Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc mất​​​​​​​ hàng chục cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm: “biến mất”cách đây gần 5 năm mới phát hiện?

Thứ Sáu 23/12/2022 | 10:04 GMT+7

VHO- Trước sự “biến mất” một cách đầy bí hiểm của hàng chục cuốn sách cổ là di sản văn hóa Hán Nôm khiến dư luận bức xúc, Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa ra “Thông cáo về sự việc 25 cuốn sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất thoát”. Điều đáng nói, Viện này không cung cấp cụ thể tên các đầu sách bị “thất thoát”, giá trị của những cuốn sách đó ra sao?

 Hình ảnh cuốn “Nam quốc địa dư” được số hóa cũng bị cho là thất thoát

 Theo thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, khoảng tháng 3 - 4.2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Viện đã làm việc với người quản lý kho sách để chấn chỉnh, dự kiến các giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý sách tránh thất thoát; đồng thời lên kế hoạch tổng kiểm kê nhằm tìm kiếm các cuốn sách bị lạc và đối soát tất cả các văn bản khác đang lưu trữ tại Viện.

Vẫn chưa xác định mất hay thất lạc

Đến tháng 4.2022, sau khi có thể khôi phục điều kiện làm việc bình thường, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Thông qua 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời), trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST. Về thác bản bia, thiếu 6 thác bản.

Số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại vật lý (theo tình trạng tự nhiên của bảo quản) là khoảng 4.000 quyển (hơn 10% số sách gốc), có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa chưa tu bổ, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển; nhóm này cần thực hiện tu bổ sớm để bảo quản lâu dài. Toàn bộ sự việc đã được báo cáo chi tiết trong buổi họp Chi bộ và họp cán bộ chủ chốt, Hội đồng khoa học của cơ quan ngày 14 - 15.7.2022. Viện tiếp tục cho rà soát, tìm thêm được 4 quyển (do để sai chỗ trên giá). Như vậy tổng số sách chưa thấy trên giá (mất, hoặc thất lạc) hiện là 25 quyển. Về thác bản bia, tìm được 4 thác bản (để sai chỗ), còn 2 thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng.

Cũng theo thông cáo, ngày 30.9.2022, Viện đã ký văn bản bàn giao kho sách cho người quản lý mới. Đồng thời, Viện đã tổ chức làm vách ngăn để chia các phân kho, thay đổi quy trình quản lý sách gốc, giao trách nhiệm quản lý kho cụ thể, tránh nguy cơ tiếp tục thất thoát tài liệu. Sau đó, Viện tiếp tục cho kiểm kê kho sách tại Thư viện (gồm sách tiếng Việt và ngoại ngữ, không phải sách Hán Nôm) để thực hiện tổng kiểm kê tài liệu. Viện dự định sẽ báo cáo tổng hợp toàn bộ các tài liệu, bao gồm tài liệu Hán Nôm và tài liệu mới. Công việc kiểm kê kho sách mới tại Thư viện dự kiến hoàn thiện trong đầu năm 2023. Ngày 15.12.2022, Viện đã có công văn báo cáo cấp trên về sự việc 25 cuốn sách để xin ý kiến giải quyết. Ngày 16.12.2022, Viện đã họp Hội nghị Cán bộ chủ chốt, Hội đồng khoa học, trong đó có nội dung báo cáo tình hình kho sách. Chiều ngày 19.12.2022, Viện đã họp tổng kết đơn vị, trong báo cáo tổng kết đã thông báo nội dung về 25 cuốn sách. Đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm dự buổi họp tổng kết đã có ý kiến chỉ đạo Viện tiếp tục rà soát tìm sách, xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Viện sẽ lập hội đồng riêng để xem xét cụ thể vấn đề này. Sự việc đang được tổ chức giải quyết.

“Đây là một sự việc đang được tổ chức giải quyết, đã công khai thông tin trong nội bộ đơn vị và báo cáo cấp trên. 25 quyển sách này đã có bản scan màu hoặc bản photocopy làm từ trước (tức là nội dung sách không bị mất), tuy nhiên việc tìm kiếm các cuốn sách thất lạc vẫn đang được Viện đặt lên hàng đầu, bao gồm cả việc rà soát trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách bị lẫn giá. Thời điểm sách bị thất lạc (mất, không thấy trên giá) tạm thời được xác định là khoảng 5 năm gần đây. Viện đã và đang tổ chức rà soát lại để tìm sách, xác định giá trị nội dung từng sách (qua các bản scan hoặc photocopy còn lưu), và xác định trách nhiệm liên quan”, thông cáo viết.

 Cuốn “Toàn Việt thi lục” cũng bị cho là thất thoát

Vì sao không cho biết?

Vì sao trong “Thông cáo về sự việc 25 cuốn sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất thoát” lại không hề có thông tin đó là những cuốn sách nào, niên đại, tên của nó là gì, giá trị như thế nào, mà chỉ cung cấp chung chung “thất thoát” 25 cuốn sách? Đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm, sao lại có thể “ỉm đi” như vậy, hay cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định được đó là sách cổ nào?

Trong khi đó trên mạng xã hội và báo chí xuất hiện thông tin, hai trong số 25 cuốn sách bị “thất thoát” có độc bản “Việt âm thi tập”. Được biết “Việt âm thi tập” (Tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt) là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do Phan Phu Tiên (1370 - 1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc. Căn cứ bài biểu dâng sách của Chu Xa, “Việt âm thi tập” gồm 6 quyển, với 624 bài thơ của 119 nhà thơ dưới các triều đại từ Trần đến Lê sơ. Có thơ của người làm quan và không làm quan, của người Việt Nam làm quan ở Trung Quốc và của người Trung Quốc đi sứ sang Việt Nam. Mỗi nhà thơ đều có tiểu sử và sau mỗi bài đều có điển tích. Tuy nhiên, theo lời của Lý Tử Tấn, sách có hơn 700 bài. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bộ “Việt âm thi tập” là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ngoài ra, nó cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ. Ưu điểm nổi bật hơn cả của “Việt âm thi tập” đó là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam.

Ngoài ra, cuốn “Toàn Việt thi lục” do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn xong năm 1768 và đã dâng lên để Vua Lê Hiển Tông đọc cũng bị cho là đã biến mất. “Toàn Việt thi lục” là một trong những bộ sách gốc về thơ chữ Hán của Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, là một tài liệu hết sức quý để nghiên cứu văn hiến Việt Nam. Với 2303 bài thơ của nhiều triều đại “Toàn Việt thi lục” chuyển tải thông điệp, hồn cốt, tình tự, khí phách, tiếng lòng của cổ nhân tới hậu thế. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh viết trong Từ điển Văn học (bộ mới) thì nhận định: “Trong những hợp tuyển thơ Việt Nam được biên soạn từ trước thế kỷ XIX, “Toàn Việt thi lục” là đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học… “Toàn Việt thi lục” là một trong những bộ sách gốc về thơ chữ Hán của Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI. Sách chưa được in, quá trình sao chép có ít nhiều nhầm lẫn, mất mát về văn bản, nhưng vẫn là một kho báu của nền văn hóa dân tộc và là một tài liệu hết sức quý cho công tác nghiên cứu”.

Nếu đúng như dư luận phản ánh thì trên đây là hai di sản văn hóa Hán Nôm vô cùng quý giá, là tài liệu thành văn chứa đựng nhiều giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Khi nó bị “biến mất” một cách bí ẩn cũng đồng nghĩa chúng ta đang dần mất đi những hiện vật gốc, một tài sản văn hóa mà tiền nhân để lại. Hơn nữa thời gian mất sách cách đây đã gần 5 năm, thời điểm phát hiện thì mới gần đây thì liệu có tìm lại được không? Có thể nói hy vọng tìm thấy đối với vốn cổ này thật sự là mong manh. Vì vậy, không thể nói “25 quyển sách này đã có bản scan màu hoặc bản photocopy làm từ trước (tức là nội dung sách không bị mất)” để thiếu quyết tâm truy tìm, không mời cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ là điều khó chấp nhận được.

 Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục; đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu và các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ của dân tộc có cơ hội tiếp cận tài liệu. Tuy nhiên, theo quy định tại đơn vị, nhằm mục tiêu bảo quản các tài liệu quý hiếm, tài liệu gốc đều được lưu tại Phòng Bảo quản; Viện tổ chức phục vụ bạn đọc nghiên cứu chủ yếu thông qua bản photocopy; bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo Viện.

LÂM SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top