“Đối thoại với tương lai”: Thành công từ sự khác biệt

VHO- Sau các sự kiện truyền cảm hứng tới cộng đồng phụ nữ, phát triển có trách nhiệm và bền vững với cộng đồng doanh nghiệp, Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) vừa tổ chức sự kiện cuối cùng trong năm 2022 truyền cảm hứng cho giới trẻ tại Việt Nam: “Đối thoại với tương lai”.

“Đối thoại với tương lai”: Thành công từ sự khác biệt - Anh 1

 Các diễn giả đã mang đến những câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng Ảnh: THÙY TRANG

Tại đây, các gương mặt trong danh sách Under 30 đã chia sẻ về những câu chuyện riêng của họ, tinh thần tuổi trẻ năng động và khát khao, vượt qua nhiều khó khăn để đạt thành công, duy trì cuộc sống cân bằng, mạnh mẽ cả về thể lực và trí tuệ.

Tinh thần tuổi trẻ

Không đi theo những lối mòn truyền thống, thế hệ trẻ có những định nghĩa của riêng mình về sự thành công, họ sẵn sàng theo đuổi những đam mê cá nhân và gặt hái thành quả từ sự dấn thân đó trên con đường xây dựng sự nghiệp.

Tại phiên thảo luận đầu tiên, các diễn giả đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của từng cá nhân. Cường Nguyễn, đồng sáng lập, Giám đốc sản xuất Amanotes (U30 năm 2020) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương (năm 2012), anh “loay hoay” tại một số doanh nghiệp khi chưa định hình được con đường tương lai. Với mơ ước được làm những công việc sáng tạo, tạo ra giá trị mới, Cường đã bắt tay với Võ Tuấn Bình, người đã “thai nghén” kế hoạch xây dựng game về nhạc cụ. Theo đó, Cường phụ trách xây dựng chiến lược, vận hành sản phẩm và marketing. Cường Nguyễn quan niệm: “Thước đo thành công của một doanh nghiệp ngành game không đến từ số lượng lượt tải về, cũng không phải là doanh thu, mà điều quan trọng nhất là đội ngũ học hỏi được gì từ đó, có thể làm gì để cải thiện những phiên bản sau và phát triển những game khác tốt hơn”. Chính vì thế, xuyên suốt quá trình vận hành, đội ngũ Amanotes đã nhận ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó, bài học về sự tập trung luôn được duy trì và phát huy.

“Từ một start-up chỉ có 2 người, đến nay Amanotes đã có 150 nhân sự và trở thành công ty lớn nhất trong phân khúc game âm nhạc. Chúng tôi đang tiếp tục hành trình với những ước mơ lớn hơn bằng nguồn lực của chính những người trẻ dám ước mơ, dám thực hiện”, Cường tự hào chia sẻ. Còn với Hà Thị Tú Phượng, đồng sáng lập và CEO MeTub Network, vì khởi nghiệp khi còn khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nên gặp không ít khó khăn trong chiến lược và quản trị nhân sự. Tuy nhiên cô luôn tâm niệm rằng “dù không thích cũng phải học, phải biết để có thể quản lý và làm việc với nhân sự”. Chính sự lạc quan và tinh thần không ngừng học hỏi đã giúp Phượng vượt qua mọi khó khăn và đưa MeTuB ngày càng phát triển. Tú Phượng rút ra bài học cho chính bản thân mình, trên con đường khởi nghiệp hãy giữ cái đầu lạnh để sáng suốt phân tích và tư duy chiến lược. Song hành là suy nghĩ tích cực và quyết tâm trước những khó khăn. “Mình không cổ xuý cho việc khởi nghiệp vô tội vạ, với mình chỉ nên khởi nghiệp khi các bạn có đủ ba yếu tố: Tiềm lực tài chính đủ mạnh, sản phẩm có thị trường phát triển và có người đồng hành đi cùng mình”, Tú Phượng đúc kết.

Dám phá bỏ các khuôn mẫu truyền thống

Có thể thấy, thế hệ Millennials (thế hệ trước tuổi 30) đang chiếm khoảng 35% dân số Việt Nam, là lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và sẽ trở thành nhà lãnh đạo của tương lai. Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay khao khát, có sức bật mạnh mẽ, năng động nhất trong việc tiếp cận các xu hướng mới. Họ tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh công nghệ, thử nghiệm sáng tạo và thực thi các ý tưởng kinh doanh mới.

Chính trong phiên thảo luận “Thành công từ sự khác biệt”, những gương mặt Under 30 các năm chia sẻ về con đường khám phá khả năng tốt nhất, khơi dậy những tiềm ẩn của bản thân, dám phá bỏ các khuôn mẫu truyền thống để chọn những con đường khác biệt. Những chia sẻ này đã gợi mở cho một xã hội hiện đại, đa dạng và cởi mở, khơi dậy các đam mê, đánh thức tiềm năng của mỗi cá nhân trên con đường khẳng định bản thân. Nguyễn Thị Thu Hà, đồng sáng lập COO MindX Group (U30 năm 2020), chỉ mới 27 tuổi nhưng cơ ngơi của MindX mà cô đang điều hành thực sự đồ sộ với hơn 9.000 học sinh, 5.000m2 mặt sàn không gian làm việc chung tại 2 trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM. Thu Hà cho biết, cơ duyên khởi nghiệp khi gặp hai người bạn có cùng lý tưởng, cùng tầm nhìn. Có chung niềm trăn trở, tại sao Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành một trung tâm nhân lực công nghệ cao của thế giới nói chung và khu vực nói riêng, nhưng khâu đào tạo về mảng này còn đang khá yếu? Trong khi, tại các nước phát triển, học sinh được tiếp cận công nghệ từ rất sớm, nên có điều kiện sớm phát hiện khả năng của bản thân, để từ đó dễ dàng xác định con đường đi cho tương lai.

Cũng từ những trăn trở ấy, đầu năm 2016, các lớp học công nghệ về lập trình, robotics, đồ họa máy tính, 3D, VR/AR, làm phim/video… lần lượt ra đời với tên gọi Techkids. Đầu tiên chỉ có một lớp với 10 học sinh, sau tăng dần lên 2 lớp, rồi hình thành một trung tâm. Sau một thời gian vận hành êm xuôi, Thu Hà phát hiện tình trạng buổi tối lớp học đều kín chỗ, trong khi đó ban ngày lại rất trống và rất lãng phí. Cô nhanh chóng rủ một số người bạn start-up về không gian làm việc chung, bắt đầu từ sáng đến 16h30, trước khi các lớp học bắt đầu lúc 7h tối. “Tôi phải rèn độ lì lợm cảm xúc và học hỏi, trau dồi bản thân để nâng tầm của người lãnh đạo lên rất nhiều. Mọi việc từng bước đi qua thuận lợi. Điều quan trọng là không có gì giới hạn giấc mơ của mình nếu như bạn luôn ở thế sẵn sàng đối mặt với thách thức để đi đến cùng”, Hà tâm sự.

Còn với Khôi Hà, nghệ sĩ cắm hoa (U30 năm 2020), “đam mê và sự cầu tiến” chính là từ khóa để thành công của anh chàng này. “Nhiều người cho rằng, thiết kế hoa là công việc nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thật ra đây là công việc vất vả, áp lực”, anh nói. Thế nhưng với niềm đam mê bất tận và luôn luôn cầu tiến trong công việc, Khôi Hà đã không ngừng học hỏi dù cho vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Anh cho biết, mỗi ngày, bản thân phải học hỏi thêm những kiến thức qua báo chí, sách vở, đặc biệt là những buổi workshop ở nước ngoài. Chính sự học hỏi đã tạo nguồn cảm hứng và động lực duy trì được đam mê, giúp cho Khôi Hà vinh dự là người đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận bởi Hiệp hội Nhà thiết kế hoa của Mỹ (AIFD). “Một trong 3 người thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của tôi từng nói rằng, là một nghệ sĩ thiết kế hoa phải có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm và biết rung động trước cái đẹp. Tuy nhiên muốn có tâm hồn biết rung động trước cái đẹp phải có kinh nghiệm, kỹ thuật và nghệ sĩ muốn có kinh nghiệm nhất định phải học hỏi không ngừng”, anh chia sẻ. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc