắc lực bình ổn xã hội và xây dựng các triều đại phong kiến hùng mạnh.

Văn hóa Hy La thời cổ đại cũng sở hữu bộ ba giá trị Chân - Thiện - Mỹ, làm nền tảng giúp phương Tây phát triển hưng thịnh. Nhờ khát khao tìm kiếm cái Chân mà khoa học, công nghệ phương Tây phát triển. Nhờ khát vọng thực hiện cái Thiện, đấu tranh không ngừng giữa cái Thiện và cái Ác mà phương Tây xây dựng được nền pháp quyền vững mạnh, phát triển tôn giáo để khuyến khích đạo đức. Nhờ ước muốn vươn tới cái đẹp mà phương Tây phát triển về hội họa, kiến trúc, âm nhạc, văn chương, thi ca...

Nước Pháp từng nổi tiếng với bộ ba giá trị Tự do - Bình đẳng - Bác ái đã giúp họ xây dựng thành công nền Cộng hòa sau Cách mạng Pháp năm 1789 và hiện nay đang xây dựng nền Dân chủ dựa trên bộ ba giá trị: Đa nguyên - Nhân quyền - Công lý. Nhìn chung, các hệ giá trị quốc gia đều phản ánh những mục tiêu lớn lao mà cả quốc gia phấn đấu đạt đến, từ các cấp lãnh đạo cao nhất đến toàn thể dân chúng, từ giới tinh hoa đến những người dân thường. Các giá trị này được giáo dục, khuyến khích trong các gia đình, nhà trường và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc quy tụ các cộng đồng, dân tộc để củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Với tầm quan trọng như vậy, nhiều nước đã coi trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia. Ở Đông Nam Á, Indonesia đi đầu trong vấn đề này. Ngay từ năm 1945, khi chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, là một đất nước trải rộng trên 13 nghìn hòn đảo và rất phức tạp về văn hóa, tộc người, Indonesia đã nhanh chóng ban hành 5 giá trị được gọi là Pancasila nhằm thống nhất quốc gia. Malaysia cũng ban hành Năm nguyên tắc quốc gia được gọi là Rukun Negara vào năm 1970 để đoàn kết một đất nước đa văn hóa, đa tôn giáo với nhiều mâu thuẫn. Quốc hội Singapore thông qua Các giá trị chung Singapore gồm 5 giá trị vào năm 1991. Trung Quốc sau nhiều lần điều chỉnh, đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII năm 2012 đã đưa ra “ba đề xướng” và ban hành “hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa mới Trung Quốc”, trong đó có 4 giá trị quốc gia: Thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa.

Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.

2. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ giá trị quốc gia như vậy, ngay từ năm 1996, Báo cáo chính trị tại đại hội VIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới”. Tuy nhiên, phải đến 18 năm sau, Nghịquyết số 33 của Hội nghịTrung ương 9 khóa XI mới bắt đầu quan tâm đến xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định rõ hơn: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Tuy nhiên, phải đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia mới được chính thức đặt ra trong sự gắn kết với các hệ giá trị khác: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Song trên thực tế, không phải đến bây giờ chúng ta mới tiến hành xây dựng các giá trị quốc gia. Những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam đã được chưng cất, tôi luyện trong suốt lịch sử dài lâu dựng nước và giữ nước của dân tộc. GS Trần Văn Giàu từng tổng kết 7 giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.

Bước sang chế độ mới, ngay từ Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật những giá trị thiêng liêng, cốt lõi của dân tộc là: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng..., trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Những giá trị căn cốt ấy được hiển hiện rõ ràng trong quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Cùng với thời gian, các giá trị được bổ sung, nâng tầm, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia. Chúng được đúc kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong Di chúc của Người (năm 1969): “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, các Nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng, đặc biệt là từ Đại hội VIII đến nay đều nêu cao những giá trị căn cốt ấy, đồng thời bổ sung và làm rõ thêm, như tách giá trị “giàu mạnh” thành “dân giàu, nước mạnh”, thêm các giá trị “công bằng”, “văn minh”...

3. Trên cơ sở nghiên cứu kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc, bổ sung các giá trị mới của thời đại, tham khảo tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng, đặc biệt là định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, bài viết xin đề xuất hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn mới gồm 8 giá trị: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Công bằng, Văn minh, Phồn vinh, Hạnh phúc, trong đó giá trị “phồn vinh” đã bao hàm “dân giàu, nước mạnh”, chỉ sự phát triển phồn thịnh của cả người dân và đất nước. Điều này cũng tương đồng với mục tiêu “xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” như tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việc xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia với nội hàm nêu trên là vô cùng cần thiết và cấp bách với những lý do sau:

Trên phương diện địa - chính trị, đất nước ta nằm ở một vị trí chiến lược luôn bị các thế lực bên ngoài dòm ngó, tranh giành ảnh hưởng. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á có vị thế quan trọng, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra căng thẳng. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đang gặp nhiều thách thức. Do vậy, việc củng cố các giá trị Hòa bình, Thống nhất, Độc lập vẫn luôn phải đặt ra, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường, giữ vững biên cương, lãnh thổ, bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Trên phương diện kinh tế, chúng ta mới là một quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng sau đại dịch Covid-19 và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraina; chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường; sự tiến bộ của khoa học công nghệ; sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; sự biến đổi khí hậu... đang là những thách thức lớn đối với mục tiêu: “Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Do vậy, chúng ta rất cần chú trọng xây dựng các giá trị Phồn vinh, Hạnh phúc.

Trên phương diện văn hóa - xã hội, hiện nay, tuy đất nước ngày càng phát triển về kinh tế, song phân hóa xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, nhân cách, tham nhũng, xa hoa, lãng phí, tiêu cực có chiều hướng lan rộng... Đó chính là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn, thậm chí là khủng hoảng các giá trị. Do vậy, rất cần tập trung xây dựng các giá trị Dân chủ, Công bằng, Văn minh. Một xã hội dân chủ, nơi quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ quy tụ được sức mạnh toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công bằng tiến tới xóa bỏ bất công, bất bình đẳng, đặc quyền, đặc lợi. Văn minh không chỉ về đời sống vật chất, mà còn là văn minh tinh thần thể hiện trong văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt chính trị, xã hội, giáo dục, đào tạo, thực thi pháp luật...

Xét trong mối quan hệ biện chứng, thì sự phồn vinh, hạnh phúc chỉ đạt được khi có dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời có phồn vinh, hạnh phúc thì mới bảo vệ được độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước và ngược lại.

Do vậy, việc xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia - hệ giá trị nền tảng, tiên quyết, chi phối các hệ giá trị khác - hiện đang đặt ra cấp thiết. Hệ giá trị quốc gia sẽ quyết định tầm nhìn, chiến lược phát triển cũng như các quyết sách, nguồn lực ưu tiên đầu tư giúp chúng ta phát triển nhanh, vững chắc và thành công. 

 GS.TS TỪ THỊ LOAN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top