Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phim tài liệu “Trời Hà Nội xanh”: Nhìn lại cuộc chiến 12 ngày đêm chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội

Thứ Năm 08/12/2022 | 22:13 GMT+7

VHO- Điện ảnh Quân đội nhân dân đã cho ra đời nhiều bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng. Riêng sự kiện 12 ngày đêm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng đã có nhiều bộ phim giá trị với những cách tiếp cận, thể hiện khác nhau. Nhìn lại sự kiện lịch sử này sau 50 năm, những người làm phim của Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã có độ lùi thời gian để chọn các sự kiện, chi tiết, nhân vật một cách thấu đáo, điển hình như trong bộ phim tài liệu Trời Hà Nội xanh.

Trời Hà Nội xanh gồm hai tập: Bầu trời của đạn bom và Bầu trời của hoà bình

Trời Hà Nội xanh gồm hai tập, nhìn lại cuộc chiến 12 ngày đêm chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội. Độ lùi thời gian và tư liệu dày dặn là lợi thế để thực hiện bộ phim, nhưng cũng là khó khăn với êkip thực hiện. Thời gian qua đi, nhiều nhân chứng lịch sử năm xưa đã già yếu, trí nhớ không còn minh mẫn hoặc đã đi xa, khó cho việc phục hồi lại tư liệu gốc. Cũng đã có nhiều bộ phim tài liệu về sự kiện này, vậy làm thế nào để tránh lặp lại? Trả lời câu hỏi đó, những người làm phim và ban lãnh đạo của Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã bàn để tìm được một cách nói mới, một lối kể mới.

Êkip thực hiện và nhân vật trong phim

Tập 1 Bầu trời của đạn bom tái hiện bối cảnh đế quốc Mỹ muốn gây sức ép buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Paris, đánh phá hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; đã dùng siêu pháo đài bay B52 tập kích Hà Nội và một số thành phố khác tại miền Bắc Việt Nam. Để đối phó với cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân chủng Phòng không đã vượt qua mất mát, đau thương, tích cực nghiên cứu cách đánh B52. Trong 12 ngày đêm bão lửa bom đạn, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam.

Êkip thực hiện và nhân vật trong phim

Tập 2 Bầu trời của hoà bình tập trung thể hiện những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh phi công Mỹ trong năm 1972- 1973; thể hiện cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ khi họ ở tại trại giam Hà Nội và sau khi được trở về với gia đình. Về phía Việt Nam, nhiều phi công không may mắn được như vậy. Các anh đã giành cả thanh xuân, tuổi trẻ, sự sống để giữ hòa bình cho bầu trời Tổ quốc. Nhiều năm sau khi chiến tranh lùi xa, các phi công Mỹ quay lại Việt Nam với mong muốn hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại… Trong tập phim, hình ảnh Hà Nội thanh bình và tươi đẹp ngày hôm nay, thành phố vì hòa bình cũng được khắc họa. Trên hết, phim ca ngợi khát vọng hòa bình và trái tim bao dung của người Việt Nam.

Hình ảnh trong phim

Nguồn tư liệu phong phú về sự kiện Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một lợi thế, nhưng với Thượng tá Phạm Thanh Hùng, đạo diễn tập phim Bầu trời của đạn bom thì cái khó nhất khi làm phim tài liệu không phải ở việc tìm tư liệu, mà là cách thể hiện bộ phim như thế nào. Với một sự kiện lịch sử lớn đã có nhiều bộ phim thành công, người đi sau phải tìm ra được cách kể câu chuyện mới, khai thác những khía cạnh mới. Bên cạnh đó, việc mở rộng nhân vật cũng là một khó khăn bởi nhân chứng còn cũng hầu hết đã ở tuổi cao, sức khỏe và trí nhớ không còn tốt. Việc xác minh lại những thông tin liên quan lịch sử, sự khác nhau giữa thông tin có được với thực tế khi đến tìm hiểu trực tiếp… cũng đòi hỏi đạo diễn phải rất cẩn trọng, cân nhắc lựa chọn.

Nhà văn Hà Đình Cẩn khi xây dựng kịch bản phim đã nói rằng: “Nhìn lại sau 50 năm, không ít người thấy có đêm bộ đội Phòng không Không quân và các lực lượng dân quân tự vệ bắn cháy đến sáu máy bay B52 thì coi như người lính phòng không có mắt thần, có thiên bẩm, cứ bắn là trúng. Đâu phải thế. Không có mắt thần nào cả. Chỉ là mắt của những người lính nhìn lên bầu trời, sẵn sàng hy sinh cho bầu trời Thủ đô chiến thắng. Những đôi mắt tinh tường và bình tĩnh đến gan góc, từng trải qua nhiều lần sống chết, tìm ra cách đánh B52, phải nhìn thấy kẻ thù lẩn khuất trong mớ nhiễu rối loạn trên màn hình”.

Bởi vậy, trong tập 1 phim có một trường đoạn về quá trình tìm cách đánh B52, theo chỉ thị của Bác Hồ. Đã có nhiều hy sinh, những bài học từ thực tiễn trên trận địa, bài học của những lần thất bại, cùng với kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học phòng không, không quân, nhiều sĩ quan chỉ huy, trắc thủ giàu kinh nghiệm, để đúc kết thành cuốn cẩm nang “Cách đánh B52”. Sau đó là liên tục nghiên cứu, bổ sung, cải tiến phương pháp, cách đánh… qua thực tiễn để có 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường bảo vệ bầu trời Hà Nội.

 Phim chọn cách kể bằng chính câu chuyện của nhân vật, cảm động và thuyết phục người xem. Những nhân vật xuất hiện trong phim hầu hết là những người từng trực tiếp chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trên trận địa. Một số hình ảnh về họ được khai thác trong kho tư liệu phim của Điện ảnh Quân đội Nhân dân, một số được thực hiện ghi hình hôm nay thông qua dòng hồi tưởng. Điều đó làm cho bộ phim giàu tính chân thực hơn bất cứ lời bình nào. Phim cũng giành thời lượng để nói về các anh hùng phi công từng bắn rơi máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm đã hy sinh, chưa có điều kiện kể nhiều về họ. Và thay vì kể về các chiến công của từng trận đánh, phim đã đi vào giới thiệu những địa chỉ máy bay B52 rơi trên đất Hà Nội. Mỗi một điểm máy bay rơi tại chỗ là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về chiến thắng của thế hệ bảo vệ bầu trời nửa thế kỷ trước.

Thượng tá Phạm Thanh Hùng được tin tưởng là người hoàn thành tốt tập phim này. Anh cũng từng đạo diễn phim “Lửa từ thành cổ” nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị. Còn với đạo diễn trẻ Bùi Thanh Hải, tập 2 Bầu trời của hòa bình là bộ phim thứ 4 mà anh tham gia.  Cùng niềm tự hào, với đạo diễn trẻ, áp lực cũng rất lớn. Nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và thể hiện những thông điệp qua một tập phim tài liệu gần 30 phút, đó không phải là việc dễ dàng đối với một đạo diễn trẻ.

Hình ảnh trong tập 2- "Bầu trời của hoà bình"

“Tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của ban lãnh đạo, các đạo diễn, đồng nghiệp trong cách tìm hiểu tư liệu, tiếp cận nhân chứng... Quá trình làm bộ phim đã mang đến cho tôi những cảm xúc, ấn tượng đặc biệt để hiểu hơn về những hy sinh mất mát của các thế hệ cha anh và giá trị của hòa bình. Đó là khi các nhân chứng phi công Mỹ còn sống chia sẻ câu chuyện và cảm nhận của họ sau cuộc chiến; hoặc câu chuyện cảm động về liệt sĩ, phi công Hoàng Tam Hùng bắn rơi 2 chiếc máy bay địch rồi hi sinh vào ngày cuối cùng của trận chiến, ngay trước thềm chiến thắng của ta…”, đạo diễn trẻ Bùi Thanh Hải bộc bạch.

Hình ảnh trong tập 2- Bầu trời của hoà bình

Với cái nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội - Việt Nam đầy quả cảm, bao dung, đã vượt lên những đổ nát, hi sinh, đau thương để xây dựng lại cuộc sống; đã cao thượng khi đối xử với những kẻ thù- tù nhân phi công; và sau đó sẵn sàng hóa giải hận thù để hướng tới tương lai. Thông qua bộ phim Trời Hà Nội xanh, những hình ảnh chân thực, sống động về sự kiện lịch sử chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tái hiện. Lịch sử đó cần phải được trao truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay để thêm hiểu và quý trọng giá trị hòa bình.

Về tên gọi bộ phim, nhà văn Hà Đình Cẩn chia sẻ: “Có ý kiến trao đổi với chúng tôi về tên phim, nên chăng là Bản anh hùng ca trên bầu trời Hà Nội. Chúng tôi xin giữ tên Trời Hà Nội xanh, bởi cái tên đó không chỉ giản dị mà là kết quả cuối cùng của trận chiến đấu, cũng là ước mơ của mỗi người Hà Nội hôm nay, chính là trên đầu họ là bầu trời xanh hòa bình và hạnh phúc".

HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top