Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những “nhịp cầu” kết nối, lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật dân tộc

Thứ Sáu 23/12/2022 | 09:41 GMT+7

VHO- Nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, gần đây, nhiều CLB đã được thành lập trên khắp các tỉnh thành, thu hút đông đảo công chúng, từ đó lan tỏa mạnh mẽ hơn các giá trị mang bản sắc dân tộc.

 Nhiều CLB đã được thành lập trên khắp các tỉnh thành, thu hút đông đảo công chúng, từ đó lan tỏa mạnh mẽ hơn các giá trị mang bản sắc dân tộc Ảnh: ITN

 Cùng cộng đồng bảo tồn, thúc đẩy nghệ thuật dân gian

Vừa qua, Sở VHTTDL Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Krông Pắk tổ chức lễ ra mắt CLB hát Then - đàn Tính dân tộc Tày, Nùng tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk) với 26 thành viên ở độ tuổi từ 17-65. Dịp này, Sở VHTTDL Đắk Lắk đã tặng 10 cây đàn Tính, 10 bộ trang phục Tày, Nùng truyền thống cho CLB. Lớp truyền dạy hát Then - đàn Tính cũng được tổ chức nhằm phát hiện, bồi dưỡng kịp thời những cá nhân có năng khiếu để tạo đội ngũ kế cận trong tương lai, phát triển khả năng, kỹ năng và nâng cao trình độ nghệ thuật hát Then, đàn Tính trong nhân dân.

Xã Ea Kênh hiện có 2.972 hộ với 13.414 nhân khẩu; trong đó, người dân tộc Tày, Nùng chiếm 14,7% dân số toàn huyện, sống tập trung tại 2 thôn Thanh Xuân và Thanh Bình. Từ các tỉnh phía Bắc vào định cư, bà con đã mang theo điệu hát Then - đàn Tính đến vùng đất mới, trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng 49 dân tộc tại địa phương.

Trước đó, tháng 7.2022, CLB hát Xẩm Tâm Việt cũng đã được ra mắt tại Hà Nội, kết nối cộng đồng những người yêu Xẩm. Việc ra mắt CLB là một dấu mốc, ghi nhận sự quay lại của nghề hát Xẩm trong đời sống sinh hoạt của người khiếm thị. Với sự giúp đỡ và hướng dẫn của Nghệ nhân Đào Bạch Linh, hiện nay, CLB hát Xẩm Tâm Việt đã và đang có nhiều hoạt động đào tạo, biểu diễn, góp phần cùng cộng đồng bảo tồn, quảng bá và phát huy để Xẩm sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống, UBND xã Sông Trà, Hiệp Đức, Quảng Nam cũng vừa phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã ra mắt CLB Văn hóa Cồng chiêng. Đây là CLB văn hóa Cồng chiêng đầu tiên được thành lập trên địa bàn 3 xã vùng cao của Hiệp Đức, có 20 thành viên là nghệ nhân, hạt nhân có năng khiếu sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật Cồng chiêng…

Mới đây, CLB diễn xướng Cồng chiêng dân tộc Thổ và CLB Văn hóa dân gian dân tộc Thổ cũng vừa được UBND huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An quyết định thành lập, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Thổ cấp huyện; UBND huyện Đô Lương, Nghệ An đã quyết định thành lập mới 7 CLB dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh tại các xã. Tính đến tháng 8.2022, huyện Đô Lương đã có 15 CLB dân ca Ví giặm, nhiều CLB hoạt động hiệu quả và có sức lan tỏa, phát huy giá trị di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.

Gắn bảo tồn bản sắc với phát triển du lịch

Bà Võ Thị Phượng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, phong trào hát Then - đàn Tính ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk thu hút nhiều người tham gia và hưởng ứng. Vì vậy, CLB được thành lập nhằm tạo không gian sinh hoạt vui tươi, lành mạnh, đưa hát Then - đàn Tính vào nề nếp, có chiều sâu và tiếp tục được nhân rộng. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, loại bỏ những hủ tục, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Tại Lạng Sơn, phát huy những thế mạnh văn hóa dân gian bản địa, tỉnh đang tiếp tục triển khai mô hình CLB văn hóa dân gian với giải pháp đồng bộ, cụ thể, thiết thực, bảo đảm khả thi để góp phần bảo tồn, gìn giữ những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng VHTT huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Phong trào văn hóa, văn nghệ đã lan tỏa rộng khắp đến tất cả các thôn, bản, khu phố. Vào những buổi tối, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, bà con tập luyện, tham gia các CLB rất tích cực, sôi nổi dù kinh phí hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Chúng tôi cũng gắn với việc phát triển du lịch, hiện nay đang hướng tới các CLB tham gia biểu diễn, trình diễn, quảng bá các làn điệu dân ca để phục vụ du khách khi tới tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để hỗ trợ các CLB đầu tư, duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Có thể thấy, một trong những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chính là việc thành lập CLB nghệ thuật truyền thống ở các địa phương. Từ đó, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc với phát triển du lịch. Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong bảo tồn, khôi phục các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian và một số sinh hoạt văn hóa dân gian khác có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Thực tế hoạt động của nhiều CLB cũng cho thấy những đóng góp trong việc tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với lớp trẻ qua các hoạt động đa dạng như: Sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua đó, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. 

 TRUNG NGHĨA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top